Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm:

Ai chịu trách nhiệm làm mất vốn 800 tỷ đồng của PVN?

Ông Đinh La Thăng khai trước tòa rằng, PVN đã xin thoái vốn khỏi OceanBank từ 2012-2013 nhưng không được (?).
Ông Đinh La Thăng khai trước tòa rằng, PVN đã xin thoái vốn khỏi OceanBank từ 2012-2013 nhưng không được (?).
TP - Ông Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định việc PVN muốn thoái vốn tại Oceanbank trước khi ngân hàng bị mua lại. “Lộ trình thoái vốn đã được ông Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) báo cáo cụ thể. Lộ trình này đã được xây dựng từ năm 2012 và đến tháng 1/2013 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép thoái vốn từ 2013 đến 2015. Sau đó, Chính phủ lại không đồng ý cho thoái vốn” - ông Thăng khai trước tòa.

Tập đoàn Dầu khí nhận lãi ngoài?

Ngày 21/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN và 6 đồng phạm trong vụ án thất thoát 800 tỷ đồng của PVN tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank (OJB). Theo cáo trạng, khi giữ chức TGĐ OJB, Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN được Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB đồng ý chi tiền chăm sóc khách hàng ngoài lãi suất tiền gửi trong hợp đồng cho các đơn vị gửi tiền vào OJB.

Bị cáo Sơn khai nhận, đã chi hơn 200 tỷ đồng từ nguồn của OJB cho Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng PVN để nhờ cảm ơn lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các thành viên của tập đoàn gửi tiền vào OJB. Ông Quỳnh bác bỏ, nói mình chỉ nhận 20 tỷ đồng từ Sơn vì ông có những tham mưu cho lãnh đạo PVN ban hành chủ trương có lợi cho OJB.

Ninh Văn Quỳnh khai: “Bị cáo có vai trò quan trọng trong việc gửi tiền. Bị cáo hiểu đó là tiền của Sơn cho bị cáo và bị cáo không có trách nhiệm đưa cho những người khác thuộc PVN”. Cũng theo ông Quỳnh, số dư tiền gửi của PVN tại OJB trong vai trò cổ đông rất lớn, từ 18.000 - 20.000 tỷ đồng.  

Phần mình, ông Sơn khai: “Tiền tôi giao cho Quỳnh là tiền OJB chăm sóc khách hàng để tập đoàn PVN đối ngoại. Anh Thắm nói rõ chi bao nhiêu % cho khách hàng còn anh Quỳnh không đòi bao nhiêu %  nhưng tôi nói tập đoàn có bao nhiêu tiền gửi thì anh nhận tương ứng để khuyến khích anh Quỳnh giúp ngân hàng rồi OJB sẽ chăm sóc nhiều hơn”.

Được hỏi việc chi lãi ngoài, Hà Văn Thắm cho rằng: “Chi lãi ngoài là chính sách của OJB với tất cả khách hàng không riêng gì PVN. PVN được chi thấp hơn vì họ là cổ đông... Anh Sơn nói với tôi, PVN là người nhà nên chính sách không như khách hàng khác. Số tiền lãi ngoài cho PVN dao động khoảng 1%, tiền anh Sơn lấy thường là chẵn, đa số 5 tỷ, khi làm việc với CQĐT tôi tính lại và thấy đúng 1% trên số tiền gửi không bao gồm tiền ngoại tệ và tiền gửi không kỳ hạn”.

Hà Văn Thắm cũng khẳng định: “Không chi cho người phê duyệt tiền gửi vì đây là tiền chi cho PVN, đưa cho anh Quỳnh vì anh Sơn nói Quỳnh quản lý ngân khố từ đó chi chung chứ không cho riêng cá nhân nào. Tôi hi vọng nó là như vậy, nếu không việc này nằm ngoài ý muốn của tôi”.

Ai chịu trách nhiệm việc mất vốn?

Cũng tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định việc PVN muốn thoái vốn tại OJB trước khi ngân hàng bị mua lại. Bị cáo nói: “Lộ trình thoái vốn đã được ông Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) báo cáo cụ thể. Lộ trình này đã được xây dựng từ năm 2012 và đến tháng 1/2013 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép thoái vốn từ 2013 đến 2015. Sau đó, Chính phủ lại không đồng ý cho thoái vốn”.

Luật sư nêu câu hỏi: “Vậy trách nhiệm thất thoát 800 tỷ đồng thuộc về ai?”. Ông Đinh La Thăng khẳng định: “Trách nhiệm thuộc về người ký văn bản không cho phép thoái vốn của PVN”.

Về việc PVN góp vốn lần thứ 3 năm 2011 (100 tỷ đồng), ông Thăng phủ nhận trách nhiệm vì lúc đó ông đi công tác, ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Thành viên HĐTV PVN. Nguyên Chủ tịch PVN khẳng định ông không đồng ý cho tăng vốn tại OJB, không được ông Thắng báo cáo lại nghị quyết tăng vốn.

“Tôi xin lỗi các anh em trong PVN, không có ý đổ lỗi, trách nhiệm nhưng tháng 3/2011, bị cáo đã họp, chỉ đạo thống nhất phải có nghị quyết thoái vốn của PVN tại OJB... Mới tháng 3 bị cáo chỉ đạo thoái vốn mà đến tháng 5/2011, nghe anh Thắng báo cáo, sau đó bị cáo lại đồng ý cho chuyển vốn lần 3 thì hoàn toàn vô lý. Bị cáo lúc đó đang sung sức, mới 51 tuổi, chưa thể mất trí nhớ được” - lời ông Đinh La Thăng.

Nguyên Chủ tịch PVN cũng bày tỏ: “Bị cáo hết sức xin lỗi anh Thắng và thực tế tại phiên tòa bị cáo đã nêu nếu giả sử việc góp 100 tỷ là sai thì bị cáo nhận trách nhiệm trước hết là người đứng đầu và là người ủy quyền, nhận trách nhiệm thay cho các anh khác khi ký nghị quyết này. Tuy nhiên, bị cáo hiểu việc góp vốn 100 tỷ là chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó nhưng qua mấy ngày hôm nay, bị cáo cũng biết việc góp vốn đã nhận được sự đồng ý của tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước như NHNN, Sở Kế hoạch và Đầu tư…”.

Đủ điều kiện đầu tư

Đây là khẳng định năm 2008 của Bộ Tài chính khi được Thủ tướng hỏi ý kiến về việc PVN xin đầu tư vào OJB. Tại tòa, ông Phạm Đức Hưng - đại diện Bộ Tài chính đọc công văn 12144 ngày 14/10/2008, trả lời Văn phòng Chính phủ, nội dung khẳng định PVN đủ điều kiện theo quy định hiện hành tham gia góp vốn, mua cổ phần của OJB theo các nội dung đã thỏa thuận. Tại công văn, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo PVN báo cáo rõ tình hình của OJB đặc biệt là các khoản cho vay, chứng khoán đầu tư sẵn sàng bán, trích lập dự phòng, giá trị thực cổ phiếu… và khẳng định PVN chịu trách nhiệm về hiệu quả khoản đầu tư này.

Ông Hưng cũng đọc công văn 10400 của Bộ Tài chính trả lời Văn phòng Chính phủ ngày 16/9/2010 về việc tăng vốn của PVN tại OJB, khẳng định PVN có đủ căn cứ tham gia tăng vốn (300 tỷ đồng, lần 2). Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận thấy PVN là tập đoàn Nhà nước lớn, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí – lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn; có nhiều dự án PVN phải đề nghị vốn ưu đãi; các dự án trọng điểm phải được nhà nước cho phép dùng lãi dầu khí... Vì vậy, Bộ Tài chính  khuyến cáo PVN cần cân đối vốn cho các dự án dầu khí trọng điểm. Trường hợp không đủ vốn, PVN cần chuyển nhượng quyền góp vốn vào OJB.

Hà Văn Thắm cho rằng việc định giá OJB với giá 0 đồng dựa trên 14.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, trước khi bị bắt, ông Thắm đã khắc phục được 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguyên Chủ tịch OJB xin xem xét lại việc mua 0 đồng vì ngân hàng còn nhiều tài sản thế chấp, bất động sản… “Nếu mua 0 đồng đúng xin tòa cho các cổ đông của OJB được xử lý tài sản bảo đảm, thế chấp của OJB. Tôi chỉ xin vài ngày thôi, tôi đảm bảo rằng những tài sản đánh giá bằng 0 đó, chúng tôi sẽ đem bán và trả đủ 800 tỷ cho PVN, 3.200 tỷ cho các cổ đông khác thậm chí 1.600 tỷ cho PVN tôi cũng trả được” - ông Thắm nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính, trước khi được mua 0 đồng, OJB là doanh nghiệp niêm yết nên giá trị thay đổi theo thị trường, cuối năm có thể đánh giá được nhưng qua năm có thể lên xuống, trồi sụt. Từ đó, tài khoản đầu tư vào OJB cũng có thể lên xuống.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.