[HỒ SƠ] Truy nã trùm ma túy châu Á kiếm 17 tỷ USD/năm

Hộ chiếu của Tse Chi Lop và một số tang vật của các vụ án ma túy. Ảnh: Reuters.
Hộ chiếu của Tse Chi Lop và một số tang vật của các vụ án ma túy. Ảnh: Reuters.
TPO - Là chủ đường dây ma túy xuyên quốc gia với doanh thu hằng năm 17 tỷ USD, bị truy nã gắt gao nhất châu Á, hắn được một đội võ sĩ muay Thái bảo vệ, bay bằng phi cơ tư nhân.

Cảnh sát nói rằng, hắn từng thua 66 triệu USD chỉ trong một đêm tại sòng bài ở Macao, Reuters viết trong bài báo công bố ngày 15/10.

“Vòi bạch tuộc” ở 12 nước

Hắn là Tse Chi Lop, sinh ra ở Trung Quốc, hiện mang quốc tịch Canada, bị tình nghi đang điều hành đường dây ma túy xuyên quốc gia hình thành từ liên minh 5 băng đảng xã hội đen ở châu Á. Các thành viên trong đường dây gọi tổ chức của chúng là “Công ty”, còn cảnh sát gọi là “Anh Ba” (Tam Ca), một trong các biệt hiệu của Tse.

Đường dây của Tse vận chuyển, buôn bán hàng tấn methamphetamine (meth), heroin và ketamine tới ít nhất 12 nước từ Nhật Bản ở Bắc Á tới New Zealand ở Nam Thái Bình Dương. Meth (ở dạng tinh thể, được gọi là ma túy đá), loại ma túy tổng hợp tàn phá thể chất và tinh thần người nghiện, đem lại nguồn thu chính cho đường dây này.

Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) ước tính doanh thu meth của đường dây do “Anh Ba” cầm đầu lên tới 17,7 tỷ USD/năm. Theo ước tính khiêm tốn nhất, doanh thu năm 2018 là 8 tỷ USD. Chúng thường giấu ma túy trong các gói trà.

Theo UNODC, “Công ty” chiếm 40-70% thị phần bán buôn meth trong khu vực. Thị trường này tăng ít nhất gấp 4 lần trong 5 năm qua.

Sự gia tăng sản xuất meth chưa từng có tiền lệ này dẫn tới một chiến dịch đối phó lớn chưa từng có. Tse, 55 tuổi, là mục tiêu chính của chiến dịch Kungur. Đây là một cuộc điều tra chống tội phạm ma túy quy mô lớn và trước đây không được công khai.

Chiến dịch Kungur do Cảnh sát liên bang Úc (AFP) dẫn đắt, liên quan khoảng 20 cơ quan thực thi pháp luật ở châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Đây là nỗ lực quốc tế lớn nhất từ trước tới nay nhằm chống lại các băng đảng ma túy châu Á.

Chiến dịch có sự tham gia của Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Canada… Đài Loan không phải là bên tham gia chính thức, chỉ là hỗ trợ điều tra.

Một tài liệu chứa hồ sơ AFP về 19 mục tiêu băng đảng hàng đầu xác định Tse là thủ lĩnh của “Công ty”. Theo tài liệu này, “Công ty” có kết nối hoặc trực tiếp liên quan ít nhất 13 vụ buôn lậu ma túy kể từ tháng 1/2015.

Một biểu đồ của cơ quan thực thi pháp luật Đài Loan xác định Tse là “giám đốc điều hành đa quốc gia” của băng đảng. Theo một tài liệu mà Cơ quan chống ma túy của Mỹ (DEA) chia sẻ với cơ quan chức năng các nước trong khu vực, Tse được tin là thủ lĩnh của băng đảng “Anh Ba”. Cảnh sát chưa công khai xác định Tse là trùm của đường dây ma túy xuyên quốc gia.

Một số điều tra viên nói rằng, Tse được so sánh với các trùm ma túy khét tiếng nhất châu Mỹ Latin. “Tse Chi Lop có số má kiểu như El Chapo hoặc Pablo Escobar”, Jeremy Douglas, đại diện UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nói.

Trong năm qua, Reuters tìm hiểu khắp châu Á-Thái Bình Dương để viết chi tiết về Tse và mạng lưới của hắn ta. Hãng tin Anh đã phỏng vấn hơn hai chục quan chức thực thi pháp luật ở 8 nước, xem xét các báo cáo của cảnh sát và lực lượng phòng chống ma túy, tài liệu tòa án…

Reuters cũng nói chuyện với các lãnh đạo dân quân ở bang Shan của Myanmar, trung tâm của khu vực Tam Giác Vàng, nơi “Công ty” bị tình nghi sản xuất ma túy hàng loạt trong những cơ sở được gọi là “siêu phòng thí nghiệm” (suber-lab). Các phóng viên cũng đã đến nơi ở của một người được cho là một trong các đầu lĩnh của “Công ty” ở Thái Lan.

[HỒ SƠ] Truy nã trùm ma túy châu Á kiếm 17 tỷ USD/năm ảnh 1 Cảnh sát thu giữ nhiều ma túy sau khi triệt phá các hang ổ ma túy ở Myanmar, Úc và Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Khác biệt so với các băng đảng Mỹ Latin

Trong số 19 đầu lĩnh của “Công ty” xuất hiện trên danh sách của AFP, 4 người là công dân Canada, trong đó Tse (cảnh sát thường gọi là T1) là mục tiêu số 1. Những mục tiêu khác đến từ Hong Kong, Macao, Đài Loan, Malaysia, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc đại lục.

Các quan chức thuộc lực lượng phòng chống ma túy nói rằng, “Công ty” rất giàu có, kỷ luật và tinh vi, thậm chí tinh vi hơn các băng đảng ma túy ở Mỹ Latin về nhiều phương diện.

“Công ty” cung cấp số lượng ma túy nhiều hơn, vươn tới nhiều thị trường hơn và bắt tay với nhiều băng nhóm tội phạm địa phương hơn, như Yakuza ở Nhật Bản, các băng nhóm đi xe máy ở Úc, các băng nhóm Trung Quốc hoạt động khắp Đông Nam Á…

Cảnh sát nói rằng, không như các băng đảng ma túy Mỹ Latin, mạng lưới tội phạm của Tse cũng ít có các vụ bùng phát bạo lực không kiểm soát, giết hại lẫn nhau. Số tiền mà chúng thu được lớn đến nỗi các băng nhóm tội phạm châu Á không thanh toán lẫn nhau mà cùng ngồi lại để ăn chia.

“Các băng nhóm tội phạm ở Đông Nam Á và Viễn Đông hoạt động thông suốt với hiệu quả cao. Chúng vận hành như một công ty toàn cầu”, một quan chức phương Tây thuộc một cơ quan phòng chống ma túy, nhận định.

Ngoài sự khác biệt về hoạt động ma túy, còn có sự khác biệt mang tính cá nhân giữa Tse và Joaquin ‘El Chapo’ Guzman (trùm ma túy Mexico đang ngồi tù) hay Pablo Escobar (trùm cocaine Colombia đã chết). Hai trùm ma túy Mỹ Latin có lối sống xa hoa, trụy lạc, bạo lực cùng cực, còn Tse tương đối bí hiểm, vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Hiện có rất ít thông tin giá trị về cuộc đời và “sự nghiệp” của Tse.

Hành trình phạm tội

Tse Chi Lop sinh ra ở tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc, lớn lên trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Sống sót sau các vụ thanh trừng đẫm máu, cải tạo lao động, chết đói hàng loạt, một nhóm thành viên Hồng vệ binh bị giam giữ ở thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) thành lập một băng nhóm tội phạm kiểu hội tam hoàng tên là “Vòng tròn lớn”.

Sau này, Tse trở thành thành viên của băng này rồi cùng nhiều thành viên khác chuyển tới Hong Kong, rồi những nơi khác. Hắn đến Canada năm 1988.

Một điều tra viên AFP hoạt động ở châu Á nói rằng, những năm 1990, Tse đi lại như con thoi giữa Bắc Mỹ, Hong Kong, Macao và Đông Nam Á. Hắn ta trở thành đầu lĩnh hạng trung của một đường dây buôn lậu ma túy lấy nguồn heroin từ Tam giác vàng (khu vực biên giới hiểm trở nằm giữa biên giới Lào, Thái Lan và Myanmar).

Theo tài liệu tòa án, năm 1998, tại tòa án ở New York (Mỹ), Tse bị buộc tội buôn lậu ma túy, hắn bị kết tội âm mưu nhập heroin vào Mỹ. Án tù chung thân treo lơ lửng trên đầu Tse. Năm 2000, thông qua luật sư, hắn xin khoan hồng.

Tse giải thích, bố mẹ hắn bệnh tật cần người chăm sóc thường xuyên, con trai 12 tuổi bị rối loạn về phổi, vợ suy sụp. Tse cam kết, nếu được trả tự do, hắn sẽ mở một quán ăn. Theo tài liệu tòa án, hắn thể hiện sự ăn năn, hối lỗi sâu sắc.

Những lời van xin đã có tác dụng. Tse chỉ bị kết án 9 năm tù, thụ án chủ yếu tại một trung tâm cải huấn liên bang ở bang Ohio. Nhưng sự hối lỗi của hắn dường như giảm đi nhiều.

Cảnh sát cho biết, sau khi được phóng thích năm 2006, Tse trở lại Canada, nơi hắn bị quản chế trong 4 năm. Không rõ hắn ngựa quen đường cũ, trở lại con đường ma túy ở châu Á vào thời điểm nào. Nhưng hồ sơ doanh nghiệp cho thấy, Tse và vợ mở một công ty tên là China Peace Investment Group (Tập đoàn Đầu tư Hòa bình Trung Quốc) vào năm 2011 ở Hong Kong.

Cảnh sát tình nghi Tse nhanh chóng trở lại đường dây ma túy. Theo một điều tra viên của AFP, Tse kết nối với các đối tượng ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macao và Tam giác vàng và áp dụng một mô hình kinh doanh mà khách hàng không thể cưỡng lại được. Nếu chuyến hàng của hắn bị cảnh sát tóm, nó sẽ được thay bằng chuyến hàng khác miễn phí hoặc tiền đặt cọc được hoàn trả người mua.

Chính sách đảm bảo giao hàng của Tse tốt cho việc buôn bán ma túy của hắn những cũng khiến hắn bị cảnh sát để ý. Năm 2011, AFP phá một băng nhóm ở Melbourne nhập heroin và meth. Lượng ma túy không lớn, chỉ vài chục cân. Vì vậy, thay vì bắt các đối tượng buôn bán ma túy người Úc, cảnh sát chỉ theo dõi chúng, nghe lén điện thoại và theo đuôi hơn 1 năm.

Băng nhóm ma túy Úc phát điên vì hàng của chúng liên tục bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ. Vì thế, chúng muốn có hàng thay thế. Đầu lĩnh “Công ty” ở Hong Kong rất tức giận vì các chân rết khác của chúng ở Úc vẫn mua bán ma túy bình thường, không bị cảnh sát sờ gáy.

Năm 2013, sự kiên nhẫn của các đầu lĩnh cạn kiệt, chúng gọi trưởng băng nhóm Melbourne tới Hong Kong nói chuyện. Tại Hong Kong, cảnh sát Hong Kong thấy người đàn ông Úc gặp hai người, trong đó có Tse.

Một đặc vụ AFP nói rằng, Tse để tóc ngôi giữa, phục trang của một người đàn ông Trung Quốc trung lưu điển hình. Tuy nhiên, quá trình giám sát cho thấy Tse tiêu tiền như nước và rất chú trọng an ninh cá nhân. Dù ở trong nước hay đi nước ngoài, Tse đều có một nhóm võ sĩ kickboxing đi theo bảo vệ, ba điều tra viên AFP nói. Có thời điểm, Tse có 8 vệ sĩ cùng lúc.

Mê đánh bài, cá độ, thua 66 triệu USD một đêm

Tse hằng năm tổ chức tiệc sinh nhật xa hoa ở các resort, khách sạn 5 sao, đưa cả gia đình và đoàn tùy tùng tới đó bằng máy bay tư nhân. Theo một thành viên lực lượng đặc nhiệm điều tra “Công ty”, có lần Tse ở trong một khu nghỉ dưỡng ở Thái Lan một tháng, tiếp khách bên bể bơi trong trang phục quần soóc, áo phông.

Tse là khách hàng thường xuyên của nhiều casino ở châu Á, rất thích cá cược đua ngựa, đặc biệt là đua ngựa ở Anh. “Chúng tôi tin rằng, có đêm hắn thua 60 triệu euro (khoảng 66 triệu USD) trong một sòng bài ở Macao”, điều tra viên AFP hoạt động ở châu Á nói.

Khi cuộc điều tra về Tse mở rộng, cảnh sát tình nghi hắn là đầu mối cung cấp meth và heroin cho các băng nhóm ở Úc. Ngoài ra, hắn cũng cung cấp MDMA (thường được gọi là thuốc lắc). Tuy nhiên, quy mô thực sự của “Công ty” chỉ hiện rõ vào cuối năm 2016, khi nam thanh niên Đài Loan Cai Jeng Ze tới sân bay Yangon với mỗi bên đùi buộc một túi bột trắng.

[HỒ SƠ] Truy nã trùm ma túy châu Á kiếm 17 tỷ USD/năm ảnh 2 Cai Jeng Ze bị bắt tại sân bay Yangon với ketamine giấu trong người. Vụ bắt giữ này sau đó dẫn tới việc tịch thu hàng tấn ma túy và súng đạn. Ảnh: Reuters.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG