Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm:

Tập đoàn Dầu khí từng có cơ hội thoát lỗ 800 tỷ đồng?

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa hôm qua, 20/3. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa hôm qua, 20/3. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.
TP - Các bị cáo, người liên quan khai nhận, Tập đoàn Dầu khí (PVN) từng lên kế hoạch thoái vốn tại Ngân hàng Đại Dương và đã có đối tác muốn mua lại. Tuy nhiên, việc này không được chấp thuận.

Xin nhận trách nhiệm cho cấp dưới

Ngày 20/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB, trước đây còn gọi là Oceanbank). Trả lời câu hỏi của kiểm sát viên, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN thừa nhận mình phải chịu trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn nhưng phủ nhận trách nhiệm việc thu hồi 800 tỷ đồng vì đã chuyển công tác năm 2011.

Ông Thăng cũng nhận trách nhiệm về lần tăng vốn thứ 3 (100 tỷ đồng) của PVN vào OJB năm 2011, dù nghị quyết tăng vốn được ban hành khi ông đang đi công tác. “Nghị quyết đó chưa phù hợp với quy định mới của pháp luật, bị cáo nhận toàn bộ trách nhiệm của người đứng đầu… Giả sử có vấn đề gì mà việc đó là không đúng, bị cáo xin nhận trách nhiệm thay cho tất cả các anh (6 bị cáo còn lại)” - ông Thăng nói.

Kiểm sát viên đặt câu hỏi về việc ký nghị quyết góp vốn vào OJB trước khi xin ý kiến Thủ tướng. Bị cáo Thăng bảo lưu quan điểm: “Không có quy định Thủ tướng phê duyệt nghị quyết của HĐQT… Nghị quyết chỉ là nội bộ, còn việc đầu tư ra ngoài phải có ý kiến của Thủ tướng… Thủ tướng yêu cầu trước khi đầu tư phải báo cáo để Thủ tướng đồng ý và PVN đã thực hiện đúng”. Cũng theo ông Thăng, việc PVN đầu tư vào OJB không chỉ là việc đầu tư ngoài ngành mà còn để giải quyết hệ lụy sau khi Ngân hàng Hồng Việt do PVN định thành lập nhưng không được đồng ý.

Kiểm sát viên công bố kết luận thanh tra số 427 năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước, cho thấy thực trạng tài chính của OJB rất yếu kém. Ông Thăng phản biện: “Lúc này bị cáo đã chuyển công tác nên không rõ nhưng kết quả hoạt động của OJB đều được thanh tra hằng năm… Năm 2009 - 2013, PVN đều được chia cổ tức, là có lợi nhuận, có hiệu quả… Tiền về tập đoàn rồi chứ không phải trên giấy”.

Tương tự, bị cáo Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN cũng khẳng định PVN từng được OJB chia cổ tức hơn 244 tỷ đồng.

Đầu tư vào ngân hàng yếu kém?

Tiếp đến, ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN cho biết PVN từng định thành lập Ngân hàng Hồng Việt, lập ban trù bị nhưng Chính phủ và NHNN không cho phép, chỉ cho mua cổ phần tại các ngân hàng với tỷ lệ tối đa 20% nên PVN đi tìm mua tại nhiều nơi.

“Có những ngân hàng giá cổ phiếu quá cao hoặc yêu cầu PVN không được tham gia quản lý, điều hành… nên tôi thấy tham gia sẽ bất lợi. Thời điểm đó rất nhiều ngân hàng khó khăn, muốn tìm đối tác chiến lược để tăng thêm sức mạnh. OJB cũng là một ngân hàng như vậy và được xếp hạng trung bình khá… là ngân hàng quy mô nhỏ, thanh khoản thấp vì vốn điều lệ chỉ 1.000 tỷ… trong năm 2007 và đầu 2008 hoạt động có lãi”- ông Sự nói.

Theo Hà Văn Thắm, đại diện OJB yêu cầu nhận 20 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn giao Ninh Văn Quỳnh là không hợp lý, nếu như vậy ông Sơn không còn tội tham ô nữa (bị tuyên án sơ thẩm tử hình). Ông Thắm đề nghị, bản án trước đã xác định bị cáo Sơn chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của PVN và các cổ đông khác của OJB (ông Thắm là cổ đông lớn nhất). Vì vậy, số tiền 20 tỷ đồng ông Quỳnh nhận phải được trả cho các cổ đông của OJB trước đây.

Về phần mình, nguyên Chủ tịch OJB Hà Văn Thắm giải thích, việc OJB bị đánh giá là ngân hàng nhỏ vào năm 2008 vì: “Tỷ lệ an toàn vốn thấp, OJB thiếu khoảng hơn 60 tỷ đồng trích lập dự phòng do chỉ có vốn 1.000 tỷ đồng… nếu tăng vốn lên 2.000 tỷ sẽ có tiền trích lập dự phòng”.

Về thỏa thuận góp vốn ký với ông Đinh La Thăng vào tháng 9/2008, Hà Văn Thắm nói: “Các điều khoản PVN đưa tôi đều chấp nhận… Ký thỏa thuận để làm căn cứ báo cáo HĐQT và Thủ tướng. Ông Thăng nói nếu cậu đồng ý mà tớ báo cáo HĐQT và Thủ tướng xong cậu lại thôi sẽ thành trò đùa, phải ký”.

Hà Văn Thắm cũng phản biện kết luận thanh tra của NHNN năm 2012, nội dung OJB có thể lỗ. Nguyên chủ tịch OJB cho rằng, kết luận thanh tra căn cứ theo những tiêu chuẩn đến nay vẫn chưa được áp dụng. “Kết luận chỉ là khuyến cáo thôi nên thanh tra không yêu cầu OJB truy thu cổ tức đã phát cho cổ đông. Thanh tra cũng chấp nhận báo cáo của OJB và kiểm toán công bố”, Hà Văn Thắm nói. Được hỏi về lần tăng vốn điều lệ từ 3.500 lên 4.000 tỷ đồng năm 2011 dẫn đến việc PVN góp thêm 100 tỷ đồng sai quy định, Hà Văn Thắm cho biết việc này được đại hội cổ đông quyết định.

Đáng chú ý, Hà Văn Thắm cho biết PVN từng có cơ hội “thoát lỗ” khi có đối tác muốn mua lại 20% vốn của tập đoàn tại OJB. Ông Thắm nói thêm, từng nắm thông tin PVN báo cáo Thủ tướng việc thoái vốn nhưng NHNN cho rằng nên giao lại cổ phần cho NHNN, để bên ngoài mua sẽ thiệt và sau đó OJB được NHNN mua giá 0 đồng. Tương tự, các bị cáo Đinh La Thăng, Vũ Khánh Trường và ông Phùng Đình Thực - nguyên TGĐ PVN đều khẳng định PVN từng muốn thoái vốn tại OJB, có đối tác muốn mua lại nhưng Văn phòng Chính phủ thông báo dừng thoái vốn.

Hôm nay, Tòa tiếp tục làm việc.

Bị cáo Vũ Khánh Trường khai, PVN từng tiến hành thoái vốn tại OJB trước khi ngân hàng này bị NHNN mua: “PVN đã có đề án tái cấu trúc, trong đó có phương án thoái vốn tại OJB và được Thủ tướng đồng ý vào năm 2013… Đã có 1 đơn vị ở Singapore và 1 đơn vị trong nước sẵn sàng tiếp nhận 20% vốn của PVN. Việc này được PVN báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng có công văn đồng ý cho PVN thoái vốn nhưng sau đó 2 tuần lại có công văn khác tạm dừng thoái vốn tại ngân hàng để thực hiện theo chủ trương mới của Chính phủ”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.