Quốc hội sẽ họp trong 19 ngày

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
TPO - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc vào ngày 21/5, bế mạc vào 14/6.  

Sáng 17/3, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo một số vấn đề việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc vào ngày 21/5, bế mạc vào 14/6. Như vậy so với các phiên họp trước, kỳ họp thứ 5 diễn ra ngắn hơn, với 19 ngày, trong đó, xây dựng luật 11 ngày, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác 6,5 ngày.

Nội dung kỳ họp lần này rút 4 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số để tiếp tục hoàn thiện.

Đồng thời bổ sung báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, gồm: Báo cáo của Chính phủ về kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2017; kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017.

Tại phiên chất vấn lần này, Tổng thư ký đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua trong kỳ họp thứ 5. Việc cải tiến này được thực hiện theo cách thức đại biểu hỏi một câu và người được chất vấn trả lời luôn, thay vì gom nhiều nội dung, nhiều câu hỏi rồi trả lời như trước đây. Vấn đề này sẽ được xin ý kiến tại phiên họp trù bị trước phiên khai mạc.

Cùng với đó, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nâng cao chất lượng tờ trình, báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình, tiếp thu, bảo đảm thuyết phục, nêu rõ quan điểm, chính kiến, các vấn đề cốt lõi, cơ bản để đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận. Đồng thời, chú trọng việc chuẩn bị văn bản tóm tắt để trình bày đúng thời gian quy định nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục xem xét kỹ các nội dung thuộc trách nhiệm để đề xuất thời gian và cách thức tiến hành đối với từng nội dung cho phù hợp, phát huy nhiều hơn tính đối thoại, tranh luận giữa các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, cân nhắc việc tăng thời gian thảo luận ở hội trường (hoặc bố trí 2 lượt thảo luận) đối với các dự án Luật quan trọng có nội dung khó, phức tạp, được dư luận và đại biểu quan tâm như các dự án: Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...

Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng cường hơn nữa việc truyền hình trực tiếp các nội dung của kỳ họp trên kênh Truyền hình Quốc hội. Đồng thời, bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp một số nội dung về: giám sát chuyên đề; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); quyết toán ngân sách nhà nước (kết hợp thảo luận cùng kinh tế-xã hội và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).

Thực tế các kỳ họp trước cho thấy, tình trạng chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chưa được khắc phục đáng kể nên tại kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục công khai danh sách các cơ quan hữu quan chậm gửi tài liệu trước kỳ họp.

MỚI - NÓNG