Hàn Quốc sẵn sàng chìa tay với Triều Tiên

Khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là nơi có đường phân định tạm thời chia cắt bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Thu Loan.
Khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là nơi có đường phân định tạm thời chia cắt bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Thu Loan.
TP - Hàn Quốc hôm qua đề xuất đối thoại cấp cao với Triều Tiên vào ngày 9/1, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên chìa cành ô liu và nói rằng Bình Nhưỡng có thể tham gia Thế vận hội Mùa đông sắp diễn ra ở Hàn Quốc. 

Giới quan sát cho rằng, những diễn biến mới có thể khoét sâu ngăn cách giữa Seoul và Washington. 

"Chúng tôi hy vọng miền Nam và miền Bắc có thể ngồi đối diện nhau và thảo luận về sự tham gia của đoàn Triều Tiên tại Thế vận hội Pyeongchang cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác nhằm cải thiện quan hệ liên Triều”, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon phát biểu tại một cuộc họp báo. Ông Cho đề xuất hai miền gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm), khu phi quân sự được canh phòng nghiêm ngặt nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới cách đó 1 ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, Bình Nhưỡng “sẵn sàng đối thoại” với Seoul và sẽ chỉ sử dụng tên lửa nếu bị đe dọa. Ông cũng nói sẽ cân nhắc việc cử đoàn tham dự Olympic Mùa đông từ ngày 9-25/2 và đề xuất hai miền nên “gặp nhau ngay lập tức” để thảo luận về khả năng này. Đáp lại, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh đề xuất của ông Kim về việc cử đoàn tham gia Thế vận hội và đối thoại với Hàn Quốc để bàn về khả năng này.

Là người từ lâu ủng hộ việc xích lại gần Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi bài phát biểu của ông Kim là “đáp lại đề xuất của chúng tôi về việc biến Thế vận hội Pyeongchang thành một cơ hội của đời người để cải thiện quan hệ hai miền và thiết lập hòa bình”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh nỗ lực của Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm cải thiện quan hệ song phương. Thế vận hội Mùa đông 2018 sẽ diễn ra 30 năm sau khi Seoul tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1988, một giai đoạn hỗn loạn mà nhiều quốc gia, trong đó có Triều Tiên, quyết định tẩy chay. Đến nay chỉ có 2 vận động viên trượt băng của Triều Tiên đủ tiêu chuẩn tham gia. Đó là Ryom Tae Ok và Kim Ju Sik. Nhưng Ủy ban Olympic quốc gia của Triều Tiên bỏ qua hạn chót 30/10/2017 để đăng ký tham gia. Ủy ban Olympic quốc tế đã thảo luận về việc cho phép đăng ký thêm theo đề xuất của ông Choi Moon-soon, Tỉnh trưởng tỉnh Gangwon - nơi sắp tổ chức sự kiện.

Chiêu gây chia rẽ Mỹ - Hàn?

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đột ngột mở lời với Hàn Quốc khiến giới phân tích ngỡ ngàng, dẫn đến những ý kiến cho rằng, đây có thể là một phần trong chiến lược mới của Bình Nhưỡng nhằm khoét sâu ngăn cách giữa Seoul và Washington.

CNN dẫn lời Phó Chủ tịch phân tích chiến lược của hãng phân tích địa chính trị và tình báo Stratfor, ông Rodger Baker, nói rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đang “tận dụng cảm giác bất an của Seoul” để gây chia rẽ Hàn Quốc với Mỹ nhằm đáp trả việc Mỹ ngày càng tăng cường chiến lược ngăn chặn. “Bằng cách nói rằng Triều Tiên có thể cử đoàn tham gia Olympic, Triều Tiên có thể tạo thêm động lực cho việc Hàn Quốc đề xuất hoãn các đợt tập trận quân sự chung với Mỹ, và có thể tạo thêm khác biệt giữa Seoul và Washington trong chính sách đối phó với Triều Tiên”, ông Baker nói. Tổng thống Moon từng nói có thể sẽ hoãn tập trận với Mỹ đến khi Thế vận hội Mùa đông kết thúc.

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái, ông Moon bày tỏ sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Điều này có vẻ khác với chiến lược của Mỹ, đặc biệt là của Tổng thống Donald Trump. Tháng 9 năm ngoái, ông Trump nói ông Moon là đang “làm yên lòng” Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là mạnh nhất tính đến thời điểm đó.

Quan điểm của ông Moon được ví với chính sách “Ánh dương” của các chính phủ Hàn Quốc trong giai đoạn 1998-2008. Theo chính sách này, Seoul chủ động chìa tay với Bình Nhưỡng để cải thiện quan hệ ở khu vực biên giới và chứng kiến hai chuyến thăm của hai đời tổng thống Hàn Quốc đến thủ đô của Triều Tiên. Tuy nhiên, cách thức này cuối cùng cũng không thể dừng chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Phát biểu hôm 1/1 vừa qua, ông Moon nói rằng, việc cải thiện quan hệ liên Triều “không thể tách rời chuyện giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên”.

Ông Tong Zhao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng, Triều Tiên “không muốn tỏ ra đang đe dọa và khiêu khích”. “Ông ấy (ông Kim) muốn thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng, các vũ khí hạt nhân của ông ấy chỉ để phòng vệ và muốn một giải pháp thương lượng với Mỹ trên nền tảng là ông ấy phải giữ được năng lực răn đe hạt nhân”, ông Zhao nói.

Cũng theo nhà nghiên cứu Trung Quốc, sau khi đạt được năng lực răn đe chiến lược sơ bộ, Triều Tiên có thể muốn xuống thang căng thẳng và thấy rằng Thế vận hội Mùa đông là cơ hội vàng. “Cuộc chơi này khiến Washington và Seoul có thể chấp nhận yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc tự kiềm chế để điều chỉnh các cuộc tập trận của họ mà không mất mặt hay có vẻ bị yếu thế trước Bình Nhưỡng”, ông Zhao nói.

Theo Viện Chiến lược An ninh Quốc gia thuộc Cơ quan Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc, Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nối lại các dự án kinh tế liên Triều, cung cấp viện trợ để đổi lấy việc Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội Mùa đông sắp tới. Bình Nhưỡng cũng có thể sẽ đòi Seoul và Washington dừng các cuộc tập trận chung, Washington dừng đưa vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên…

Theo Theo Yonhap, CNN, NYT
MỚI - NÓNG