Đối thoại hạt nhân với Mỹ: Nước cờ khôn ngoan của ông Kim Jong-un

TPO - Muốn giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn sự đe dọa sử dụng vũ lực của Mỹ và tạo lợi thế trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 là những gì mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un toan tính khi tuyên bố sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đàm hạt nhân với Mỹ

Trong cuộc họp báo tổ chức ngày 6/3 ngay sau khi từ Bình Nhưỡng trở về Seoul, ông Chung Eui-yong, Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, đồng thời là Trưởng phái đoàn Hàn Quốc cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ Triều Tiên sẵn sàng tiến hành đối thoại thẳng thắn với Mỹ để thúc đẩy phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ Triều-Mỹ.

Ngoài ra, phía Triều Tiên còn cam kết, trong thời gian diễn ra các cuộc đối thoại Triều-Hàn, Triều Tiên sẽ đảm bảo không tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc các hành động khiêu khích như phóng thử tên lửa đạn đạo.

Đặc biệt, nhà lãnh đạo Triều Tiên còn thể hiện sự "thấu hiểu" đối với việc Mỹ-Hàn tái khởi động các cuộc diễn tập quân sự vào tháng 4 tới.

Nếu tuyên bố trên được phía Triều Tiên chứng thực thì đây là lần đầu tiên Kim Jong-un chỉ ra rằng chính phủ của ông sẵn sàng đàm phán về từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh từ Mỹ. Đến nay, Triều Tiên vẫn nói rằng vũ khí hạt nhân không phải là thứ để mặc cả.

Trước đó vào ngày 3/3, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) còn nhấn mạnh nước này kiên quyết từ chối đối thoại với Mỹ trong trường hợp có kèm theo điều kiện, và cũng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân và các dự án tên lửa để đối lấy cơ hội đối thoại.

Đặc biệt, vào tháng 9/2017, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nhấn mạnh, chỉ cần vẫn còn bị đe dọa bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ không từ bỏ việc xây dựng năng lực răn đe hạt nhân.

Tiếp đến vào tháng 11/2017, hãng KCNA chỉ rõ, thực hiện phi hạt nhân hóa trên toàn thế giới là nguyện vọng chung của nhân loại. Nếu muốn thực hiện nguyện vọng này, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đứng đầu là Mỹ phải là người đi đầu trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân. Tức là nếu Mỹ từ bỏ hạt nhân, Triều Tiên cũng sẽ từ bỏ hạt nhân.

Thậm chí Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong ngày 28/7/2015 còn tuyên bố, Triều Tiên đã là quốc gia hạt nhân, trong bất cứ tình huống nào, Triều Tiên đều từ chối tham gia bất cứ cuộc đàm phán quốc tế và đối thoại quốc tế nào nhằm mục đích thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hạt nhân.

Phó vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son Hui vào tháng 6/2016 khi tham dự Hội nghị an ninh tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bày tỏ rõ ràng rằng, Triều Tiên không có ý định quay trở lại bàn đám phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Vào tháng 4/2009, sau khi tuyên bố rút khỏi đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nước này đã hoàn toàn không chấp nhận bất cứ sự khởi động đàm phán nào, hơn nữa còn nhấn mạnh sẽ không tiếp tục tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Thậm chí, Triều Tiên còn khiên quyết từ chối đề xuất của Trung Quốc về kế hoạch "đóng băng kép", theo đó chính quyền Bình Nhưỡng sẵn sàng ngừng chương trình hạt nhân nếu Washington và Seoul đồng thời ngừng các cuộc tập trận chung. Triều Tiên cho rằng đề xuất này không phù hợp với tình hình thực tiễn trên Bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết, Triều Tiên không đồng ý với một cuộc đối thoại lấy đối tượng đàm phán là vũ khí hạt nhân.

Vì sao Triều Tiên quay ngoắt 180 độ?

Từ việc kiên quyết từ chối bất kỳ cuộc đàm phán hay đối thoại nào liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cho tới tuyên bố sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ để thúc đẩy phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ Triều-Mỹ, là một sự "chuyển dịch chiến lược" đầy toan tính của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bàn cờ an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Các nhà phân tích cho rằng, một nguyên nhân quan trọng khiến Triều Tiên tìm kiếm đối thoại với Mỹ đó là, Tổng thống Mỹ Donal Trump kể từ khi lên cầm quyền tới nay đã nhiều lần lên tiếng thể hiện nguyện vọng muốn đối thoại với Triều Tiên. Chính điều này đã tạo không gian cho cải thiện quan hệ Triều-Hàn-Mỹ, và tạo khả năng cho Triều Tiên tìm kiếm đối thoại với Mỹ.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng, sự thay đổi đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về đối thoại một phần là do mong muốn giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đã bắt đầu có tác động xấu tới đất nước Triều Tiên cũng như ngăn chặn sự đe dọa sử dụng vũ lực của Mỹ.

Bên cạnh đó, việc tuyên bố sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên còn là "chất xúc tác mạnh" để Triều Tiên giành thế chủ động hơn cho việc đưa ra các điều kiện có lợi cho Triều Tiên khi hai miền Triều Tiên chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 sắp tới dự kiến vào tháng 4 năm nay.

Trong khí đó, Tổng thống Trump đã thể hiện sự lạc quan trước "thiện chí" của ông Kim Jong-un. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump hoan nghênh cái mà ông gọi là "tiến trình khả thi" với Triều Tiên. Tổng thống Trump nói: "lần đầu tiên trong rất nhiều năm, một nỗ lực nghiêm túc được cả 2 bên thực hiện. Thế giới đang quan sát và chờ đợi." Đặc biệt, phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu Dục, ông Trump nói: "những tuyên bố do Triều Tiên và Hàn Quốc đưa ra là rất tích cực. Đó là một điều quan trọng đối với thế giới".

Như vậy, việc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ là một dấu hiệu tích cực cho cục diện Bán đảo Triều Tiên. Đây sẽ là cơ hội không thể tốt đẹp hơn để các nước liên quan tiến gần hơn với việc xây dựng một Bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.