Quân đội Trung Quốc dùng 'chim giả' để do thám

Máy bay không người lái hình chim bồ câu.
Máy bay không người lái hình chim bồ câu.
TPO - Công nghệ do thám của Trung Quốc đã đạt tới tầm cao mới khi những chiếc máy bay không người lái được thiết kế như những chú chim bay trên bầu trời.

Những chiếc máy bay không người lái này thường "đội lốt" chim bồ câu. Hiện tại Trung Quốc đang sử dụng chúng để giám sát người dân trên khắp đất nước hơn 1 tỷ dân này. Các nguồn tin cho biết, thời gian gần đây, có tới hơn 30 cơ quan quân đội và chính phủ Trung Quốc đã triển khai các máy bay không người lái hình chim và các thiết bị liên quan tại ít nhất 5 tỉnh của Trung Quốc.

Khu vực được sử dụng công nghệ mới này nhiều nhất là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, cực tây của Trung Quốc. Đây là khu vực rộng lớn có chung biên giới với Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ.

Chương trình "chim do thám" mang mật danh "Bồ câu" do Tống Tất Phong, giáo sư của Đại học Bách khoa Tây Bắc ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, làm chủ dự án. Theo các thông tin đăng trên trang web của trường, GS Tống là một nhà khoa học cao cấp đã từng làm chương trình máy bay trực thăng bí mật J-20 và đã được quân đội Trung Quốc vinh danh.

Dương Văn Thanh, phó giáo sư của học viện hàng không ở vùng Tây bắc, Trung Quốc, cũng là thành viên của chương trình này, khẳng định việc sử dụng công nghệ mới này, nhưng chưa rộng rãi.

“So với các loại máy bay không người lái đang sử dụng hiện nay, qui mô vẫn còn nhỏ và có tiềm năng lớn ở những ứng dụng qui mô lớn trong tương lai. Một trong những ưu điểm độc đáo của nó là các máy bay không người lái có thể đáp ứng nhu cầu của các công ty quân sự lẫn dân sự, " bà Dương cho biết.

Radar không thể phát hiện

Máy bay không người lái thế hệ mới này bắt chước giống hệt như hoạt động vỗ cánh của chim, có thể nhào lượn trên không trung.

Một nhà nghiên cứu khác có liên quan tới dự án “Bồ câu” cho biết, mục đích của việc phát triển máy bay không người lái thế hệ mới này với thiết kế sinh học để tránh sự phát hiện của con người và thậm chí cả radar.

Chính vì thế, các máy bay không người lái thời gian gần đây ở Trung Quốc đều mô phỏng khoảng 90% hoạt động của của chim bồ câu thật. Nó hầu như không phát ra tiếng ồn nên rất khó phát hiện từ mặt đất. Nó giống thật tới mức những chú chim đang bay trên bầu trời không nhận ra và thường tới bay cùng.

Một nhà nghiên cứu yêu cầu giấu tên vì sự nhạy cảm của chương trình cho biết, đội ngũ thực hiện dự án đã trải qua hơn 2.000 chuyến bay thử nghiệm trước khi triển khai những chiếc máy bay không người lái trong điều kiện thực tế.

Một thí nghiệm đã được thực hiện ở Nội Mông bằng việc cho chim giả bay qua một đàn cừu, loài động vật nổi tiếng nhạy cảm với âm thanh. Thế nhưng, những chú cừu này không hề phát hiện có “Bồ câu” bay phía trên.

Quân đội Trung Quốc dùng 'chim giả' để do thám ảnh 1

"Bồ câu" giả thường thu hút những chú chim thật tới bay cùng.

Mặc dù công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng khả năng ứng dụng của nó rất rộng, không chỉ trong ngành công an, quân đội, mà còn có thể trong các hỗ trợ khẩn cấp, bảo vệ môi trường và quy hoạch đô thị. Điều này có nghĩa rằng, thị trường của máy bay không người lái có thể đạt tới  10 tỷ nhân dân tệ ( 35.000 tỷ đồng) riêng ở Trung Quốc.

Mỗi con “bồ câu” này có trọng lượng 200gr, cánh dài 50cm, có thể bay với tốc độ tối đa 40km/h và bay liên tục 30 phút. Mỗi chú chim này được gắn camera chất lượng cao, định vị GPS, hệ thống quản lý bay và các dữ liệu gắn với liên lạc vệ tinh. Cánh của nó được chạy bằng động cơ điện, có thể nâng lên, hạ xuống nhẹ nhàng. Một phần mềm đặc biệt được thiết kế đo được các cử động giật để đảm bảo các camera mang theo ghi được hình ảnh và video sắc nét.

Giáo sư Li Yachao, một nhà nghiên cứu radar quân sự tại Phòng công nghệ quốc phòng tại Tây An cho biết, chuyển động cánh của “ bồ câu” thật đến nỗi nó có thể đánh lừa các hệ thống radar nhạy cảm nhất. Việc ngụy trang (có thể gắn thêm lông thật ngoài vỏ) có thể bóp méo các tín hiệu radar.

“Bồ câu” thế hệ sau sẽ thông minh hơn chim

Quân đội Trung Quốc dùng 'chim giả' để do thám ảnh 2

Mô phòng kết cấu của máy bay không người lái hình chim bồ câu.

Dự án “Bồ câu” không phải là máy bay không người lái duy nhất được phát triển tại Trung Quốc. Năm 2012, các nhà nghiên cứu tại đại học hàng không vũ trụ Nam Kinh đã ra mắt “ Thiên ưng”, một loại máy bay không người lái giống con chim đại bàng.

Nnăm 2013, quân đội Mỹ cũng đã mua hơn 30 chiếc máy bay không người lái hình con chim săn mồi của công ty sản xuất robot  tại bang Florida. Tuy nhiên, chú chim thịt mồi này chỉ để trang trí, chứ đôi cánh của chú không cử động được.

Công ty Robird của Hà Lan cũng sản xuất chiếc máy bay không người lái giống con chim thật, nhưng nó cần có một người điều khiển khi cất cánh, hạ cánh và pin của nó chỉ chạy được không quá 10 phút. Theo thông tin trên trang web của công ty, mục tiêu ban đầu của thiết bị này là để đuổi chim khỏi sân bay và cánh đồng.

Năm 2011, tập đoàn Festo của Đức đã phát triển “Chim thông minh”, một loại robot hình chim hải âu có thể tự bay mà không cần sự can thiệp của con người.

Mặc dù vậy, “Bồ câu” của Trung Quốc là chú chim máy giống thật nhất từ trước tới giờ. Tuy nhiên, công ty này chưa bao giờ tung nó ra thị trường và cũng không quan tâm tới việc sẽ đưa công nghệ này vào các ứng dụng quân sự. Theo các thông tin từ chính phủ Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm “Bồ câu” và rất ấn tượng.

Một trung tâm nghiên cứu quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm và nhận xét, khả năng ở bay trên không trung của “ Bồ câu” hơn 20 phút và có thể di chuyển được 5km.

Giáo sư Tống cho biết, mặc dù những công nghệ tiên tiến đã được đưa vào dự án “Bồ câu”, nhưng nó vẫn còn xa mới đạt độ hoàn hảo. Bên cạnh việc không thể di chuyển  quãng đường dài hoặc không thể chống chọi được với gió mạnh, “Bồ câu” còn dễ bị hư hại bởi mưa to và tuyết rơi.

Ngoài ra, việc thiếu cơ chế chống va đập sẽ khiến của “Bồ câu” va vào các vật khi bay ở chỗ thấp, trong khi mạch điện tử của nó dễ bị nhiễu loạn điện từ. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm cách khắc phục nhược điểm này bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Giáo sư Tống cho biết, ông hy vọng thế hệ “Bồ câu” sau có thể  bay ở các hình dạng phức tạp và đưa ra những quyết định độc lập trên không trung.

“Đến một ngày nào đó, 'Bồ câu' nhân tạo có thể giống hoặc thậm chí còn vượt cả trí tuệ của loài bồ câu thiên nhiên”, giáo sư Tống nói.

Theo South China Morning Post
MỚI - NÓNG