Chuyện oái ăm ở Hà Nội: Giáo viên dễ thất nghiệp, trường học thiếu thầy cô

Gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ thất nghiệp.
Gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ thất nghiệp.
TPO - Nhiều trường tại Hà Nội đang thiếu giáo viên đứng lớp trong khi kế hoạch tuyển mới lại chưa được triển khai. Đáng nói, hàng ngàn giáo viên hợp đồng lâu năm trong đó có nhiều thầy cô dạy giỏi, thâm niên công tác đến 20 năm lại đang có nguy cơ mất việc. 

Trước thềm năm học mới, nhiều trường ở Hà Nội đã buộc phải chấm dứt hợp đồng với các giáo viên. Giáo viên cũ bị cho nghỉ, giáo viên mới lại chưa tuyển dụng được, nhiều trường đang loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên đứng lớp. 

Tại Trường THCS Thụy An (Ba Vì), hiện 5 bộ môn Toán, Địa, Vật Lý, Sinh, Công nghệ đang bị thiếu giáo viên vì chủ trương “cắt hợp đồng lao động với giáo viên hợp đồng để chờ thi tuyển viên chức”. Trong đó 3 môn “trắng giáo viên”.

Tại Trường Tiểu học Vật Lại (Ba Vì), do cuối tháng 8 vừa qua, nhà trường phải cắt hợp đồng lao động với 6 giáo viên nên phải thực hiện dồn, ghép lớp. Trường dồn từ 44 xuống 39 lớp, sĩ số các lớp học vì thế mà quá tải.

Trong khi đó, những giáo viên bị chấm dứt hợp đồng vẫn đang loay hoay đi xin việc mới ở tuổi 40, 50. Không chỉ đời sống thầy cô gặp khó khăn, mà nhiều người suy sụp, lo lắng vì rơi vào cảnh thất nghiệp.

Vậy mà kế hoạch tuyển mới 11.000 giáo viên của Hà Nội được đưa ra từ tháng 3/2019 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.

 Clip Nguồn Vnews

Hàng loạt giáo viên giỏi có nguy cơ thất nghiệp

Chiều 1/10, Sở Nội vụ đã có văn bản báo cáo UBND TP. Hà Nội về việc tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục quận, huyện, thị xã năm 2019, kèm theo đó là nội dung liên quan đến số phận của các giáo viên hợp đồng.

Theo văn bản của Sở Nội vụ Hà Nội, biên chế giáo viên được giao là 80.812. Số viên chức giáo viên hiện có là 68.282 người, số giáo viên còn thiếu là 12.530 người. 

Hà Nội có tổng số giáo viên hợp đồng là 8.394 người đang dạy học tại các cơ sở mầm non, tiểu học, THCS công lập tại 30 quận, huyện, thị xã.

Trong đó số giáo viên có thời gian hợp đồng lao động dưới 5 năm là 5.664 người. Số có thời gian liên tục hợp đồng lao động từ 5 năm trở lên là 2730 người tại 19 quận, huyện, thị xã. 
Tính riêng trong số giáo viên có hợp đồng 5 năm trở lên, có 800 giáo viên tiểu học và THCS có trình độ chuyên môn đại học, sau đại học.

Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển công chức đã có ý kiến phản ánh, kiến nghị của giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì, Đông Anh, thị xã Sơn Tây với nội dung đề nghị chuyển hình thức từ thi tuyển sang xét tuyển.

Tuy nhiên, qua rà soát UBND các quận, huyện, thị xã thì các trường hợp giáo viên có thời gian hợp đồng lao động liên tục từ 5 năm trở lên, nhưng đều là lao động trong các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Có một số giáo viên dạy hợp đồng ở THPT ngoài công lập nhưng lại không đảm bảo yêu cầu của vị trí việc làm.

"Do đó, không có giáo viên hợp đồng nào có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161 để được xem xét tuyển dụng đặc biệt vào viên chức", văn bản ghi.

Điều này đồng nghĩa với việc, các thầy cô giáo huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì, Đông Anh, thị xã Sơn Tây phải tham gia kỳ thi tuyển với 2 vòng gắt gao.

Năm 2019, chỉ tiêu tuyển dụng với hình thức thi tuyển là 11.182 viên chức, gồm 10.949 giáo viên và 233 nhân viên.

Cụ thể, giáo viên THCS hạng III là 3.546 người, trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, mầm non hạng IV là 7.403 người, trình độ trung cấp sư phạm trở lên.

Đến tháng 4/2019, tổng số thí sinh đăng ký tuyển dụng là 20.767 người đến từ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội. Dự kiến cuộc thi sẽ được tổ chức từ 15/10 đến 17/11.

Trước đó, nhiều giáo viên ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh, thị xã Sơn Tây đã có đơn kiến nghị xin được chuyển hình thức tuyển dụng từ thi tuyển sang xét tuyển để không phải thi môn ngoại ngữ, tin học và kiến thức chung. Trong số này có người đã có thâm niên dạy học 20 năm, hiện khó có thể đạt yêu cầu tuyển dụng nếu phải thi với những người trẻ.

Một số giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, mong muốn được xem xét theo quan điểm nhân văn vì họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân trong những thời điểm ngành giáo dục và đào tạo thiếu giáo viên trầm trọng. Việc họ trượt trong kỳ thi tuyển dụng, nguy cơ thất nghiệp ngay trước mắt.

Không để thiếu giáo viên đứng lớp

Trả lời báo chí  ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay nhiều địa phương đang cắt, giảm biên chế giáo viên, nhất là đối tượng giáo viên hợp đồng, theo Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% biên chế vào năm 2021. 

Việc thực hiện "cứng nhắc" ở một số địa phương dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, hoặc nhiều nơi thiếu giáo viên đứng lớp nhưng biên chế thì không được tăng thêm. Ông Hoàng Đức Minh cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ không để thiếu giáo viên đứng lớp khi sắp xếp lại biên chế.

Cũng trước thềm năm học mới 2019, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, đầu năm 2019, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các địa phương rà soát lại đội ngũ giáo viên, đề xuất nhu cầu của các địa phương để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã làm việc với Bộ Chính trị để báo cáo và xin chủ trương về việc cho phép tuyển dụng thêm 23.000 giáo viên. Bộ Chính trị đã yêu cầu 2 Bộ đề xuất cụ thể về nhu cầu tuyển dụng giáo viên của từng địa phương. Tinh thần là ở đâu có học sinh, ở đó phải có đủ giáo viên. 

MỚI - NÓNG