An ninh nguồn nước sông Đà: Vá gấp lỗ hổng

 Kênh dẫn nước hở từ sông Đà vào hồ Đầm Bài - nguồn nước trực tiếp đổ vào nhà máy nước của Viwasupco
Kênh dẫn nước hở từ sông Đà vào hồ Đầm Bài - nguồn nước trực tiếp đổ vào nhà máy nước của Viwasupco
TP - Sự cố mang tên “nước sạch sông Đà” thể hiện lỗ hổng lớn trong quá trình khai thác, vận chuyển, cung cấp nước sạch. Đã đến lúc hàng triệu người dân Thủ đô cần được bảo vệ tốt hơn trước những sự cố bất ngờ về nước sinh hoạt.

Ghi nhận ở xã Phúc Tiến, Hợp Thành, Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), những địa phương có liên quan nguồn nước sông Đà. Tại xã Phúc Tiến, địa bàn đầu nguồn suối Trâm, nơi bị đổ dầu thải gây nên sự cố cho hệ thống nước sạch sông Đà vẫn có một số người dân sinh hoạt, làm trang trại nuôi lợn, gà, cá dựa vào dòng suối. Nước thải từ đây trực tiếp đổ xuống dòng suối.

Tại xã Phú Minh, thậm chí còn có trang trại hơn 1 vạn con lợn của Cty Japfa Việt Nam án ngữ trên đầu nguồn suối gần hồ Đầm Bài. Trang trại rộng hơn 35.000m2, hoạt động từ năm 2017. Đầu năm 2019, trang trại bị người dân phản ánh vì nước thải của trại lợn chảy thẳng xuống suối đầu nguồn, chảy vào đồng ruộng đang canh tác của người dân xã Phú Minh.

Ngay đầu nguồn kênh dẫn nước sông Đà vào hồ Đầm Bài cũng là nơi ở, sinh hoạt của nhiều hộ dân xã Hợp Thành. Đây là kênh dẫn hở, lại trải dài gần chục cây số nên việc đảm bảo an toàn nguồn nước không đảm bảo.

An ninh nguồn nước đang là câu hỏi của hàng triệu người dân Thủ đô thời điểm này. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu nguyên do gây ô nhiễm nguồn nước không phải là dầu thải, không phải một “hành động vô trách nhiệm” mà là sự phá hoại có chủ đích thì sức khỏe người dân sử dụng nước sạch sông Đà ra sao?

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND xã Phúc Tiến xác nhận, địa bàn xã có một số người dân sinh hoạt quanh khu vực suối Trâm. Có trang trại ở đầu nguồn suối. Nhưng ý thức người dân sống ở đầu nguồn nước rất tốt, chưa từng xảy ra xả thải ảnh hưởng đến dòng suối. Còn về quan điểm cá nhân, vị này cho rằng: Hồ Đầm Bài đang phải gánh nhiều chức năng cũng như chứa nhiều nguồn phát thải. Tốt nhất nên có biện pháp ngăn riêng dòng dẫn nước để đảm bảo nguồn nước sạch cho dân Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Hòa Bình, hiện nay, nguồn dẫn nước vào nhà máy nước của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đi qua hồ Đầm Bài có diện tích xấp xỉ 70ha và lưu vực 16km2, do vậy, dù cố gắng bảo vệ cũng khó tránh được rủi ro do không quản lý được nguồn nước. “Chính vì vậy, tỉnh Hòa Bình đề nghị Viwasupco nghiên cứu có một kênh dẫn kín từ nguồn nước mặt sông Đà đưa vào khu sơ chế và sản xuất, như vậy quản lý nguồn nước mới đảm bảo”, ông Toàn cho hay.

Trước nghi ngại về ảnh hưởng từ trang trại nuôi hàng nghìn con lợn hay thông tin sắp tới sẽ có khu du lịch sinh thái vốn Đài Loan (Trung Quốc) ở gần khu vực nguồn nước cung cấp cho Viwasupco, ông Toàn cho biết, khi cấp phép đầu tư nhất thiết phải có đánh giá tác động môi trường. Vấn đề này sẽ được thực hiện kiên quyết và triệt để.

Tuy vậy, trong buổi họp tại UBND tỉnh Hòa Bình, đại diện Viwasupco liên tục né tránh đề nghị làm đường dẫn kín từ sông Đà vào nhà máy.

Tránh rủi ro  thế nào?

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, từ sự cố của Nhà máy nước sạch sông Đà cho thấy “an ninh nguồn nước” đang thực sự có vấn đề.

TS Tứ cho biết, có 2 việc cần giám sát là đầu vào và đầu ra chất lượng nước. Trong 2 vấn đề trên chỉ cần quan tâm đến đầu ra - tức là nước sạch cho người dân sử dụng có an toàn, đảm bảo chất lượng hay không.

Ở nhiều nước, công nghệ xử lý được nước thải, nước biển… thành nước uống trực tiếp đạt chuẩn. Do đó, kể cả có nước thải, phân bón, hay chất thải từ trang trại lợn xả xuống nguồn nước vẫn có thể xử lý được nếu công nghệ hiện đại. Tuy vậy, đối với nhà máy nước sông Đà, công nghệ xử lý của họ chưa đạt được đến mức đó thì họ phải chuẩn hóa ngay từ đầu vào. Nước đầu vào phù hợp với công nghệ xử lý hiện có.

Viwasupco cần kiểm soát nguồn nước chặt chẽ bằng hệ thống quan trắc tự động, có hệ thống camera giám sát ở các điểm đầu vào ra hồ chứa, đảm bảo chất lượng nước đầu vào. Nhưng bao lâu nay đây là lỗ hổng và họ không thay đổi.

Theo TS Tứ, mặc dù có Luật Bảo vệ Môi trường, nghị định, thông tư về môi trường nhưng các sông suối của ta vẫn hàng ngày bị tác động, suy thoái. Như vậy có thể thấy việc thực thi trách nhiệm kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có vấn đề.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần chủ động trong việc kiểm tra “ngoại kiểm” và yêu cầu khắt khe đối với các đơn vị vận hành, sử dụng nguồn nước; có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các đơn vị vận hành nguồn nước.

Ngày 21/5/2018, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội”. Trong 10 rủi ro có thể thành thảm họa, ô nhiễm nguồn nước được xếp thứ 2. Đề án nêu: “Trong tương lai, Hà Nội sử dụng nước sinh hoạt chủ yếu là nước mặt. Vì vậy, có thể xảy ra rủi ro nếu nguồn nước mặt bị nhiễm độc, ô nhiễm từ hóa chất, chất thải công nghiệp. Vấn đề an ninh về chất lượng nước sạch của các nhà máy nước là vấn đề phải quan tâm”. Về các nhiệm vụ giải pháp, đề án của thành phố cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo trước các hiện tượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là hệ thống nước mặt cấp cho sinh hoạt của thành phố để kịp thời ứng phó, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người dân.

An ninh nguồn nước đang là câu hỏi của hàng triệu người dân Thủ đô thời điểm này. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu nguyên do gây ô nhiễm nguồn nước không phải là dầu thải, không phải một “hành động vô trách nhiệm” mà là sự phá hoại có chủ đích thì sức khỏe người dân sử dụng nước sạch sông Đà ra sao?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.