Giấu danh sách thí sinh, phụ huynh gian lận thi cử:

Thí sinh học thật mới là người tổn thương

TP - Hôm qua, 25/3, đã có thêm một thiếu tá công an ở Sơn La bị tước danh hiệu vì liên quan đến tiêu cực xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Những người “bán điểm” đã dần dần được đưa ra ánh sáng. Thế nhưng, những người mua điểm, những người được hưởng lợi từ việc mua điểm này vẫn nằm trong “bóng tối” dù đã có kết quả điều tra.

PV Tiền Phong ghi nhận ý kiến của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa, trung tâm Học mãi về vấn đề này.

Thầy Vũ Khắc Ngọc nói:

Tôi cho rằng cho đến thời điểm này, không thể không công khai danh sách thí sinh được chạy điểm. Việc công khai này cũng là một biện pháp để răn đe. Vì gian lận thi cử này rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng cả về quy mô và mức độ. Quy mô ở đây là số lượng thí sinh, số lượng bài thi được sửa điểm lớn.

Thí sinh học thật mới là người tổn thương ảnh 1 Thầy Vũ Khắc Ngọc
Mức độ là số điểm được sửa rất trắng trợn. Gian lận thi cử thời nào cũng có, những chuyện như quay cóp, nhìn bài bạn là những cái thi thoảng vẫn gặp. Nhưng nâng điểm ở mức từ điểm liệt lên thủ khoa cả nước thì không thể chấp nhận được.

Sự nghiêm trọng về tính chất ở đây còn thể hiện ở khía cạnh quyền lợi cá nhân. Khi sự việc xảy ra, những người trong ngành có so sánh với sự việc xảy ra ở THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang hay THPT Phú Xuyên A, Hà Tây cũ. Nhưng thực ra  tính chất của vụ việc không giống nhau. Những sai phạm ở Đồi Ngô hay Phú Xuyên A xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì bệnh thành tích của địa phương, không có tính chất vụ lợi cá nhân.

Còn sự việc tại Hòa Bình hay Sơn La, Hà Giang lại là quyền lợi cá nhân, liên quan đến đỗ, trượt khi tuyển sinh vào ĐH. Nếu nói nặng lời thì đó là tham nhũng “bổ nhiệm”. Vì những thí sinh này đa số vào trường công an, quân đội. Tuyển sinh của quân đội, công an không đơn thuần là tuyển sinh mà đó là tuyển dụng luôn. Nên khi đỗ vào không chỉ là trúng tuyển đại học mà kèm theo một biên chế mặc định.

Đó còn chưa kể có những thí sinh là con em những gia đình có gia thế, địa vị, thậm chí là đã có sẵn bản quy hoạch nào đó mà như mọi người nói là “tờ A4” đã có sẵn, ra trường làm gì ở đâu rồi. Rõ ràng, chạy điểm này không phải là hành vi chạy điểm thông thường. Việc công khai danh tính thí sinh còn là một cách đánh giá đối với phụ huynh. Họ là người có chức, có quyền, có địa vị xã hội nhưng đã có  hành vi chạy điểm tức là chạy chức, chạy quyền cho con, họ làm như thế là không chấp nhận được.

Trong lịch sử thi cử phong kiến Việt Nam, lỗi liên quan đến gian lận thi cử như thế rất nghiêm trọng, thậm chí có thể tử hình, chặt đầu. Trong một xã hội đề cao, coi trọng việc học hành khoa cử như Việt Nam thì không thể  xử lý nội bộ nhẹ nhàng. Vì như thế sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu. Hiện nay  các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc truy tố đối tượng là cán bộ thực hiện thi. Những người chạy điểm, mua điểm chưa thấy có phương án xử lý.

Cần phải tham khảo ý kiến của luật sư xem trong pháp luật Việt Nam có điều luật nào mang tính răn đe những người chạy điểm hay không. Nếu không có hoặc không đủ mạnh thì việc công khai danh tính là một giải pháp răn đe cần thiết.

Mạng xã hội rất phát triển, thông tin trái chiều, thật giả đang lẫn lộn. Nên việc công khai minh bạch thông tin cũng là một cách để dập tắt được những thông tin không chính xác. Sở GD&ĐT các tỉnh, Bộ GD&ĐT không công khai danh tính của thí sinh, song điều này cũng không ngăn được sự “điều tra” của dư luận đối với những người  tham gia chạy điểm này. Cho nên dù Bộ, hay Sở có không công khai thì cũng không giấu được hết.

Sự che giấu đó lại làm phát sinh vấn đề. Có thể có những thí sinh điểm cao nhưng không phải do được nâng điểm, giờ không công khai, họ có thể bị thông tin giả vùi dập, có khi những thí sinh này còn bị tổn thương còn lớn hơn những thí sinh được chạy điểm. Đó còn chưa kể những kẻ xấu có thể chế ra một hình ảnh, một thông tin nào đó để thổi phồng sự việc lên. Do vậy, việc không công khai còn nguy hại hơn, gây ra tổn thương còn lớn hơn.

Ngay tại thời điểm này, ở Mỹ cũng đã phát hiện một đường dây phụ huynh “chạy” điểm cho con vào ĐH. Họ đã bị công khai danh tính và bị xử lý rất nghiêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chính những phụ huynh này. Nhưng họ vẫn làm. Đây là một tiền lệ để dư luận Việt Nam so sánh. Nếu viện lý do công khai sẽ gây tổn thương những thí sinh được chạy điểm thì đó là cách trả lời không công bằng với những thí sinh khác, họ lại bị thiệt thòi vì những sai phạm này một lần nữa. 

Gian lận thi cử tại Hòa Bình: Gần 20 trường ĐH có thí sinh “dính”

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, hôm qua 25/3, sở đã hoàn tất các công việc mà Bộ GD&ĐT giao liên quan đến cập nhật lại điểm cho thí sinh sau kết quả chấm thẩm định. Ông Đắc cho biết, có khoảng gần 20 trường ĐH có thí sinh được nâng điểm của Hòa Bình theo học.

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã cập nhật xong. Đồng thời đã gửi kết quả cập nhật về các trường ĐH, CĐ có thí sinh liên quan. Hôm nay, 26/3, Sở GD&ĐT Hòa Bình sẽ gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, ông khẳng định, cũng có nhiều thí sinh trong danh sách thẩm định lại kết quả không nhập học tại các trường trúng tuyển.

Trước câu hỏi có bao nhiêu thí sinh trong danh sách trúng tuyển vào khối trường công an, quân đội, ông Đắc từ chối trả lời. Ông cũng vẫn giữ quan điểm không công khai danh sách thí sinh.

Trao đổi qua điện thoại, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, khẳng định Bộ GD&ĐT đã nói hết rồi, Sở làm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ. Bộ nói thế nào thì Sở nói thế và không cung cấp gì thêm.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.