Vụ 'vong báo oán' ở chùa Ba Vàng: Nhiều điều bất thường

Bà Yến không hề xuất hiện sau “bão dư luận” tại chùa Ba Vàng
Bà Yến không hề xuất hiện sau “bão dư luận” tại chùa Ba Vàng
TP - Ðã 5 ngày kể từ khi báo chí liên tục phản ánh việc chùa Ba Vàng truyền bá “vong báo oán” khiến dư luận cả nước “dậy sóng”, chính quyền Quảng Ninh vẫn “án binh bất động”. Ngoài công văn hỏa tốc được phát đi từ UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, trên các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh không có  dòng nào nhắc đến sự kiện này.

Từ năm 2015, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tại Quảng Ninh đã có công văn gửi cho 7 cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh trình bày việc chùa Ba Vàng có nhiều biểu hiện không đúng chuẩn mực trong các hoạt động tâm linh, thu tiền bất chính. Thậm chí, đã có 40 tăng, ni bỏ đi khỏi chùa vì không chịu được chính sách mới cũng như quan điểm tu hành của nhà chùa.

Sự im lặng bất thường

Công văn này gần như đã bóc trần sự thật về việc gọi vong, giải nghiệp mà nhà chùa đã lợi dụng bà Phạm Thị Yến để ma mị người dân về đây thỉnh “oan gia trái chủ” để thu tiền bất chính (tiền công đức). Nhưng đáp lại việc này, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh chỉ có những văn bản trả lời chung chung, không đi đến cùng sự việc và dần bị lãng quên.

“Họ gọi vong, cúng hồn, làm đủ trò ma quỷ tại chùa để thu tiền tỷ lâu nay mà cả hệ thống chính quyền nói không biết là vô trách nhiệm với dân. Nhưng tôi thấy bất thường là sự việc này nhiều người biết, nhiều người phản ánh nhưng phía chính quyền không vào cuộc từ trước, để nó biến tướng như hiện nay. Hơn nữa, khi mọi chuyện vỡ lở lại tỏ ra lúng túng trong việc giải quyết” - Ông N.Th.B., một người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Quảng Ninh cho biết.

Trong những ngày gần đây, báo chí cả nước liên tục đăng tải những bài viết liên quan đến việc chùa Ba Vàng truyền bá “vong báo oán”. Nhưng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Quảng Ninh các cơ quan truyền thông địa phương không có dòng nào nhắc đến việc này.

Chùa Ba Vàng có 3 trang web (chuabavang.com.vn, thaythichtructhaiminh.com, phamthiyen.com) được xem như những trang web chính thức của nhà chùa nhiều năm nay. Trên các trang web này liên tục đăng tải các nội dung bài giảng, hoạt động của nhà chùa. Đặc biệt là việc đăng tải những bài viết cổ súy cho việc “thỉnh oan gia trái chủ”, truyền bá những hình ảnh “gọi vong”, “nhập hồn” trái với đạo lý nhà Phật.

Sự “biến mất” bất thường

Ngày 21/3 và ngày 24/3, Tiền Phong có 2 bài viết “Thấy gì trên trang web chùa Ba Vàng”, phản ánh việc các trang web này có những nội dung truyền bá “thỉnh oan gia trái chủ”. Nội dung của các trang web này liên tục thay đổi theo chiều hướng của dư luận (xóa bài viết, đăng tải mới những thông tin phản biện cho rằng báo chí vu khống, đặt điều, bôi nhọ nhà chùa). Các trang web này đều không ghi thông tin giấy phép hoạt động từ cơ quan chức năng.

Cuối ngày 24/3, các trang web nói trên bỗng nhiên “biết mất” một cách bất thường. Đến trưa 25/3, Cổng thông tin điện tử của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh mới thông tin việc tạm dừng hoạt động các trang web này là do chưa đủ điều kiện. Đại diện sở cũng cho biết, sở chỉ nhắc nhở đối với nhà chùa chứ không phạt hành chính. Đợi lúc nào phía nhà chùa hoàn thành các thủ tục đăng ký thì sở mới cho phép các trang web này hoạt động trở lại.

Trong những ngày qua, dư luận quan tâm nhất là người phụ nữ có tên Phạm Thị Yến, người liên tục xuất hiện trong các video giảng pháp “vong báo oán”, “gọi ma, khiển quỷ” trên các trang mạng xã hội cùng những phát ngôn gây “sốc”. Bà Yến là người luôn xuất hiện sau các bài giảng pháp của sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh, chính Đại đức Thái Minh cũng luôn có mặt chứng kiến việc bà Yến thuyết giảng cho các Phật tử về việc “vong báo oán” ngay tại chùa.

Nhưng kể từ khi báo chí lên tiếng về vai trò của bà Yến tại chùa Ba Vàng, bà Yến đã “biến mất”. Trong nhiều cuộc làm việc của phía chính quyền với nhà chùa trong những ngày gần đây, bà Yến cũng không có mặt. Theo một nguồn tin riêng của Tiền Phong đang làm việc tại chùa Ba Vàng, bà Phạm Thị Yến đã không có mặt tại chùa nhiều ngày nay và hiện tại cũng không ai biết bà Yến đang ở đâu.

Tại nơi cư trú của bà Yến ở phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, đại diện chính quyền địa phương cho biết, bà Yến đã cắt khẩu chuyển đi nơi khác trước khi ly dị chồng năm 2017. Ngay cả tại nguyên quán của bà Yến (Khoái Châu, Hưng Yên), chính quyền địa phương cũng cho biết bà Yến không hề sinh sống tại đây mà đã chuyển đi cùng gia đình từ nhỏ và cũng không ai biết đến bà Yến.

Ngày 23/3, UBND thành phố Uông Bí cho biết đã có văn bản đề nghị Công an thành phố triệu tập bà Yến lên để làm rõ những vấn đề mà báo chí đã nêu. Nhưng cho đến nay, công văn này cũng chỉ mới dừng lại ở việc UBND thành phố yêu cầu vì phía Công an vẫn chưa triệu tập bà Yến vì cho rằng cần củng cố thêm hồ sơ nghiệp vụ.

Công văn hỏa tốc của tỉnh Quảng Ninh gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc làm rõ việc báo chí nêu ở chùa Ba Vàng, các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung thông tin bài báo phản ánh; có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có); thông tin cho các cơ quan báo chí biết kết quả giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/3/2019.

Nhưng đến hết ngày 25/3, tất cả thông tin về vụ việc “vong báo oán” chùa Ba Vàng vẫn được giữ kín. Theo tìm hiểu, vào chiều 25/3, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có cuộc họp kín với các cơ quan chức năng về vụ việc chùa Ba Vàng. Khi PV tìm cách tiếp cận những thông tin tại cuộc họp, đại diện một số cơ quan chức năng đều có câu trả lời chung: Thông tin mật không thể tiết lộ.

Nhưng kể từ khi báo chí lên tiếng về vai trò của bà Yến tại chùa Ba Vàng, bà Yến đã “biến mất”. Trong nhiều cuộc làm việc của phía chính quyền với nhà chùa trong những ngày gần đây, bà Yến cũng không có mặt. Theo một nguồn tin riêng của Tiền Phong đang làm việc tại chùa Ba Vàng, bà Phạm Thị Yến đã không có mặt tại chùa nhiều ngày nay và hiện tại cũng không ai biết bà Yến đang ở đâu.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.