Đề nghị tăng án tù với nguyên chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm.
Các bị cáo tại tòa phúc thẩm.
TPO - Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự - nguyên chủ tịch Vinashin/SBIC không muốn thay đổi mức án 13 năm tù nhưng bị viện kiểm sát kháng nghị tăng nặng hình phạt.

Ngày 10/10, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - nay là Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Trước đó, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Sự (SN 1957) - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC 13 năm tù; Trần Đức Chính (SN 1976) - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng ban tài chính SBIC án 17 năm tù; Trương Văn Tuyến (SN 1950) - nguyên TGĐ SBIC 7 năm tù và Phạm Thanh Sơn (SN 1972) - nguyên Phó TGĐ SBIC 6 năm tù.

Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi hoàn 105 tỷ đồng tiền lãi ngoài cho Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) để khấu trừ phần bồi thường dân sự của ông Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch ngân hàng.

Đề nghị tăng án tù với nguyên chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự ảnh 1

Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Theo cấp sơ thẩm, Vinashin được thành lập năm 2006, và năm 2013, SBIC ra đời trên cơ sở tổ chức lại Cty mẹ và một số thành viên của Vinashin. Cũng từ năm 2010, Thủ tướng quyết định điều chỉnh nguyên trạng các dự án, doanh nghiệp của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty hàng hải Việt Nam (Vinashinline).

Vì vậy, PVN đã chuyển cho Vinashin hơn 2.200 tỷ đồng để tái cơ cấu. Doanh nghiệp này cũng nhận 4.190 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước làm vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Vinashin bị kiểm soát đặc biệt nên chỉ được dùng tiền khi có sự đồng ý của Thủ tướng.

Tháng 11/2010, Nguyễn Ngọc Sự và Trương Văn Tuyến ký văn bản xin Thủ tướng và Bộ Tài chính được gửi tiền có kỳ hạn tại OceanBank để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhưng chưa nhận được sự chấp thuận.

Lúc này, bị án Hà Văn Thắm gặp Nguyễn Ngọc Sự, nói nếu gửi tiền của Vinashin vào OceanBank, sẽ được nhận một khoản tiền chăm sóc khách hàng hay còn gọi lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi.

Sau đó, dù chưa được Thủ tướng đồng ý, các bị cáo vẫn thực hiện gửi tiền của Vinashin/SBIC vào OceanBank với tổng số hơn 103.859 tỷ đồng và gần 182 triệu USD trong thời gian từ năm 2010 đến 2014; thu về số tiền lãi hơn 1.076 tỷ đồng và hơn 29 triệu USD.

Qua đây, OceanBank cũng đưa cho Trần Đức Chính hơn 105 tỷ đồng tiền lãi ngoài. Bị cáo này khai đã chia cho Nguyễn Ngọc Sự hơn 50 tỷ đồng, Trương Văn Tuyến 15 tỷ đồng, Phạm Thanh Sơn hơn 7,5 tỷ đồng, bản thân Chính giữ lại 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị cáo sử dụng hơn 22 tỷ đồng tiền lãi ngoài nói trên để chi hội họp; cho lãnh đạo đi công tác nước ngoài; lễ tết, sinh nhật cho cán bộ nhân viên; phục vụ đối ngoại...

Sau án sơ thẩm nói trên, có 3 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trừ ông Nguyễn Ngọc Sự. Tuy nhiên, ông Sự bị VKSND TP Hà Nội kháng nghị tăng nặng hình phạt và ngoài ra, kháng nghị còn cho rằng cần tịch thu toàn bộ số tiền các bị cáo thu lời bất chính.

Tại tòa hôm nay (10/10), bị cáo Phạm Thanh Sơn cho rằng mức án của mình quá nặng, bản thân ông phạm tội do là cấp dưới, phải phụ thuộc cấp trên. Bị cáo Trương Văn Tuyến cũng xin giảm nhẹ hình phạt.

Tương tự, Trần Đức Chính khẳng định mình là cấp dưới, gửi tiền vào OceanBank theo chủ trương của cấp trên. Ông Chính cũng khai đã đưa phần lớn tiền lãi ngoài cho cấp trên nhưng không có chứng cứ vì đây là tiền bất hợp pháp.

Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 3 ngày.

MỚI - NÓNG