'Đập xe máy đổi xe điện': Chiến dịch vì người tiêu dùng của Pega?

Pega tung chiến dịch gây sốc để khách hàng đổi lấy những chiếc xe điện của mình. Ảnh: Sơn Phạm
Pega tung chiến dịch gây sốc để khách hàng đổi lấy những chiếc xe điện của mình. Ảnh: Sơn Phạm
TPO - Tung ra chiến dịch "Đập xe máy đổi xe điện", hãng xe điện Pega cho rằng đây là cơ hội cho khách hàng nâng cấp từ xe máy cũ lên xe điện mới và cũng để thể hiện thách thức của Pega dành cho thị trường xe máy.
Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển với lượng xe hai bánh (xe máy chiếm số đông) hoạt động đông đảo trên những con đường đô thị, đặc biệt tại hai thành phố lớn: Hà Nội và TP.HCM. Vì vậy, việc mua xe máy đối với người tiêu dùng nước ta gần như một điều hiển nhiên khi có họ nhu cầu đi lại thường xuyên.
Bên cạnh xe máy, các dòng xe điện cũng đang phát triển sau sự xuất hiện của VinFast Klara, tạo được dấu ấn với người tiêu dùng thông qua màn ra mắt và trưng bày hồi cuối tháng 11/2018.
Không có kế hoạch quảng bá nổi trội như vậy, ngày 22/3 vừa qua, hãng xe điện Pega đã âm thầm tung ra chiến dịch "Đập xe máy đổi xe điện" với mục đích hiện trạng xe máy đang được bán với giá quá đắt đỏ, gấp mấy lần thị trường nước ngoài, chí phí xăng dầu cao, xả khói ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe và đây sẽ là cơ hội để người tiêu dùng đổi xe máy cũ lấy xe điện mới.

Tuy nhiên, đây có thể là "con dao hai lưỡi" dành cho hãng xe điện này khi tâm lý người tiêu dùng vẫn rất ưa chuộng các sản phẩm xe máy chạy xăng truyền thống; do đó, chiến dịch này hoàn toàn có khả năng gây nên sự phản cảm, đặc biệt với những người vốn đã không ưa chuộng xe điện.

'Đập xe máy đổi xe điện': Chiến dịch vì người tiêu dùng của Pega? ảnh 1 Dòng xe máy điện NewTech mới nhất của Pega. Ảnh: Sơn Phạm
Trả lời Tiền Phong về câu hỏi hãng đã nghiên cứu gì trước khi đưa ra chương trình quảng bá này, đại diện Pega cho biết: "Pega chưa nghiên cứu gì. Pega đưa ra chiến dịch này để cho khách hàng có cơ hội nâng cấp từ xe máy cũ lên xe điện mới, cũng để thể hiện thách thức của Pega dành cho thị trường xe máy".
Dù vậy, theo công bố từ hãng xe điện này, chương trình chỉ "áp dụng với các dòng xe máy mua từ 2017", đó không hẳn là những chiếc xe quá cũ. Đồng thời, Pega cũng khôn khéo "lồng" thêm quy định "đổi ngang với các xe máy có giá trị khi mua cao hơn, bằng hoặc thấp hơn tối đa 5 triệu đồng so với mẫu xe điện muốn đổi".
Tuy hãng có ghi yêu cầu đối với khách hàng: "người muốn tham gia cần quay clip cảnh đập xe và gửi cho PEGA", nhưng không hề thông tin rõ ràng về việc phải đập xe ra sao, đập bộ phận nào và bao nhiêu phần trăm mới đạt. Đại diện của Pega khi được hỏi cũng không dễ dàng đưa ra được câu trả lời khi chỉ chia sẻ: "chắc tầm khoảng 30 đến 50%".
Cuối cùng, vì đã bị đập, nhiều chiếc xe máy có thể bị hư hỏng nặng hoặc không sử dụng được, vấn đề xử lý sau đó cũng rất quan trọng, nhưng hãng xe điện này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể: "Hiện tại, bên mình cũng chỉ thu lại để đấy chứ chưa có mục đích gì khác". Chiến dịch của Pega sẽ bắt đầu từ tháng 4.
Trước khi biết đến với tên Pega, hãng xe điện này tiền thân là HKbike. Pega đang có nhà máy ở Yên Dũng, Bắc Giang, kinh doanh 5 dòng xe chính với 3 xe máy điện: NewTech, Aura, X-Men Trans, và 2 xe đạp điện: Cap-A9, Zinger 3. Năm 2018, tổng doanh số của tất cả các dòng sản phẩm đạt 30.000 chiếc.
MỚI - NÓNG