Syria: Ngờ vực trỗi dậy sau vụ bắn rơi máy bay Nga

Hiện trường vụ máy bay quân sự Nga bị bắn hạ và bốc cháy. Ảnh: EPA-EFE
Hiện trường vụ máy bay quân sự Nga bị bắn hạ và bốc cháy. Ảnh: EPA-EFE
TP - Cuối tuần qua, một chiếc máy bay quân sự của Nga bị bắn hạ trong một khu vực do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Iblib, miền bắc Syria. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng phi công của họ sống sót sau khi máy bay rơi nhưng bị các tay súng bắn chết trên mặt đất. Vụ việc có thể làm dấy lên ngờ vực giữa các nước liên quan gồm Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiếc Su-25 của Nga đang bay trên khu vực Iblib thì trúng tên lửa phóng lên từ khu vực do phiến quân kiểm soát, Bộ Quốc phòng Nga nói trong một tuyên bố. Danh tính của phi công chưa được tiết lộ. Khu vực nơi máy bay bị bắn hạ nằm ở phía bắc tỉnh Iblib, nằm dưới sự kiểm soát của nhiều nhóm phiến quân khác nhau.

Những đoạn phim quay hiện trường vụ bắn rơi do các nhà hoạt động địa phương đưa lên mạng cho thấy một chiếc máy bay bốc cháy nhưng vẫn có thể xác định được là chiếc Su-25 có biểu tượng ngôi sao đỏ của Không quân Nga. Ông Moaz al-Shami, một nhà hoạt động truyền thông sống ở Iblib và là người thường đăng các đoạn phim về khu vực, xuất hiện trong đoạn video và mô tả các tay súng bắn hạ máy bay là những “anh hùng” trả thù cho những dân thường thiệt mạng trong các trận không kích.

Từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh đưa quân sang Syria, Nga đã thiệt hại 4 máy bay chiến đấu, 4 trực thăng và 50 quân nhân trong cuộc xung đột.

Trong một tuyên bố đưa ra sau đó, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng họ đã dùng vũ khí có độ chính xác cao để tiêu diệt 30 tay súng phiến quân ở khu vực máy bay bị bắn hạ. Lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quản lý vùng giảm chiến đang làm việc tìm thi thể phi công.

Một tổ chức chi nhánh của al-Qaeda đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ bắn rơi máy bay Nga. Hayat Tahrir al-Sham, gọi tắt là HTS, là một nhóm phiến quân mạnh đã công khai tách khỏi al-Qaeda từ năm 2017. HTS tuyên bố họ đã dùng hệ thống tên lửa di động để bắn hạ chiếc Su-25 khi máy bay này hạ thấp độ cao ở thị trấn Saraqeb.

Tháng 12 vừa qua, Tổng thống Putin ra lệnh rút quân khỏi Syria và tuyên bố sứ mệnh của họ đã hoàn tất. Tuy nhiên, một số máy bay chiến đấu của Nga vẫn ở lại căn cứ không quân Hmeimim, nơi trở thành cơ sở không quân lâu dài của Nga ở Syria.

Nguồn gốc vũ khí

Tại Mátxcơva, các nghị sĩ Nga hứa sẽ điều tra thấu đáo vụ việc. “Về chính trị, vụ việc này rất quan trọng và sẽ gây tác động trên diện rộng”, hãng tin Nga Interfax dẫn lời ông Franz Klintsevich, thành viên Hội đồng liên bang Nga.

Vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khi hai nước đang giám sát “vùng giảm chiến” ở tỉnh Iblib. Đây là một trong những vùng xuống thang quân sự do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lập ra từ năm ngoái nhằm giảm bớt đổ máu trong cuộc nội chiến kéo dài ở Syria.

Vụ việc cũng làm dấy lên câu hỏi về nguồn gốc của tên lửa Manpad, loại vũ khí mà các phiến quân Syria nhiều lần đề nghị các nhà tài trợ quốc tế cung cấp. Mỹ phản đối mạnh mẽ đề nghị này vì sợ rằng những loại vũ khí bắn máy bay có thể rơi vào tay các nhóm cực đoan.

Sau vụ việc vừa qua, một số nghị sĩ Nga đổ lỗi cho Mỹ cung cấp cho phiến quân Syria những vũ khí có thể bắn hạ máy bay. “Chúng tôi đã cảnh báo rằng người Mỹ sẽ cung cấp những vũ khí như vậy, rồi sau đó họ không thể kiểm soát chúng”, ông Aleksei Chepa, thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) nói với Interfax. Ông Chepa cũng nêu lại quan ngại rằng những vũ khí như vậy có thể bắn hạ cả máy bay quân sự và dân sự.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng bất kỳ cáo buộc nào cho rằng Mỹ cung cấp tên lửa Manpad ở Syria là không đúng, và phủ nhận rằng phương tiện quân sự của Mỹ đã bị dùng để bắn hạ máy bay Nga. “Mỹ chưa từng cung cấp tên lửa Manpad cho bất kỳ nhóm nào ở Syria, và chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng những vũ khí như vậy đang bị sử dụng”, Reuters dẫn lời bà Nauert.

Việc Manpad bị sử dụng ở tỉnh nơi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện liên tục cũng có thể khiến Nga tức giận với Ankara. Hai nước này gần đây cải thiện quan hệ và hợp tác với nhau ở Syria sau một thời gian căng thẳng vì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay của Nga ở Syria năm 2015.

Thổ Nhĩ Kỳ lập các trạm quan sát ở Iblib từ năm ngoái để giám sát giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phiến quân, nhưng nước này cũng bị cáo buộc là đang có quan hệ gần gũi với nhóm HTS.

Tỉnh Idlib đang là nơi cư trú của hơn 1 triệu người mất nhà cửa từ khắp Syria, và những hoạt động giao tranh mới nổ ra đã khiến khoảng 1/4 triệu người phải chạy trốn một lần nữa kể từ giữa tháng 12 vừa qua, khiến những ngôi nhà và lều tạm trong khu vực vốn đã chật chội càng bị quá tải.

Khu vực máy bay Nga vừa bị bắn hạ vẫn đang hứng chịu những trận dội bom đạn dữ dội trong những ngày gần đây. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, một vụ không kích vào khu chợ khoai tây đầu tuần này khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và bệnh viện của thị trấn cũng bị tấn công.

MỚI - NÓNG