Gian lận thi Hà Giang, Sơn La: Nói 'nâng điểm không tiền bạc' là coi thường dân

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm
TPO - “Không có cán bộ chủ chốt, không có cán bộ lãnh đạo nào có con được nâng điểm nhận khuyết điểm cả. Cử tri nói như vậy là thiếu tôn trọng và coi thường nhân dân. Họ cho rằng cách nêu vấn đề như vậy phải chăng là một sự né tránh?”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay.

Thảo luận tại tổ tại kỳ họp Quốc hội chiều 22/10, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng, đạo đức công vụ đang là vấn đề đáng báo động. Dẫn chứng về vụ gian lận điểm thi tại một số địa phương thời gian qua, bà Lan đánh giá, nhiều trường hợp (cán bộ vi phạm) ra toà xử mà nói như thể “người hành tinh nào xuống vậy”, không còn một cái gì gọi là liêm sỉ.

Nữ ĐB đoàn TP HCM cho rằng, việc cán bộ vi phạm chối tội tại phiên toà như thế, cho thấy họ “không có thái độ ăn năn, hối cải, không thấy được lỗi của mình mà điên cuồng phản ứng bằng mọi cách để thoát tội”. ĐB đề nghị cần chấn chỉnh về “đạo đức công vụ”, để hạn chế những trường hợp tương tự xảy ra.

Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng, dư luận xã hội không đặt nặng vấn đề anh có sai sót tới mức nào, mà mà là trước mỗi một sai sót, vi phạm, khuyết điểm thì tính trung thực và tôn trọng người dân như thế nào?

“Khi tôi tiếp xúc cử tri, cử tri nói làm như vậy là thiếu tôn trọng và coi thường nhân dân. Ví dụ như không có cán bộ chủ chốt, không có cán bộ lãnh đạo nào có con được nâng điểm nhận khuyết điểm cả. Họ cho rằng cách nêu vấn đề như vậy phải chăng là một sự né tránh?”, ĐB Tâm cho hay.

Theo vị đại biểu từng là Chủ tịch HĐND TP HCM, làm như vậy không tạo được sự thuyết phục và người dân cho rằng mình coi thường dư luận.

“Người dân thậm chí nói thà không nhận khuyết điểm, thà không thi hành kỷ luật, thà không có kiểm điểm và đừng công bố cái đó trước người dân thì còn thấy đỡ hơn. Công bố người ta thấy có gì đó rất chua chát. Ví dụ, nâng điểm do quan tâm, do mối quan hệ cá nhân, không có tiền bạc gì… Người ta cho rằng cách nói như vậy trước công luận là thiếu sự trung thực”, ĐB Tâm nói.

Kịp thời thông tin tình hình Biển Đông

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ tại Quốc hội, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) cho rằng, trong công tác phòng chống tội phạm, thời gian qua, lực lượng công an, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển…theo chức năng nhiệm vụ của mình đã hoàn thành công việc rất tốt. Các vụ việc, vụ án xảy ra đều được điều tra khám phá rất nhanh, truy bắt được tội phạm.

Tuy vậy, hiện nổi lên vấn đề nhóm đối tượng hoạt động tuyên truyền bậy bạ, đưa thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội đang ngày càng nhiều, bao gồm cả đối tượng trong nước và ngoài nước, nhưng kết quả xử lý, kiểm soát của chúng ta còn hạn chế, không đáng kể.

“Tôi đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo để xử lý quyết liệt hơn tình trạng vi phạm này. Chúng ta có ký kết các hợp tác phòng chống tội phạm với các nước nên hoàn toàn có thể xử lý được. Nếu không các thông tin xấu độc tràn ngập trên mạng, khiến người đọc không biết tin nào là thật, tin nào là giả, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của người dân với Đảng, Nhà nước”, Tướng Sùng Thìn Cò nhấn mạnh.

Về giải pháp, đại biểu đoàn Hà Giang cho rằng, công tác tuyên truyền để đấu tranh lại lại với các luận điệu chống phá, xuyên tạc, nhất là các tin xấu độc chống phá chế độ phải được đẩy mạnh hơn và sát với thực tế hơn. Lòng dân, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, đảng viên đều rất mong muốn.

Đặc biệt, liên quan tới vấn đề quốc gia dân tộc, chủ quyền lãnh thổ biên giới, chủ quyền biển đảo quốc gia, Tướng Sùng Thìn Cò đề nghị Nhà nước phải lên tiếng, kết hợp đấu tranh trên thực địa và ngoại giao, song phương và đa phương, vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển.

“Chúng ta phải chỉ rõ những đối tượng có lời nói, hành vi mang tính chất kích động, nói xấu, kể cả cán bộ đang công tác cũng như nghỉ hưu, không để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá”, ông Sùng Thìn Cò cho hay.

Cùng với đó, đại biểu đoàn Hà Giang cho rằng, cần đầu tư thêm các tuyến đường tuần tra biên giới, nhất là tuyến đường tuần tra biên giới Việt – Trung hiện còn khó khăn. Việc đầu tư các tuyến đường này không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới mà còn phục vụ việc phát triển kinh tế ở vùng biên rất tốt.

Gian lận thi Hà Giang, Sơn La: Nói 'nâng điểm không tiền bạc' là coi thường dân ảnh 3  
MỚI - NÓNG