Sự im lặng của bầy cừu (*)

TP - Cuối tháng trước, đọc bài báo tả cô giáo Châu cười cười nói nói trong bối cảnh đang trả lời nhà báo về vụ ba tháng trời im như thóc nấu trên lớp, đã nghĩ cô thật không bình thường. Nhưng hóa ra đội “bất bình thường” này không ít trong đó không loại trừ chính ta.

Trong bài báo đó, cô nhận sai nhưng lại ngầm phê phán cô bé Song Toàn: “Ước sao em Toàn hãy nói với tôi thôi chứ không phải nói trên diễn đàn của Sở Giáo dục Đào tạo. Bởi điều này ảnh hưởng đến ngành giáo dục, rất nhiều người nhìn vào”.

Với việc lên lớp mà lừ lừ như từ vào đền không ỏ ê, sống chết mặc bay, giáo viên Châu đã phá vỡ mọi nguyên tắc của nghề, thế mà lại đòi hỏi sự ý nhị né tránh, ăn trông nồi ngồi trông hướng ở người khác. Còn ai làm ảnh hưởng uy tín ngành hơn kiểu giáo viên như cô chứ.

Và hóa ra từ cách đây 6 năm rưỡi, báo nọ đã chạy hàng tít “Dạy học trò bằng lời lẽ phản cảm” mà nhân vật chính không ai khác là cô. Số là khi còn dạy trường Nguyễn Hữu Thọ, cô đã áp chế sỉ nhục học sinh các kiểu, hỏi ai “sủa” trong lớp, bảo chúng “bệnh hoạn”, “ngu si”, “mày về uống thuốc thần kinh đi”; ném sổ liên lạc của học sinh xuống bục.Vân vân. Nghe mà thất kinh.

Chừng ấy năm không xử lý thích đáng, chỉ mỗi cách chuyển trường để rồi trường mới hứng lại từ đầu! Sự cam chịu đáng kinh ngạc của những học sinh cách đây 6 năm rưỡi (mãi mới có vài cá nhân lên tiếng nên nhà báo biết được mà phản ánh) và lớp 11A1 Long Thới năm nay, tuy không bằng nhưng có thể liên tưởng tới bê bối của lớp học ở trường PTCS Liên Hoa, Nghi Xuân, Hà Tĩnh ngày nào. Lớp này bất đồ nổi tiếng khắp nước do cả lớp đồng lòng liếm ghế cô giáo, liếm không chỉ một lần (hình phạt cô đưa ra do có đứa nghịch bôi phấn lên ghế lại không ai chịu khai thủ phạm). Hoặc so với vụ cả lớp lặng phắc chứng kiến bạn mình xơi nước xuýt giẻ lau. Khác chỉ ở chỗ lớp giẻ lau và lớp liếm ghế có độ tuổi nhỏ hơn lớp tịnh khẩu.

Sự ngoan ngoãn đến triệt tiêu lòng tự trọng này, không nên lấy tuổi để biện minh. Lòng tự trọng là thứ cần được dạy từ nhỏ, không đợi tới khi thành nam thanh nữ tú, lớn cộc cà trề mới cần. Ở đây sự cam chịu có khi còn là biểu hiện vô cảm.

Trong tọa đàm bạo hành học đường do báo Tiền Phong tổ chức hôm nọ, một cô giáo dạy Giáo dục Công dân lớp 11 có ý phê phán Song Toàn hành động không đúng qui trình! Giống quan điểm của giáo viên Trần Thị Minh Châu. Một vị có chức sắc ở Quốc hội cũng thế, nói đại ý các trường phải xây dựng thương hiệu, cho nên phát biểu ở đâu lúc nào cần nghĩ đến thương hiệu của trường!

Song Toàn khi đăng đàn ở diễn đàn giáo dục nọ đã khóc nói em và các bạn sợ cô Châu. Cứ cho rằng em không hề bị tình huống xô đẩy mà thực chất là: nỗi sợ cô giáo Toán “quyền lực”, sự chán nản khi cô chủ nhiệm bất lực đã khiến Toàn cố tình tận dụng diễn đàn này để phát biểu công khai trước ngành giáo dục và báo giới, mong thay đổi tình trạng của mình và các bạn, thì hành động đó chẳng nhẽ không đáng? Toàn có khi còn xác định sẵn sàng trả giá khi chuẩn bị phát biểu ấy chứ, và thế là sai lầm sao?

Thương hiệu của một trường không phải được xây dựng trên sự không tì vết. Ai cũng biết môi trường giáo dục cực kỳ phức tạp. Những sự biến lớn nhỏ có khi lại là cơ hội để trường đó, đơn vị đó, những nhà giáo đó bộc lộ quan điểm, bản lĩnh, năng lực của mình. Chứ không phải chỉ nhăm nhăm che đậy, đóng cửa bảo nhau khi biến cố xảy đến, thì mới xây dựng gìn giữ được thương hiệu.

Cô giáo “im lặng như cá” cuối cùng vẫn công tác ở trường Long Thới, chỉ là chuyển bộ phận khác. Điều này dường như đã làm thỏa mãn mọi người. Cũng như hai vụ dâm ô mới nhất ở trường An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội và ở Phú Giáo, Bình Dương. Theo mô tả của báo chí, các phụ huynh có con là nạn nhân đều sốc nhưng họ chỉ mong thầy nghỉ dạy mà thôi. Không dám đòi hỏi gì hơn? Không đề nghị luật pháp ra tay? Ấu dâm mà là chuyện bé ư? Xơi nước giặt giẻ mà bé ư?

Im lặng như “bầy cừu” và dần lãng quên nỗi đau của các nạn nhân (bởi họ ngày càng nhiều đến nhàm). Cho nên, một phong trào Me too hiện nay- bùng phát từ một bê bối tình dục trong báo giới, là cực cần thiết bởi giá trị thức tỉnh.    

* Phỏng theo cách đặt tít bộ phim Mỹ nổi tiếng: "Sự im lặng của bầy cừu" 

MỚI - NÓNG