Rúng động chạy trường ở Mỹ và cái nhìn gian lận thi tại Hòa Bình, Hà Giang

Những người liên quan đến vụ chạy trường ở Mỹ đều bị xét xử trước tòa
Những người liên quan đến vụ chạy trường ở Mỹ đều bị xét xử trước tòa
Đường dây chạy trường ở Mỹ bị phanh phui, 50 người bị buộc tội trong đó có 33 phụ huynh đã phải hầu tòa. Trong khi gian lận thi ở Việt Nam, cụ thể là ở Hòa Bình, Hà Giang...hầu như pháp luật và dư luận chỉ hướng sự chỉ trích vào hệ thống giáo dục, “bỏ quên” phụ huynh - người liên quan trực tiếp đến chuyện gian lận thi cử.

Ngày 12/3 vừa qua, tòa án Mỹ đã xét xử đường dây “chạy” vào các trường đại học danh tiếng. Gần 50 người giàu và nổi tiếng, trong đó có cả các ngôi sao Hollywood, trở thành bị cáo có thể bị kết án đến 20 năm tù.

Xét xử tại tòa án

Điểm lại các vụ án “chạy” điểm tại Việt Nam, hầu hết người trực tiếp tham gia là thầy cô, ban giám hiệu hoặc cán bộ sở GD-ĐT. Trong khi ở Mỹ, việc “chạy” chủ yếu là giả mạo giấy tờ do một công ty có trụ sở tại Newport Beach, bang California, thực hiện. Các trường đại học như Đại học Yale và Đại học Nam California (USC), cho biết họ sẽ hợp tác để việc điều tra thuận lợi hơn.

Chủ tịch Trường đại học Yale, Peter Salovey, cho biết trường này đang tích cực hợp tác với giới chức chính quyền và “có những hành động tiếp theo” khi mở rộng cuộc điều tra. Một số giáo viên tham gia hối lộ thường là huấn luyện viên thể thao, nhằm giúp cho bảng thành tích về thể thao của học sinh “đẹp” hơn, vì đây là điều kiện thuận lợi để vào các đại học hàng đầu.

Theo Fox News, người điều hành đường dây nói trên là William Rick Singer. Nếu bị buộc tội, Singer có thể đối mặt với án phạt hơn 1 triệu USD và 65 năm tù.

Nhìn lại, các vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang bị phát hiện từ năm ngoái đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử. “Bộ GD-ĐT kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và cả cho những năm tiếp theo”, câu nói này của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - dường như đã không còn tạo được niềm tin đối với mọi người. 

Với những ai quan tâm đến giáo dục đều không thể không cảm thấy bức xúc trước những vụ gian lận điểm như ở Hà Giang, Hòa Bình... Và việc những người phạm tội phải bị xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe là điều mà người dân chờ đợi, hơn là lời hứa “sẽ xử lý nghiêm”. 

Có thể thấy, các kỳ thi dù lớn hay nhỏ đều tiềm ẩn nguy cơ gian lận. Nếu những vụ án chạy điểm nghiêm trọng dễ dàng rơi vào quên lãng, thì thực trạng gian lận trong ngành giáo dục sẽ tiếp tục xảy ra với mức độ nghiêm trọng hơn. 

“Việc thay đổi điểm số, thay đổi kết quả thi, đổi trắng thay đen không chỉ liên quan đến số phận của các em học sinh mà còn gây rúng động đến đạo đức, đến tính nghiêm minh của pháp luật, đến trách nhiệm của mỗi cá nhân trước sự phát triển của quốc gia”, PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nói. 

Sự im lặng, dễ dàng cho qua những thói hư, tật xấu hoặc tỏ ra vô can trước những dấu hiệu của vi phạm kỷ cương, đã góp phần cho sự gian lận này trở nên kinh khủng hơn.

Phụ huynh không vô can

Trong số 50 người bị buộc tội, có 33 phụ huynh đã phải ra hầu tòa vì liên quan đến vụ án này. Không ít người trong số phụ huynh là những người nổi tiếng, như Felicity Huffman, diễn viên Loughlin, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, đều ngồi ghế bị cáo. Nếu bị kết án, người chủ mưu và các phụ huynh đã trả tiền cho dịch vụ có thể bị phạt đến 20 năm tù, theo Fox News.

Nhìn lại ở Việt Nam, chúng ta thấy hầu như pháp luật và dư luận chỉ hướng sự chỉ trích vào hệ thống giáo dục, “bỏ quên” phụ huynh - người liên quan trực tiếp đến chuyện gian lận thi cử. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, muốn con có bằng cấp dễ dàng bằng cách “mua điểm”, “chạy điểm” chứ không muốn con học hành gian khổ. Cha mẹ thường than phiền con không ham học, nhưng chính cha mẹ lại không cho con cơ hội được học hành một cách nghiêm túc. 

Một số cha mẹ gian lận trót lọt có thể vui mừng và yên tâm rằng con sẽ có tương lai tốt đẹp, nhưng chính cha mẹ đã dạy con bài học về sự thiếu trung thực và lòng tự trọng. Câu chuyện về gian lận điểm thi tại Hà Giang và nhiều trường khác trên cả nước cho thấy suy nghĩ coi trọng điểm số đã ăn sâu vào giáo dục nước ta. Khi thầy cô, cha mẹ đều có suy nghĩ như vậy thì khó trách những đứa trẻ cũng có quan niệm bất chấp tất cả, miễn đạt kết quả cuối cùng. 

Con đã đàng hoàng vào những trường đại học danh tiếng, nhưng đâu biết đã hủy hoại niềm tin vào sự công bằng, chính trực của nhiều học sinh. Thử hỏi, các em sẽ nghĩ gì khi biết rằng chính thầy cô, những người trong ngành giáo dục đã tổ chức đường dây thi cử gian dối, bán điểm cho học sinh để lấy tiền. Những học sinh khác, tuy không phải là nạn nhân trực tiếp, nhưng khi các em biết chuyện mua điểm là có thật thì sẽ rất thất vọng về thầy cô, về mục tiêu của giáo dục.

Mặt khác, cha mẹ cũng đang cướp đi niềm hạnh phúc của con trẻ trong việc học. Bởi nếu học là niềm vui, thì con không còn thấy niềm vui đó nữa, con không cần quan tâm làm gì, chỉ cần đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Học giả Phan Khôi từng nói: “Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi”. 

Đứa trẻ nào cũng được khuyến khích học chỉ để có được tấm bằng, kiếm một “chiếc ghế” và trở nên giàu có, chứ không phải học để hiểu biết và chia sẻ. Trong trường hợp cha mẹ giúp con có được tấm bằng quá dễ dàng, đứa trẻ đâu còn thấy ý nghĩa của việc học, cũng không thấy tự hào vì kết quả đó không phải do nỗ lực tự thân. 

Việc đạt từng mục tiêu nhỏ trong quá trình học mới tạo ra cảm giác hạnh phúc thật sự cho học sinh. Một kết quả đạt được từ nỗ lực của đứa trẻ cùng sự đồng hành, hỗ trợ của thầy cô, cha mẹ thì có ý nghĩa hơn rất nhiều so với kết quả “mua” được. 

Theo Theo Báo Phụ nữ
MỚI - NÓNG