Vụ 500 giáo viên sắp mất việc: Nhiều thầy cô vật lộn kiếm sống

Thầy Nguyễn Tuấn Anh (trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) bị thôi việc gần 1 năm nay, phải đi phụ xe chở cát kiếm sống. Ảnh: Vũ Long.
Thầy Nguyễn Tuấn Anh (trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) bị thôi việc gần 1 năm nay, phải đi phụ xe chở cát kiếm sống. Ảnh: Vũ Long.
TP - Nhiều giáo viên hợp đồng công tác tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) phản ánh đến PV Tiền Phong, họ không được bố trí giờ lên lớp cả năm nay, hoặc có người chỉ được nhận mức lương bèo bọt, người phải đi phụ xe chở cát, người đi nuôi heo để kiếm sống.

Nghỉ dạy về nuôi lợn, trồng mì, chở cát...

Đã gần 1 năm nay, thầy Nguyễn Tuấn Anh (giáo viên tin học) bị lãnh đạo nhà trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) cho thôi việc, phải đi phụ xe chở cát. Thầy Tuấn Anh cho biết, dù rất nhớ trường, nhớ học sinh… nhưng phải ra ngoài làm nhiều nghề kiếm sống qua ngày. “Lãnh đạo nhà trường chỉ nói cho chúng tôi nghỉ dạy, chứ không hề ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường phải có quyết định buộc thôi việc, thậm chí đã khởi kiện ra TAND huyện Krông Pắk, đến nay vẫn chưa có kết quả”, thầy Tuấn Anh nói.

Bi đát hơn, thầy Lương Văn Chinh (giáo viên môn tin học, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) sau khi không được bố trí giờ dạy, về nhà vay vốn nuôi gần 20 con lợn nái, cộng với chi phí làm chuồng trại hết gần 200 triệu, nhưng thất bại nặng nề. “Đầu tư lợn vào giai đoạn mất giá, thất bại thê thảm. Nay cũng chỉ nuôi vài con chờ đợi được giá mới đầu tư thêm. Từ khi không được bố trí giờ lên lớp đến giờ, làm cái gì cũng thất bại”, thầy Chinh nói.

Cô H’Dim Niê KDăm (giáo viên môn Sinh học) cho biết, từ khi không có giờ lên lớp, cô đã về nhà ở xã Krông Búk cùng gia đình làm ruộng. “Lãnh đạo trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai bảo chúng tôi ký quyết định thanh lí hợp đồng, rồi mới ký hợp đồng tiếp theo nhưng chỉ được dạy 3 tháng (từ tháng 3 đến hết tháng 5/2018 - PV) nên chúng tôi không đồng ý. Do vậy, nhà trường đã không bố trí giờ dạy, vì thế tôi phải về nhà làm ruộng, trồng mì”, cô H’Dim nói.

Cô Trịnh Thị Bích Hạnh, thầy Nguyễn Ánh Dương (giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) và thầy Lê Thanh Lượng (giáo viên trường THCS Hoàng Văn Thụ) đã không được bố trí giờ lên lớp cả năm nay. Theo các quyết định hợp đồng lao động (HĐLĐ) do ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011-2016, Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nghỉ hưu), 6 giáo viên này được hợp đồng với 2 trường nói trên, được hưởng lương theo ngạch công chức và chờ thi (xét tuyển), nếu không trúng tuyển thì chấm dứt hợp đồng.

“Thực tế, hiện nay nhà trường không đủ điều kiện chi trả tiền công cho giáo viên hợp đồng, vì hiện tại nhà trường chỉ thừa giáo viên chứ không thiếu và không có nhu cầu hợp đồng thêm nữa. Năm học 2017-2018, trường có 22 lớp nhưng tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên lên tới 71 người. Trong khi đó Phòng GD&ĐT huyện chỉ cho biên chế 56 người. Vì vậy, thừa 7 giáo viên biên chế, chưa tính giáo viên hợp đồng, nên nhà trường không có nhu cầu hợp đồng thêm giáo viên”, trích văn bản trả lời kiến nghị 5 giáo viên của ông Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thi Minh Khai.

Bức xúc vì không được giải quyết thoả đáng, 5 giáo viên đã làm đơn khởi kiện, nhưng đến nay TAND huyện Krông Pắk chưa giải quyết.

Vụ 500 giáo viên sắp mất việc: Nhiều thầy cô vật lộn kiếm sống ảnh 1

Giáo viên không được bố trí giờ dạy…đi phụ xe, xúc cát.

Hưởng lương bèo bọt

Theo Quyết định số 3636/QĐ-UBND do ông Nguyễn Sỹ Kỷ ký ngày 20/10/2010, thầy Lê Thanh Lượng sẽ được bố trí giảng dạy tại trường THCS Hoàng Văn Thụ. với bậc lương được xếp vào bậc 1/10; hệ số 2,10, thuộc nhóm ngạch viên chức loại A0. Kinh phí chi trả từ nguồn Ngân sách Nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế của nhà trường. Nhưng đến ngày 1/1/2016, trong HĐLĐ mới với trường THCS Hoàng Văn Thụ, thầy Lượng chỉ được nhận lương hơn 1,1 triệu đồng, phụ cấp khu vực 460 nghìn đồng và phụ cấp ưu đãi khu vực được khoảng 402 nghìn đồng.

“Trước năm 2015, nguồn nhân sách của huyện vẫn được cấp lương cho giáo viên hợp đồng. Từ sau 2015, huyện không còn biên chế nữa. Do đó, huyện đã đồng ý cho nhà trường thoả thuận với người lao động, để chi trả tiền lương. Kinh phí trích từ nguồn quỹ chi thường xuyên của nhà trường tự cân đối. Nhà trường căn cứ vào đó mà chi trả cho giáo viên hợp đồng”, ông Lê Trọng Hoàng, hiệu trưởng trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết.

Luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn luật sư Đắk Lắk) phân tích: Nếu người lao động (các thầy cô giáo) nhận thấy mình bị chấm dứt hợp đồng là trái quy định của pháp luật, nên làm đơn khởi kiện. Việc nhà trường không bố trí giờ dạy, nhưng không ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động thì giáo viên vẫn được trả lương, đóng bảo hiểm và được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Tìm hướng giải quyết có lý có tình

Ngày 20/3, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa có công văn số 335/SGDĐT-VP gửi Phòng GD&ĐT huyện Krông Pắk về việc xử lý các vấn đề liên quan việc tạm dừng hợp đồng với giáo viên, nhất là với các giáo viên hợp đồng. Đề nghị phòng động viên để giáo viên an tâm tiếp tục công tác trong quá trình chờ UBND huyện và các cấp thống nhất phương án giải quyết thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động trên cơ sở quy định của pháp luật. Phòng cần phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những giáo viên trong diện hợp đồng ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017; có biện pháp hỗ trợ về tinh thần và vật chất phù hợp, nhất là đối với những giáo viên gặp khó khăn.

Ông Miên KLơng - Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk, cho biết sẽ có nhiều phương hướng giải quyết đối với trường hợp một số giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk. “Phương hướng giải quyết của tỉnh là đúng quy định của pháp luật, nhưng phải có lí có tình. Sắp tới đây, tỉnh sẽ tổ chức họp báo, có báo cáo cụ thể. Tỉnh sẽ làm hội đồng thi, không giao cho huyện nữa”, ông Miên K’Lơng nói.

MỚI - NÓNG