Đại biểu Quốc hội: Nên công bố người lớn liên quan vụ gian lận thi cử

TP - Theo ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, việc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình không công bố các thí sinh gian lận cũng có cái lý của họ. Tuy nhiên, đối với người lớn, những người trực tiếp thực hiện hành vi này thì lại nên công bố, nên điều tra rõ, sai lầm đến đâu thì xử lý đến đó.
Đại biểu Quốc hội: Nên công bố người lớn liên quan vụ gian lận thi cử ảnh 1

ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội:

Việc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình quan niệm không công bố các thí sinh gian lận cũng có cái lý của họ. Nhưng cái lý ở đây cũng chủ yếu là lý do thôi. Đúng là vì do chuyện sửa điểm nên các em mới được vào đại học. Thế nhưng nhiều khi cũng không hẳn do lỗi của các em, mà là do lỗi của người lớn, do cha mẹ, do người làm công tác chấm thi.

Chính vì thế, trong trường hợp này, ở một khía cạnh nào đó thì các em cũng là nạn nhân và bước đường tương lai của các em cũng còn dài, cũng không nên vì sai lầm của người lớn mà các em phải gánh chịu. Cho nên, theo tôi nếu không công bố cũng có yếu tố nhân văn ở trong đó.

Còn đối với người lớn, những người trực tiếp thực hiện hành vi này thì lại nên công bố, nên điều tra rõ, sai lầm đến đâu thì xử lý đến đó, vì người lớn thì không thể nói là không biết được. Chắc chắn họ phải biết, chắc chắn phải cố tình, phải thỏa thuận với nhau để có kết quả sai lệch đó. Cho nên, với người lớn nên điều tra rõ ràng, sai đến đâu xử lý đến đó, thậm chí kể cả công khai, xử lý theo quy định của Luật Công chức viên chức để cho rõ ràng và mang tính răn đe.

MỚI - NÓNG