Vì sao Airvisual rút khỏi các chợ ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam

Vì sao Airvisual rút khỏi các chợ ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam
TPO - AirVisual, ứng dụng quan trắc không khí của một công ty Thụy Sỹ có trụ sở ở Trung Quốc đã không còn trên chợ ứng dụng. Tuy nhiên, phiên bản web vẫn có thể truy cập và những người đã tải app về có thể dùng bình thường

Từ đêm qua, nhiều người dùng phản ánh việc họ không còn tải được ứng dụng AirVisual trên cả 2 chợ ứng dụng phổ biến nhất là App Store và Google Play. Đến sáng nay, tình trạng chưa được cải thiện.

Tuy nhiên, trên phiên bản web (https://www.airvisual.com/vietnam/hanoi), người dùng vẫn có thể theo dõi chất lượng không khí bình thường. Ứng dụng AirVisual đã tải về vẫn hiển thị kết quả đo.

Trả lời trên báo chí, đại diện AirVisual cho biết ứng dụng của họ bị đánh giá 1 sao trên hai nền tảng di động của Apple và Google cũng như trên fanpage Facebook. Phần lớn đánh giá tới từ Việt Nam. Vì vậy, Airvisual đã rút khỏi các chợ ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam.

Cũng trên blog của mình, AirVisual cho biết, số liệu Hà Nội xếp số 1 thế giới về ô nhiễm không khí chỉ mang tính thời điểm và bất kể một thành phố nào cũng có thể xuất hiện trên vị trí đó ở một thời điểm nhất định. Ngoài ra, AirVisual hợp tác với tổ chức Greenpeace có một bảng xếp hạng chất lượng không khí các thành phố hàng năm.

Phía AirVisual cho biết, kết quả của họ dựa trên kết quả quan trắc của thành phố Hà Nội (11 trạm công bố tại địa chỉ moitruongthudo.vn) và sử dụng dữ liệu từ hai trạm đo của Đại sứ quán Mỹ (aqcin.org) nhằm công bố hiện trạng không khí theo thời gian thực.

Tuy nhiên, ứng dụng AirVisual không được giới chuyên gia Việt Nam đánh giá cao. Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, ứng dụng này cũng sử dụng dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, của Đại sứ quán Mỹ và một số máy đo của khách hàng. Với dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính cập nhật thời điểm không cao trong khi nhiều điểm đo của khách hàng thì tính tin cậy thấp do máy không được bảo dưỡng.

Vì sao Airvisual rút khỏi các chợ ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam ảnh 1AirVisual thường xuyên xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong thời gian gần đây. 

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nêu vấn đề “Nhiều người thắc mắc tại sao số liệu khác nhau giữa Airvisual và các nguồn thông tin trong nước. Trong khi Airvisual đưa rất cao, các nguồn trong nước lại thấp hơn?”. Ông cho biết, Airvisual cập nhật các điểm đo ở những thời gian khác nhau. Có điểm là cập nhật của giờ đó nhưng có điểm là của nhiều giờ trước, thậm chí nhiều ngày trước như đã từng xảy ra. “Tại sao lại như vậy vẫn là câu hỏi từ lâu của các chuyên gia cho Airvisual mà chưa có lời giải đáp’, ông Tùng nêu.

Chuyên gia Đào Nhật Đình khuyên người dân Hà Nội, muốn cập nhật hiện trạng ô nhiễm không khí hàng ngày để có kế hoạch cho bản thân thì nên tham khảo cùng lúc các ứng dụng của PAMAir, Tổng cục Môi trường (cem.gov.vn). Nếu cần hiểu biết rộng hơn và so sánh thế giới có thể tham khảo máy của ĐSQ và Lãnh sự Mỹ hay các ứng dụng khác.

PAMAir là ứng dụng được phát triển bởi nhóm các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ môi trường tại Công ty D&L. Ứng dụng này có ưu điểm là số trạm đo nhiều (hơn 60 trạm đo tại Hà Nội và các trạm đo cả nước, trong đó rất nhiều trạm đo tại đồng bằng Sông Hồng) đồng thời hiển thị kết quả của những trạm trên. Kết quả được công bố trên ứng dụng PAMAir trên di động và trang web.

Chuyên gia Đào Nhật Đình cho rằng, đây là các cảm biến sensor, có sai số nhất định khi đo. Việc sử dụng PAMAir cho người xem biết được xu hướng và hiện trạng chung của chất lượng không khí. PAMAir phù hợp với đối tượng công chúng muốn biết chất lượng không khí trong thời gian thực. Ứng dụng Airnet cũng có công dụng tương tự như PAMAir nhưng ít sensor hơn.

Với trạm Tổng cục Môi trường, chuyên gia Đào Nhật Đình cho biết, đây là trạm quan trắc không khí cố định, cho số liệu quan trắc có độ chính xác cao. Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường chỉ có một điểm quan trắc trên nên tính đại diện không cao. Ở một số thời điểm, trạm quan trắc gặp lỗi nên kết quả không giống xu thế chung của các ứng dụng quan trắc khác.

Về kết quả quan trắc không khí tại moitruongthudo.vn, của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hiện, chuyên gia Đào Nhật Đình cho rằng, số liệu có thể tin cậy song không phản ánh thời gian thực mà thường muộn một ngày khiến giá trị cảnh báo không cao.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.