Ông Putin xác lập vị thế không bị thách thức

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik.
TP - Tái đắc cử ngoạn mục với khoảng 76,7% số phiếu bầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ rộng đường trong 6 năm tới để tiếp tục các chính sách của ông nhằm tiếp tục giúp nước Nga giành lại vị trí siêu cường, cho dù phương Tây liên tục gây sức ép.

Theo giới phân tích, vai trò của nhà lãnh đạo 65 tuổi không hề bị thách thức, ngay cả khi nền kinh tế Nga vẫn đang trì trệ sau một giai đoạn suy thoái kéo dài. Về đối ngoại, Tổng thống Putin đang phải đối mặt một khó khăn mới sau khi chính phủ Anh trực tiếp cáo buộc ông ra lệnh hạ độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái hồi đầu tháng này trên đất Anh. Ông cũng phải đối phó các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và sức ép ngoại giao vì sự ủng hộ của Nga dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nhưng bản thân các đối thủ nước ngoài của ông cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề của chính họ, từ quá trình Brexit rối rắm của Anh đến những lộn xộn và chia rẽ trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và sự đương đầu của ông Putin trước phương Tây đã có tác dụng tốt trong cuộc vận động tranh cử vì khơi dậy trong lòng cử tri nỗi hoài niệm về địa vị siêu cường mà đất nước họ từng có. “Ông Putin sẽ không rút lui dù chỉ 1cm. Ông ấy sẽ nỗ lực vì một sự độc lập tối đa với phương Tây và gây dựng liên minh với các trung tâm quyền lực khác,” ông Evgeny Minchenko, một cố vấn chính trị của điện Kremlin, nói.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô chính thức sụp đổ tháng 12/1991. Cho dù có quan hệ cá nhân có vẻ thân thiện với ông Trump, sứ mệnh mới sẽ khiến ông Putin có ít động lực để tìm cách xích lại gần Washington. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo thân thiết với ông Putin đã giành được kết quả tốt trong các cuộc bầu cử ở Italia và Đức gần đây.

Vì tỷ lệ ủng hộ trong nước dành cho ông Putin cao hơn vào những lúc ông quyết liệt chống phương Tây, giới phân tích cho rằng trong thời gian tới nhà lãnh đạo này sẽ còn ăn nói cứng rắn hơn và Nga sẽ thẳng tay phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bất kỳ điều gì mà họ coi là đe dọa lợi ích của Nga. Đối đầu với phương Tây khiến vị thế của ông Putin càng thêm mạnh, ngay cả vào thời điểm ông bị cáo buộc liên quan kế hoạch ám sát điệp viên Skripal. Phát ngôn viên tranh cử của ông Putin là ông Andrei Kondrashov thừa nhận rằng, căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong vụ đầu độc làm tăng số phiếu ủng hộ ông Putin. “Chúng tôi cần cảm ơn các bạn Anh vì họ một lần nữa hiểu nhầm về tư tưởng của người Nga”, Interfax dẫn lời ông Kondrashov.

Tự tin trước phương Tây

Ông Putin sẽ dành 6 năm tới để khẳng định tầm nhìn của ông về một nước Nga vững mạnh, ông Joerg Forbrig, giám đốc chương trình của GMF, một cơ quan tư vấn chính sách công tại Mỹ, đánh giá. “Ông Putin giờ đang trong cảm giác chiến thắng, ông ấy cảm thấy phương Tây đang tan rã. Ưu tiên trong nhiệm kỳ tiếp theo là sẽ xây dựng trên đống đổ vỡ đó”, ông Forbrig nói.

Tại Syria, các lực lượng được Nga hậu thuẫn đã đẩy lùi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), và ông Putin cho rằng Nga đã mang lại một giải pháp cho cuộc xung đột khiến lực lượng thân Mỹ bối rối trong cuộc chiến chống IS. Giờ đây, lực lượng Syria được Nga hậu thuẫn đang tiến gần những thành lũy cuối cùng của lực lượng được phương Tây chống đỡ. Coi đó là một chiến thắng quân sự và địa chính trị trước sự can thiệp trái phép do phương Tây đứng đầu, Nga khó có khả năng sớm rút chân khỏi Syria, giới phân tích nhận định.

Ông Putin có thể định vị quân đội Nga hồi sinh thành một lực lượng kiến tạo hòa bình trong những xung đột khu vực khác, như Libya, nơi Nga đang có lợi ích về dầu mỏ và cũng là nơi sự can thiệp của phương Tây cách đây 7 năm khiến đất nước này đang rơi vào tình trạng vô luật lệ và nằm trong tay những phần tử cực đoan. Đối với người Nga, chiến thắng lớn nhất của ông Putin trong 18 năm cầm quyền là đưa bán đảo Crimea trở thành một phần của nước Nga và làm thất bại kế hoạch của Ukraine nhằm xích lại gần EU và NATO. Theo các nhà phân tích, dù gặp khó trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, ông Putin có vẻ sẽ không nhượng bộ để đối lấy việc được gỡ trừng phạt. Những hành động của Nga ở Ukraine được coi như tín hiệu cảnh báo đến những nước nằm trong quỹ đạo của Nga rằng việc vươn sang phương Tây là điều nguy hiểm.

Về lý thuyết, sứ mệnh mới của Tổng thống Putin có thể trao cho ông quyền lực để tiến hành những cải cách táo bạo mà nước Nga cần từ lâu để nâng cao mức sống và thoát khỏi lệ thuộc vào dầu mỏ. Nhưng ông Putin đã thuyết phục được cử tri Nga rằng bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa đáng được ưu tiên hơn việc cải thiện đời sống hằng ngày. “Tôi đến đây để bỏ phiếu cho sự ổn định. Đó là điều chúng tôi tin tưởng vào tổng thống trong một thế giới đáng sợ như vậy”, cử tri 62 tuổi Larisa Kuznetsova nói khi đứng bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở Mátxcơva.

Các chuyên gia dự đoán ông Putin có thể tạo ra một số thay đổi như tăng số lượng nhà ở giá rẻ và chống tham nhũng ở cấp địa phương. Nhưng những thay đổi lớn như cải tổ hệ thống lương hưu, cắt giảm chi tiêu cho ngành an ninh… khó được thực hiện. Nước Nga đã qua giai đoạn suy thoái kéo dài 2 năm, với tỷ lệ lạm phát và thâm hụt ở mức thấp. Nhưng thu nhập cá nhân giảm xuống, hệ thống y tế công cộng kém đi và tham nhũng tăng cao. Câu hỏi lớn nhất đối với người Nga trong 6 năm tới là điều gì sẽ xảy ra sau những điều đó.

Theo Hiến pháp Nga, ông Putin sẽ phải thôi lãnh đạo vào năm 2024, nhưng ông cũng có thể thay đổi quy định để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ, hoặc chọn một người kế nhiệm để tiếp tục thực hiện các chính sách của mình. Khi được hỏi tại một cuộc họp báo tối 18/3 rằng liệu ông có hay không tranh cử tổng thống lần nữa vào năm 2030, khi ông lại được quyền tranh cử, ông Putin nói: “Thật buồn cười. Bạn nghĩ tôi vẫn sẽ ngồi đây cho đến khi tôi 100 tuổi hay sao?”.

Điện mừng

Nhân dịp ông Vladimir Putin được bầu lại làm Tổng thống Liên bang Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi Điện mừng đến ông Putin. Nhiều lãnh đạo thế giới đã chúc mừng ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 6 năm nữa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng quan hệ đối tác của Trung Quốc với Nga đang ở mức “tốt nhất trong lịch sử, trở thành minh chứng cho việc xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới”. Lãnh đạo các nước Kazakhstan, Belarus, Venezuela, Bolivia và Cuba cũng đã gửi lời chúc mừng, BBC đưa tin.

MỚI - NÓNG