Nghệ sĩ đi đầu thực hiện hòa nhạc chuyên đề

Với tài năng và sự say mê, Lưu Đức Anh đã trở thành nghệ sĩ piano ở tầm quốc tế. Ảnh: NVCC.
Với tài năng và sự say mê, Lưu Đức Anh đã trở thành nghệ sĩ piano ở tầm quốc tế. Ảnh: NVCC.
TP - Lưu Đức Anh là nghệ sĩ Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện các buổi hòa nhạc chuyên đề một tác giả, tham gia sáng lập công ty khởi nghiệp có thể nói là đầu tiên ở nước ta về tổ chức hoà nhạc cổ điển. Anh vừa được bình chọn là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2017.

Tốt nghiệp thủ khoa cả Đại học và Cao học tại Nhạc viện Hoàng Gia Liège ở Bỉ, Lưu Đức Anh tiếp tục tu nghiệp nâng cao tại Học viện Âm nhạc Malmo theo diện học bổng toàn phần của chính phủ Thụy Điển. Sinh năm 1993, Lưu Đức Anh đoạt vô số giải thưởng danh giá: Giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế Léopold Godowsky tại Ba Lan 2014; giải Nhất cuộc thi Piano Andrée Charlier 2015 tại Bỉ và giải Đặc biệt cuộc thi Piano quốc tế Alain Marinaro tại Pháp 2017…

Sống cùng âm nhạc

Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, đam mê âm nhạc của Lưu Đức Anh được hun đúc qua quá trình rèn luyện. “Hồi nhỏ, mình cũng rất khó chịu khi phải ngồi vào tập đàn, vì những bản nhạc vỡ lòng thường rất chán và lặp đi lặp lại. Nhưng dần dần với sự kìm cặp sát sao của gia đình và thầy cô, kĩ thuật chơi đàn của mình tăng lên, và mình dần có khả năng nhìn thấy những thứ kỳ diệu hơn trong âm nhạc. Không biết từ lúc nào, âm nhạc dần đi vào mình như máu chảy trong người”, Đức Anh chia sẻ.

Đức Anh học đàn từ 6 tuổi với sự dìu dắt của bố là NSƯT accordeon Lưu Quang Minh. Đức Anh cũng nhận được nhiều chỉ bảo từ người anh trai, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang (hiện là một pianist cổ điển nổi tiếng). Hồi bé nhà chỉ có một cây đàn nên anh em thường phải chia ca để tập. “Ngày còn bé chủ yếu nhờ sự khắt khe nghiêm túc của gia đình nên mình mới có thể duy trì được kỷ luật tập luyện. Lớn lên, đam mê hình thành, kỹ thuật tăng lên, mình có thể tự giác tập đàn được. Khi đi du học, môi trường thoải mái ở nước ngoài rất nguy hiểm dễ lơ là tập luyện. Nhưng mình may mắn được rèn từ bé nên việc ngồi tập 6-7 tiếng liên tục đã trở thành bình thường”, Đức Anh nhớ lại.

Tập luyện với Đức Anh là trách nhiệm tối thiểu của người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng điều đó không khiến Đức Anh thành “mọt đàn”. “Cuộc sống của mình không chỉ có tập đàn và tập đàn. Mình cũng sắp xếp dành thời gian để gặp gỡ bạn bè, đi du lịch. Âm nhạc và cuộc sống liên quan chặt chẽ với nhau. Mình sống cùng âm nhạc chứ không phải là làm nô lệ cho nó,” Đức Anh khẳng định. Ngoài âm nhạc, Đức Anh có sở thích xem phim và tìm hiểu về điện ảnh.

Cuộc sống gắn với… máy bay

 Anh cũng rất có ý thức vun đắp cho âm nhạc cổ điển bằng việc tổ chức các hoạt động cộng đồng mà start-up Maestoso là một ví dụ. Cuối năm 2017, Lưu Đức Anh cùng 3 đồng nghiệp là những người bạn thân đã thành lập Maestoso chuyên tổ chức hòa nhạc cổ điển. Họ đã tổ chức được 3 buổi hòa nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà thờ Lớn Hà Nội và một buổi tại TPHCM. Năm nay Maestoso dự định có ít nhất 4 buổi nữa, khởi đầu là chương trình độc tấu của Lưu Đức Anh tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 31/3. Cũng tại đây vào 11/3, Lưu Đức Anh chơi một đêm nhạc toàn Beethoven cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và nhạc trưởng Jonas Alber.

Lưu Đức Anh chính là nghệ sĩ Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện các buổi hòa nhạc chuyên đề một tác giả. Năm 2016, anh đã làm một đêm toàn F.Liszt, và 2017 là J.Brahms. “Khó khăn lớn nhất với những đêm tác giả là việc lựa chọn nhạc mục. Cần phải sắp xếp các tác phẩm trình diễn thật khéo để vừa nêu bật được phong cách của tác giả, vừa không làm cho người nghe cảm thấy đơn điệu. Hiệu quả của những buổi hoà nhạc này là khán giả sẽ có dấu ấn rất sâu với tác giả và cũng là với nhạc cổ điển”, Đức Anh chia sẻ.

Mặc dù đã đạt thứ hạng cao tại nhiều cuộc thi quốc tế, nhưng giải thưởng khiến Đức Anh nhớ nhất lại không phải là một giải chính thức. Tháng Sáu năm ngoái, Đức Anh được mời biểu diễn cùng với 9 nghệ sĩ khác tại Festival Piano à Collioure ở Pháp. Kết thúc liên hoan, BTC bất ngờ trao tặng anh giải thưởng cho Nghệ sĩ trẻ Ấn tượng nhất. Đây là điều hết sức đặc biệt vì họ chưa từng trao giải thưởng này cho ai. “Họ nói là vô cùng ấn tượng với màn trình diễn của mình và muốn trao tặng một cái gì đó. Thế là giải thưởng này đã được tạo nên và trao cho mình,” Đức Anh kể.

Hỏi Đức Anh về lần biểu diễn thành công nhất, anh kể về kỷ niệm tại một phòng hòa nhạc nổi tiếng ở Hà Lan. “Hôm đó mình hoàn toàn không hề run hay căng thẳng trước và trong khi biểu diễn, tâm trạng vô cùng thoải mái và hăng say. Mình nghĩ đó là lần mình chơi hay nhất và hài lòng với bản thân nhất. Tới những buổi biểu diễn sau và bây giờ mình cũng chưa bao giờ có lại được cảm giác tự tin như hôm đó”.

Cuối năm nay, Đức Anh sẽ hoàn thành khóa học biểu diễn nâng cao sau Thạc sĩ tại Thụy Điển. Lịch biểu diễn châu Âu của anh luôn kín. Trước câu hỏi muốn phát triển sự nghiệp ở đâu, anh đáp: “Mình cố gắng duy trì 50/50 ở Việt Nam và nước ngoài. Mình luôn hình dung cuộc sống trong tương lai sẽ gắn khá nhiều với máy bay và tàu hỏa”.

“Maestoso là công ty khởi nghiệp có thể nói là đầu tiên của Việt Nam về tổ chức hoà nhạc cổ điển. Thành lập ngày 30/10/2017, mục tiêu của Maestoso là xây dựng môi trường hoạt động nghệ thuật chất lượng cao dành cho những nghệ sĩ tài năng và trở thành nơi quy tụ các nghệ sĩ có cùng tâm huyết trong và ngoài nước. Các thành viên sáng lập Maestoso: Dương Vũ Minh, Nguyễn Đức Anh, Lưu Đức Anh và Nguyễn Phú Sơn đều đã và đang học tập nhiều năm tại châu Âu. Hành trang lớn nhất của chúng tôi chính là tình yêu âm nhạc, niềm đam mê nghệ thuật và khao khát được góp phần vào sự phát triển nền âm nhạc cổ điển Việt Nam”. 

 Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh

MỚI - NÓNG