Người dân và doanh nghiệp lo chống đỡ giá điện tăng

Ngành xi măng sử dụng công nghệ để tiết kiệm điện
Ngành xi măng sử dụng công nghệ để tiết kiệm điện
TPO - Giá điện bất ngờ tăng từ ngày 20/3 lên mức 8,36% tức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) khiến người dân và doanh nghiệp phải “oằn mình” chống đỡ.

Chị Phương Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mới tuần trước chị nghe thông tin tăng giá điện nhưng không ngờ giữa tuần này, giá điện tăng ngay lập tức. “Dù chưa đến hè nhưng tiền điện gia đình tôi mỗi tháng hết khoảng 600.000 đồng bao gồm các thiết bị như: ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bếp từ... Nếu áp dụng đơn giá mới này, gia đình tôi sẽ phải trả đến cả triệu tiền điện. Như vậy chi phí điện sinh hoạt cho một gia đình 4 người như nhà tôi là quá lớn trong khi còn rất nhiều khoản chi phí khác như tiền trả nợ ngân hàng vay mua nhà, tiền học 2 con, tiền ăn...”.

Chị Nga tính toán quán triệt gia đình tiết kiệm điện hơn nữa từ tháng này. “Tôi có khi phải đổi từ bếp từ sang bếp ga để giảm chi phí tiền điện. Sắp vào mùa nóng nên tôi cũng phải hạn chế các thành viên dùng bình nóng lạnh, ti vi chắc chỉ mở xem thời sự”, chị Nga nói.

Trong khi đó, để tiết kiệm hơn nữa tiền điện trả hằng tháng, anh Phú Thắng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình anh ở trọ nên chủ nhà tính giá điện cao gấp đôi so với giá nhà nước quy định. Sợ giá điên tăng cao quá trong khi thu nhập vợ chồng anh bấp bênh do buôn bán nhỏ tại chợ, anh Thắng chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển ti vi về quê cho bố mẹ dùng. Do phòng trọ chật nên đèn điện ngoài phòng sẽ trưng dụng cho cả phòng tắm, không dùng máy giặt sẽ tiết kiệm được một khoản vài trăm nghìn”.

Không chỉ người dân phải “oằn mình” chống đỡ việc tăng giá điện, doanh nghiệp sản xuất tìm đủ mọi cách để tiết kiệm điện, không để tiền điện ăn vào lợi nhuận. Trong cơ cấu giá xi măng, chi phí cho năng lượng chiếm 60% (trong đó điện năng chiếm đến 30%). Đại diện Tổng Cty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biêt, với mức tăng này mỗi tháng, tổng công ty phải chi tăng thêm khoảng 20 tỷ đồng tiền điện.

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện phải kể đến Holcim Việt Nam và VICEM. Holcim Việt Nam đã đầu tư 18 triệu USD xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt thừa để phát điện, đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho toàn bộ Nhà máy Hòn Chông (Kiên Giang), giảm phát thải khoảng 25.300 tấn CO2/năm. VICEM cũng đang quyết liệt triển khai xây dựng hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện ở các nhà máy sản xuất xi măng.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Lương Quang Khải: Chương trình tiết kiệm năng lượng và tận dụng nhiệt thừa để phát điện thì VICEM vẫn đang triển khai. Mặc dù áp lực sản xuất, áp lực tiền vốn đầu tư nhưng VICEM quyết làm. Khi được hỏi về tính hiệu quả của dự án, ông Khải cho biết: Tùy từng dự án mới đánh giá cụ thể tính hiệu quả của dự án. Nhưng trong tình hình giá than, giá điện không ngừng tăng thì các doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải tính toán, tận dụng nhiệt thừa để phát điện để giảm tiêu hao điện năng và góp phần xử lý môi trường.

Còn ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam cho biết, việc tăng giá điện rất ảnh hưởng đến ngành thép. Ví dụ công ty thành viên thép miền Nam, mỗi tháng trả 60 tỷ đồng tiền điện, nếu giá điện tăng thêm thì mỗi tháng công ty mất thêm 5 tỷ đồng. Đấy chỉ là một đơn vị. Theo ông Nguyên, công ty cũng sẽ áp dụng công nghệ, tiết kiêm tối đa các thiết bị hao điện để giảm chi phí giá điện.

Theo tính toán của Tổng Cục Thống kê, với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20-3 sẽ làm CPI tăng 0,29-0,31%, khiến CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3-3,9%. Chỉ trong vòng 10 năm từ 2009 đến nay, gía điện tứ mức 948,5 đồng/kwh nay lên tận 1.864,44 đồng/kwh

MỚI - NÓNG