Ngày chất vấn cuối cùng tại kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XIV

Học phí thấp, chất lượng đại học khó cao?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Như Ý.
TP - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế có lý do mức học phí thấp. Theo bộ trưởng, việc hướng đến tự chủ đại học sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn này.

4 tỷ USD du học mỗi năm

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngày 6/6, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu: Hiện nay, chúng ta gửi con em đi nước ngoài học rất nhiều, trong đó có cả học bổng và phải trả tiền. Một số đơn vị nước ngoài đã mở trường học ở nước ta với học phí cao. Có những học phí mỗi năm phải trả từ 400 - 500 triệu đồng. Vậy bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? Giải pháp gì để ủng hộ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Còn ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội) quan tâm con số hơn 200 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí cho xã hội và bức xúc cho nhân dân. Việc này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và có cả trách nhiệm của người học. ĐB đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục tình trạng này của ngành giáo dục trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những vấn đề ĐB nêu đã “đánh đúng” vào trọng tâm ngành đang cần giải quyết. Theo ông Nhạ, trong xu hướng chung, các nước đang phát triển đều gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn. Theo các nguồn thống kê không chính thức, hàng năm số học sinh, sinh viên trong nước ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng, với chi phí khoảng 3 - 4 tỷ USD dưới nhiều nguồn kinh phí khác nhau. “Đây là con số ước đoán và cũng là nguồn rất lớn”, ông Nhạ cho hay.

Giải quyết bài toán này, Bộ trưởng GD&ĐT cho biết, đã tham mưu cho Thủ tướng để có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào giáo dục, nhưng chưa thực sự mạnh. Theo ông Nhạ, tới đây cần phải kết hợp đẩy mạnh hơn, bởi ngoài vấn đề kinh tế còn là vấn đề văn hóa, khi con em được ở nhà học theo chuẩn quốc tế mà gần gia đình sẽ tốt hơn.

Về con số 200 nghìn sinh viên thất nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cái gốc của vấn đề vẫn là yếu tố chất lượng. Ông thừa nhận, con số 200 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp là hiện tượng có thật. “Để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp thì vấn đề là chất lượng. Nhưng chất lượng ở đây phải chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp tốt giữa đào tạo với thị trường lao động, nâng cao chất lượng và phải đào tạo theo địa chỉ. Ngoài thông tin từ thị trường lao động, từng trường đại học phải chủ động để nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. “Chúng tôi kiểm tra rất nghiêm. Mặc dù được tự chủ tuyển sinh nhưng không có nghĩa mở ngành gì thì mở, mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng. Các trường đại học phải có trách nhiệm về sản phẩm của mình, chứ không chỉ khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, khi đào tạo xong lại không có trách nhiệm”, ông Nhạ cho hay.

Học phí thấp, chất lượng đại học khó cao? ảnh 1 ĐBQH Nguyễn Văn Thân.

Tự chủ đại học để cải thiện chất lượng

Tại phiên chất vấn, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) viện dẫn báo cáo của Bộ về kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, ĐB còn băn khoăn vì bộ cũng tự nhận chất lượng đào tạo đại học chưa cao, đặc biệt sau đại học. Việt Nam có gần 300 trường đại học nhưng cũng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. ĐB chất vấn Bộ trưởng nền giáo dục đại học của chúng ta đang đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực châu Á và giải pháp nào để nâng cao vị trí xếp hạng của đại học Việt Nam?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, so với mặt bằng chung, chúng ta phải yên tâm là chất lượng tương đối. Tuy nhiên, giáo dục đại học có một số trường, một số nhóm ngành tốt chứ không phải tất cả. Về cơ bản chất lượng giáo dục đại học thấp và không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là cuộc cách mạng 4.0.

Nguyên nhân theo ông Nhạ, trước hết do chương trình đào tạo chưa sát với thị trường. Đối với các trường đại học, tỷ lệ tiến sĩ trên tổng giảng viên các nước rất cao, còn của chúng ta chưa được 23% trên toàn ngành, rất thấp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phần lớn chưa đủ điều kiện cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu. Ngoài ra, chất lượng giáo dục đại học hạn chế còn do mức học phí thấp. Theo ông Nhạ, ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi ở Mỹ 19.000 USD, Trung Quốc 3.500 USD... Chi phí thấp nên chất lượng đại học khó mong đợi cao.

Ông Nhạ cho biết, tới đây sẽ khắc phục dàn trải bằng cách phân loại những trường chất lượng cao, những trường chất lượng vừa phải, thậm chí có thể xem xét sáp nhập, giải thể, đặc biệt các giải pháp để nâng cao chất lượng liên quan đến tự chủ. “Đây là một trong những điểm nghẽn làm các trường đại học không phát huy được sự chủ động, sáng tạo, phát huy được nội lực. Để tháo điểm nghẽn này, tới đây Quốc hội cho ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và tâm điểm là thực hiện tự chủ của các trường đại học”, Bộ trưởng Nhạ nêu.

Trong xu hướng chung, các nước đang phát triển đều gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn. Theo các nguồn thống kê không chính thức, hàng năm số học sinh, sinh viên trong nước ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng cũng rất nhiều, với khoảng 3 - 4 tỷ USD dưới dạng các kinh phí khác nhau. Đây là con số ước đoán và cũng là nguồn rất lớn”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

“Hiện nay chúng ta gửi con em đi nước ngoài học rất nhiều, trong đó có cả học bổng và phải trả tiền. Một số đơn vị nước ngoài đã mở trường học ở nước ta với học phí cao. Có những học phí mỗi năm phải trả từ 400 - 500 triệu đồng. Vậy bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? Giải pháp gì để ủng hộ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này”.

 ĐB Nguyễn Văn Thân

Tỷ lệ có việc làm xấp xỉ 90%

Báo cáo giải trình Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau khi Chính phủ chỉ đạo, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát, yêu cầu các trường công bố tất cả các dữ liệu vào năm 2017. Kết quả, các trường có điểm thi đầu vào trên 27 điểm thì tỷ lệ học sinh ra trường sau 12 tháng có việc làm (tính từ 2016 trở lại) là 96%; nhóm trường từ 24 điểm đến 27 điểm, tỷ lệ này 92%; nhóm trường từ 20 điểm đến 24 điểm là 84% và nhóm trường từ điểm sàn 15,5 – 20 điểm là 89%. Tỷ lệ chung, học sinh ra trường trong vòng 12 tháng (kể từ năm 2016 đến 2017), qua khảo sát, tỷ lệ có việc làm xấp xỉ 90%, chỉ có 11,3% không kiếm được việc làm. Đương nhiên, những việc làm này không có nghĩa là tất cả đã phù hợp đúng trình độ đại học, vì khảo sát cũng cho thấy, 19% số các cháu ra trường học đại học nhưng làm công việc không xứng đáng.

Nguyên nhân theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước hết do chương trình đào tạo chưa sát với thị trường. Đối với các trường đại học, tỷ lệ tiến sĩ trên tổng giảng viên các nước rất cao, còn của chúng ta chưa được 23% trên toàn ngành, rất thấp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phần lớn chưa đủ điều kiện cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu. Ngoài ra, chất lượng giáo dục đại học hạn chế còn do mức học phí thấp. Ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi ở Mỹ 19.000 USD, Trung Quốc 3.500 USD...      

Thành Nam
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.