Giải mã thành công của mô hình đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế

Với hệ thống giám sát chặt chẽ từ trên xuống dưới, các vi phạm về giao thông, môi trường tại Huế luôn được xử lý kịp thời
Với hệ thống giám sát chặt chẽ từ trên xuống dưới, các vi phạm về giao thông, môi trường tại Huế luôn được xử lý kịp thời
Cán bộ công chức phải chấp nhận sức ép lớn hơn khi làm việc cũng như phải đối mặt với sự giám sát sát sao của người dân; lãnh đạo các đơn vị phải nhanh chóng xử lý các vi phạm và công khai kết quả xử lý theo phản ánh của người dân… là những bí quyết giúp mô hình đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế trở thành mô hình thành công đầu tiên tại Việt Nam.

Bộ não của thành phố thông minh

Qua màn hình giám sát, Nguyễn Hữu Định lướt qua loạt màn hình truyền về từ hệ thống camera theo dõi gắn trên cầu Trường Tiền. Góc máy không bỏ sót vị trí nào từ lòng sông, chân cầu đến khu vực phố đi bộ. Định phát hiện một chiếc thuyền của người dân đang thực hiện nghi lễ hóa vàng và rải tro,  tiền vàng xuống sông Hương ngay trước mắt khách du lịch. Lập tức anh nhấc điện thoại, báo cho công an phường Vĩ Dạ và công an môi trường can thiệp xử lý.

Chưa đầy 10 phút sau, tổ an ninh trật tự đô thị gần đó có mặt đầu tiên. Công an phường Vĩ Dạ và những cán bộ liên quan cũng đến hiện trường, yêu cầu người dân dừng ngay hoạt động rải tiền vàng. Vụ việc bị lập biên bản xử phạt bằng tiền ngay tại chỗ và được báo cáo trực tiếp với các bộ phận liên quan và chủ tịch tỉnh qua ứng dụng di động."Ngày nào chúng tôi cũng ghi nhận vài vụ việc như vi phạm giao thông, xả rác, cháy nổ. Tất cả đều được xử lý ngay lập tức", anh Định nói.

Đây chỉ là một trong hàng chục vấn đề về trật tự đô thị mà hệ thống camera thuộc Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tại Huế phát hiện và xử lý kịp thời mỗi ngày.

Ông Bùi Hoàng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành giám sát đô thị thông minh Huế cho hay, đến nay Trung tâm đưa vào vận hành 10 dịch vụ: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.

Hiện có hai dịch vụ được người dân sử dụng nhiều nhất là giám sát an ninh trật tự hiện trường và môi trường. Với hệ thống đô thị thông minh, người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website của trung tâm, kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Những phản ánh này được trung tâm ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi ra kết quả cuối cùng.

Những trả lời, hướng dẫn người dân không rõ ràng, trả lời người dân chậm… cũng bị cảnh báo. Thông qua cảnh báo, trung tâm sẽ chuyển cho các cơ quan liên quan để thụ lý, điều chỉnh.

Theo ông Minh, đến nay đã có 104 cơ quan trên địa bàn tỉnh tham gia dịch vụ giám sát này. Tính từ tháng 1/2019 đến nay, Trung tâm đã xử lý hơn 4.000 phản ánh của người dân.

Có sức ép, mọi thứ sẽ thay đổi tốt hơn

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT-TT Huế, cho hay, khi chưa có đô thị thông minh, người dân trước đây khi thấy những bất cập nhưng nhiều khi không biết kêu ai. Thậm chí khi người dân gửi phản ánh không ai xử lý. Giờ Trung tâm sẽ phát cảnh báo và lãnh đạo tỉnh sẽ nắm được có tình trạng, phản ánh như vậy, khi đó áp lực của các cơ quan quản lý sẽ rất lớn. Từ khi có đô thị thông minh, các đội trật tự đô thị liên tục ở ngoài đường để xử lý vì phản ánh quá nhiều.

 “Sức ép thì rất nhiều, cực kỳ căng thẳng, trước tiên từ người dân, lúc đầu người dân tham gia vào vì nhu cầu thực tế, nhưng sau cũng có trường hợp dùng app làm công cụ gây sức ép với cơ quan quản lý. Hai bãi rác nằm cạnh nhau ở phường. Nhưng chỉ xử lý với một bãi rác còn bãi rác bên cạnh không được xử lý. Ngày hôm sau người dân lại tiếp tục phản ánh về việc cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm”, ông Sơn nói.

Vừa mở ứng dụng Hue-S trên điện thoại để cập nhập thông tin Chia sẻ về hành trình xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho biết, ý tưởng xây dựng thành phố thông minh đã có từ cách đây 10 năm. Sống trong thành phổ cổ kính, người dân Huế vừa tự hào nhưng cũng khao khát một đô thị văn minh và hiện đại."Nếu như Đà Nẵng là thành phố đáng sống thì với mô hình đô thị thông minh, chúng tôi hướng tới mục tiêu Huế là thành phố hạnh phúc", ông Phan Ngọc Thọ nói.

Giải mã thành công của mô hình đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế ảnh 1
 
Giải mã thành công của mô hình đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế ảnh 2

Mọi hành vi vi phạm giao thông luôn được hệ thống camera tại nhiều điểm trong thành phố Huế ghi nhận để chuyển cơ quan chức năng xử lý

Ông Thọ cho hay, trong khoảng 3 năm nữa, Huế sẽ hoàn thiện 100%, trở thành đô thị thông minh đầu tiên của cả nước. Để thực hiện điều này, ngân sách Huế dành cho phát triển đô thị thông minh đã tăng lên 328 tỷ đồng. Trong đó Trung tâm giám sát điều hành chiếm khoảng 60 tỷ.

“Lúc đầu người dân cũng có phản ứng khi nhiều camera được lắp khắp các tuyến đường của Huế do lo ngại bị giám sát. Sau một thời gian, chính người dân đã thay đổi nhận thức và thấy hệ thống trung tâm điều hành là cần thiết.  Về phía cơ quan triển khai thực hiện và bị giám sát thực hiện, thời gian đầu anh em cũng bị áp lực. Nhiều lãnh đạo đơn vị đã bật khóc khi có nhiều cuộc điện thoại gọi trực tiếp phản ánh cho lãnh đạo”, ông Thọ cho hay.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa chính thức ra mắt Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Đây là trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (smartcity) cấp tỉnh đầu tiên của cả nước.

Trung tâm sẽ là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Theo dự kiến, hệ thống đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục được Viettel mở rộng và hoàn chỉnh vào năm 2020.

MỚI - NÓNG