Chuyên gia phân tích nói về chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bí mật đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bí mật đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã
TPO - Các nhà phân tích cho hay, chuyến thăm của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đến Trung Quốc truyền tải một thông điệp rõ ràng với thế giới rằng, bất chấp các tin đồn trái chiều, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn giữ mối quan hệ đối tác thân thiết.

Chuyến thăm Trung Quốc là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi kế nhiệm cha ông, Kim Jong-il, giữ chức lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên vào tháng 12/2011.

Sự kiện bất ngờ này diễn ra không lâu trước cuộc họp dự kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và trước hội nghị thượng đỉnh có thể có với ông chủ Nhà Trắng Donald Trump.

Bates Gill, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, nhận định, chuyến thăm Bắc Kinh cho thấy, ông Kim mong muốn có được sự ủng hộ của Trung Quốc trước khi đàm phán với ông Moon và ông Trump.

“Ông Kim hiểu rằng, một khi tham gia vào các cuộc họp chiến lược áp lực lớn này, ông ấy cần tất cả những sự ủng hộ mà ông ấy có thể có được, hoặc ít nhất là hình ảnh cho thấy, Triều Tiên cũng có hậu thuẫn”, ông Gill nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia quân sự Bắc Kinh Zhou Chenming nhấn mạnh, chuyến thăm bất ngờ của ông Kim cũng nhằm mục đích bác bỏ các tuyên bố trước đó là Trung Quốc, quốc gia vẫn giữ vị trí ngoại giao và kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, không còn bất kỳ ảnh hưởng nào đối với nước láng giềng ẩn dật của họ.

Bên cạnh đó, ông Zhou phân tích, bằng việc chọn Bắc Kinh là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, ông Kim rõ ràng đang cố gắng tạo ra một cử chỉ hoà giải và đảm bảo với ông Tập Cận Bình rằng, ông không có ý định tạo ra mối quan hệ bền chặt hơn với Washington để ảnh hưởng đến quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc.

Theo ông Zhou, trên thực tế việc trước đó hai nhà lãnh đạo này không gặp mặt trực tiếp thường được xem là bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang xấu đó. Điều này càng chắc chắn hơn khi Bình Nhưỡng đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây.

“Ông Kim dường như cảm thấy lo lắng về những biện pháp trừng phạt kinh tế ngày càng khắc nghiệt hơn, muốn có những bước đi chủ động để đảm bảo sự sống còn của chế độ, tránh sự sụp đổ của nhà nước bị cô lập. Tuy nhiên, ông Kim cũng nhận thức được căng thẳng leo thang và chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, muốn tận dụng tình hình, cũng như lợi thế mà họ có, bằng cách bắt tay với Trung Quốc trước cuộc họp dự kiến với Trump”, ông Zhou cho biết.

Trong khi đó, một chuyên gia giấu tên ở Bắc Kinh bình luận, ông Tập chia sẻ mong muốn bảo vệ chế độ của ông Kim, vì sự sụp đổ của nhà nước Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến an ninh biên giới của Trung Quốc, đồng thời tạo ra cái cớ cho Mỹ can thiệp quân sự sâu rộng hơn.

“Trong khi ông Kim, người rõ ràng không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân như Washington yêu cầu, rất cần sự đảm bảo về chính trị và an ninh từ Bắc Kinh, Trung Quốc – nước cung cấp thực phẩm và dầu mỏ cho Bình Nhưỡng – vẫn thích chiêu bài của Triều Tiên trong việc đối phó với Nhà Trắng của Trump”, chuyên gia nói.

Benoit Hardy-Chartrand, giảng viên tại Đại học Montreal, Canada, đồng ý với nhận định, cả Trung Quốc và Triều Tiên đều quan tâm đến cuộc gặp trước hội nghị giữa ông Kim với ông Moon và ông Trump.

Theo ông, Chủ tịch Kim muốn làm dịu căng thẳng với Trung Quốc, thậm chí có thể yêu cầu Bắc Kinh thực hiện một số nhượng bộ và giảm bớt một số áp lực đối với Triều Tiên mà Trung Quốc thắt chặt chưa từng có trong năm 2017. Ông Kim cũng có thể yêu cầu nước bạn hậu thuẫn cho các yêu cầu mà Bình Nhưỡng muốn Mỹ chấp thuận, chẳng hạn như giảm quân số Mỹ ở Hàn Quốc. Các yêu cầu như vậy sẽ có trọng lượng hơn nếu được Bắc Kinh hỗ trợ.

Đối với Trung Quốc, chuyến thăm của ông Kim giúp giảm bớt sự thất vọng mà họ có thể cảm thấy khi đứng ngoài cuộc tranh luận về vấn đề Triều Tiên, cụ thể về các cuộc đàm phán dự kiến giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington, ông Hardy-Chartrand nói.

Tuy nhiên, dù ông Kim có thể hy vọng nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc trong mối đe doạ quân sự lặp lại của Trump, hầu hết các nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh sẽ miễn cưỡng đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào ngoài những biểu hiện ủng hộ về chính trị.

“Mặc dù Trung Quốc không ủng hộ một giải pháp quân sự cho các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh dường như không đưa ra các cam kết an ninh tuyệt đối hay sự ủng hộ quân sự nào trong trường hợp Mỹ không kích Bình Nhưỡng…”, Zhang Liangui, một chuyên gia từ Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.