Hà Nội tiếp tục xem xét cấm xe máy điện như xe máy

Xem xét, nghiên cứu cấm xe đạp, xe máy điện như xe máy
Xem xét, nghiên cứu cấm xe đạp, xe máy điện như xe máy
TPO - Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, do trong Nghị quyết 04 của HĐND thành phố Hà Nội có nội dung “đề xuất quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy” nên khi cấm xe máy sẽ nghiên cứu, xem xét cấm cả xe đạp điện.

Theo đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” của thành phố Hà Nội, lộ trình sẽ được chia ra làm 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 2019 – 2025, thành phố sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng theo quy hoạch, kế hoạch; hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh vào 2025.

Cùng với đó, sẽ ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ với mức giá thay đổi theo năm sử dụng đối với những xe máy có tuổi đời dưới 10 năm.

Giai đoạn này, Hà Nội cũng thí điểm hạn chế hoạt động xe máy trên một số tuyến, một số khu vực cụ thể như tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ giao Vành đai 3 – đường Láng) và tuyến Xuân Thủy – Cầu Giấy. Theo đó, sẽ cấm hoạt động xe máy vào giờ cao điểm từ thứ 2 đến thứ 6 sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động, dự kiến sau năm 2020.

Ngoài ra, Hà Nội cũng nghiên cứu xem xét cấm xe máy giờ cao điểm từ thứ 2 đến thứ 6 trên các tuyến đường Giải Phóng (đoạn từ giao Vành đai 3 – Đại Cồ Việt); đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt Long Biên – cầu Chương Dương); đường Lê Văn Lương (đoạn giao vành đai 3 – đường Láng); tuyến Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh.

Hà Nội cũng nghiên cứu việc cấm hoạt động xe máy từ 19h thứ 6 đến 24h Chủ nhật hàng tuần tại khu vực bảo tồn cấp I mở rộng, phạm vi gồm Hàng Đậu – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn – Phùng Hưng giai đoạn 2021 – 2025.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải hành khách công cộng với mục tiêu đáp ứng khoảng 48,5% nhu cầu đi lại trong khu vực Vành đai 1, quy mô 166 tuyến, 2.500 phương tiện xe buýt; 2 tuyến đường sắt đô thị; 25.000 taxi; 30.000 xe hợp đồng (đến 9 chỗ); 6.000 xe đạp công cộng.

Giai đoạn này, Hà Nội hạn chế hoạt động xe máy trong khu vực vành đai 1 với diện tích 25,91km vuông, dân số khoảng 700 ngàn người.

Trong giai đoạn sau năm 2030, hạn chế hoạt động xe máy trong khu vực vành đai 3 và mở rộng ra các khu vực khác, đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và năng lực vận tải hành khách công cộng. Phát triển lực lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng 70% nhu cầu đi lại trong khu vực vành đai 3 với quy mô 180 tuyến xe buýt, 2.700 phương tiện; 9 tuyến đường sắt đô thị; 30.000 taxi; 30.000 xe hợp đồng (đến 9 chỗ); 10.000 xe đạp công cộng.

Trả lời báo chí mới đây, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, tất cả nội dung nói trên hiện đang được nghiên cứu, chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt.

“Trong đề án nói rõ là 2019 – 2020 là giai đoạn nghiên cứu xây dựng đề án, đưa ra lộ trình cụ thể đến 2030 để từng bước làm. Làm gì cũng phải đưa ra để có ý kiến”, ông Viện nói.

Ông Viện cũng khẳng định : “Chỉ là nghiên cứu thôi chứ chưa phải là năm 2020 dừng đăng ký xe máy. Các bạn nghe thông tin ở đâu. Làm gì có chuyện đấy. Mà tất cả là nghiên cứu. Mà khi đã dừng xe máy thì phải nghiên cứu lộ trình thích hợp để dừng đăng ký xe máy, tránh thiệt hại cho người dân. Chính quyền cũng mong muốn, ngày mai, ngày kia dừng rồi mà không dừng đăng ký, người dân cứ mua thì sau không được đi. Nên đấy là suy nghĩ theo nguyên tắc lộ trình để đáp ứng. Còn phải nghiên cứu, phù hợp với quy định, phù hợp với lộ trình, đang nghiên cứu để trình chứ chưa có cấp nào phê duyệt”, ông Viện nói.

Trước câu hỏi “Cấm xe máy thì có cấm xe máy điện, xe đạp điện không”, ông Viện cho biết đang nghiên cứu. Tuy nhiên, ông Viện cho biết, trong  Nghị quyết 04 nêu rất rõ, đề xuất quản lý xe đạp điện như xe máy.

“Nghị quyết đề xuất xe đạp điện cũng quản lý như xe máy. Thì tôi hiểu là đã quản lý xe máy dừng hoạt động thì đương nhiên. Trong nghị quyết 04 có ý nêu là chúng ta đang nghiên cứu quản lý xe đạp điện như xe máy. Xe đạp điện cũng là phương tiện giao thông, cũng gây ra tai nạn và ùn tắc. Nên nhiều tuyến đô thị trước đây không cấm, bây giờ người ta cấm. Nghị quyết cũng nêu vấn đề này rồi. Nên khi nghiên cứu đề án thì vấn đề này cũng đặt ra và lấy ý kiến sau đó trình cấp thẩm quyền phê duyệt”, ông Viện thông tin thêm.

MỚI - NÓNG