Luật Biểu tình, quan trọng nhất phải đảm bảo chất lượng

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh Như Ý
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh Như Ý
TPO - Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, điều quan trọng nhất đối với Luật Biểu tình là phải đảm bảo chất lượng, để đáp ứng nguyện vọng của người dân, cũng là thể chế hóa, hiện thực hóa quan điểm của Hiến pháp một cách chính xác nhất.

Trao đổi với PV bên lề kỳ họp sáng 11/6, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, bà cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến Luật Đặc khu, và Quốc hội cũng hết sức thận trọng lắng nghe, cân nhắc nhiều mặt.

Hôm nay đã có báo cáo với Quốc hội để có xem xét và đã lùi thời hạn thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt với sự nhất trí rất cao, trên 85%. Điều này thể hiện các đại biểu Quốc hội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và những hoạt động của Quốc hội cũng được người dân rất quan tâm và cũng đã nêu ý kiến của mình.

“Với chúng tôi, trên cương vị đại biểu Quốc hội, đặc biệt là trên cương vị Trưởng ban Dân nguyện, cũng đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của cử tri, không phải chỉ trên địa bàn tôi ứng cử là Hòa Bình, mà còn ở rất nhiều địa bàn khác, cả các nhà chuyên gia, các nhà khoa học cũng có nêu ý kiến về vấn đề này.

Có thể nói, việc người dân quan tâm đến những vấn đề Quốc hội đang thảo luận, đặc biệt là những bộ luật có ảnh hưởng lớn tới những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, đó là điều rất tự nhiên, thể hiện trách nhiệm của công dân, người dân với sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, cách thể hiện qua rất nhiều kênh để có thể thể hiện, như qua các kênh phản ánh kiến nghị, qua tiếp xúc cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng khác để có thể bày tỏ nguyện vọng của mình và Quốc hội là cơ quan dân cử.

Theo bà Hải, việc thể hiện nguyện vọng, mong muốn và kiến nghị đề xuất của công dân với công tác điều hành của Chính phủ, hoạt động của Quốc hội, hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, thậm chí đối với một đại biểu Quốc hội, hoặc đối với chương trình, nội dung mà Quốc hội đang bàn thảo là nguyện vọng chính đáng.

Tuy nhiên, hình thức thể hiện nguyện vọng hiện nay được Đảng, Nhà nước quy định có rất nhiều kênh, ví dụ kênh MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể như phụ nữ có thể thể hiện qua Hội Liên hiệp phụ nữ, thanh niên có thể thể hiện nguyện vọng qua các kênh của thanh niên, rất nhiều đoàn thể chính trị khác.

Ngoài ra, người dân khi có chính kiến có thể gửi trực tiếp đến đại biểu Quốc hội do mình bầu ra, có thể gửi tới các cơ quan như chúng tôi là cơ quan dân nguyện, những cơ quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân để truyền tải tới Quốc hội, tới các cơ quan  có trách nhiệm và từ trước đến nay, công việc đấy vẫn diễn ra hết sức hiệu quả và được cử tri đánh giá rất cao.

Theo ĐB Hải, việc thể hiện mong muốn nguyện vọng của mình ở đây rất chính đáng, nhưng hình thức biểu hiện không nên gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường. Ví dụ như hôm qua là gây cản trở, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên một số địa bàn, ví dụ sân bay Tân Sơn Nhất, rất nhiều hành khách bị lỡ chuyến bay vì việc tụ tập để thể hiện ý kiến của mình.

“Qua sự việc này, chúng tôi cũng thấy cần đẩy mạnh hơn nữa việc lắng nghe ý kiến của người dân thật hiệu quả để có thể đáp ứng hết nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, tránh xảy ra trường hợp như thời gian qua là có việc người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng nhưng gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt thường ngày, đời sống xã hội của thành phố… Vì vậy, đây cũng là vấn đề chúng tôi sẽ tham gia trong thời gian tới”, bà Hải cho hay.

Liên quan đến dự án Luật Biểu tình đang được xây dựng và đến thời điểm này vẫn chưa được trình ra, theo bà Hải, dự án này là hiện thực hóa quy định Hiến pháp, tuy nhiên điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng.

“Tôi nhận thấy thời gian qua các cơ quan tổ chức đã rất quan tâm, đang hoàn thiện chất lượng dự thảo để đảm bảo đáp ứng nguyện vọng của người dân, hiện thực hóa quan điểm của Hiến pháp một cách chính xác nhất”, bà Hải cho hay.

Hiện trong chương trình xây dựng luật đến năm 2019 không có dự án Luật Biểu tình, vấn đề đặt ra là có quá chậm không? Lý giải về điều này, bà Hải dẫn dụ, như dự án Luật Đặc khu, qua nhiều kỳ họp, giờ định thông qua lại thêm kỳ họp nữa, vì vậy quan trọng nhất là chất lượng của luật, và điều này đang cơ quan trình luật quan tâm.

MỚI - NÓNG