Chân dung thủ lĩnh tối cao IS vừa bị tiêu diệt ở Syria

Bakr al-Baghdadi trong một video năm 2019. Nguồn: CNN.
Bakr al-Baghdadi trong một video năm 2019. Nguồn: CNN.
TPO - Một chiến dịch quân sự của Mỹ ở tây nam Syria hôm thứ Bảy đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) Bakr al-Baghdadi, theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Một việc rất quan trọng vừa xảy ra”. Dự kiến, ông sẽ có tuyên bố chi tiết vào tối Chủ nhật (giờ Việt Nam).

Cái chết của Baghdadi giáng một đòn chí mạng nữa vào IS, CNN đưa tin ngày 27/10. Tổ chức khủng bố này mất thành trì cuối cùng ở Syria hồi tháng 3.

Một cư dân ở khu vực Idlib ở miền bắc Syria kể với CNN: “Sau nửa đêm chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay chiến đấu và trực thăng bay trên trời. Tôi nhìn thấy 4 chiếc trực thăng nhưng có thể nhiều hơn vì trời rất tối. Tôi nghe thấy tiếng súng máy hạng nặng ở đằng xa, tiếng nổ kéo dài khoảng một giờ”. Một số người khác nói rằng, vụ không kích diễn ra ở làng Barisha ở ngoại ô Idlib gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong cuộc không kích của quân đội Mỹ, thủ lĩnh IS Baghdadi được cho là đã kích nổ áo gắn thuốc nổ chuyên dùng để đánh bom tự sát, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói. Cục Tình báo Trung ương Mỹ giúp xác định vị trí của trùm khủng bố. Người ta đang xét nghiệm ADN và sinh trắc học để có kết luận cuối cùng, hai nguồn tin nói với CNN.

Chân dung thủ lĩnh tối cao IS vừa bị tiêu diệt ở Syria ảnh 1 Một cảnh khói lửa sau trận không kích ở Syria. Nguồn: CNN. 

Kẻ reo rắc thù hận

Baghdadi là kẻ thuyết giáo thù hận, chuyên xuất hiện trong các video rao giảng các ý tưởng cực đoan về bạo lực khát máu, những thông tin sai lệch về Hồi giáo… Tên này luôn sống trong vòng bí mật, chỉ xuất hiện công khai đúng một lần. Thường sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh, Baghdadi là đối tượng săn lùng của máy bay không người lái.

Cuối năm 2013, những kẻ đi theo Baghdadi lần đầu tiên tràn vào thành phố Raqqa, bắt đầu tham vọng của chúng ở Syria, dẫn tới sự hình thành một “đế chế” Hồi giáo vào tháng 6/2014. Bọn chúng có quân đội riêng, thậm chí có đồng tiền riêng dù trong thời gian rất ngắn.

Hơn 3 năm sau đó, IS suy tàn, giao chiến hụt hơi ở Mosul tại Iraq và Raqqa tại Syria. Quyền kiểm soát của IS đối với Mosul chính thức tan biến vào tháng 7/2017 khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố quân đội đã tái chiếm thành phố này.

Trước đó 3 năm, vào tháng 7/2014, khi Baghdadi xuất hiện gần như công khai để thuyết giảng ở một nhà thờ Hồi giáo tại Mosul. Báo chí địa phương lúc đó cho rằng, hắn được một đoàn xe hùng hậu hộ tống tới nhà thờ.

Ở Mosul, Baghdadi thuyết giảng rất lâu, tự phong hắn là thủ lĩnh tinh thần của tôn giáo có 1,6 tỷ tín đồ.

Các website thánh chiến và nhiều nguồn khác cho rằng, Baghdadi sinh ra ở tỉnh Diyala hoặc thành phố Samarra của Iraq năm 1971, theo học Đại học Hồi giáo ở thủ đô Baghdad – nơi hắn học văn hóa Hồi giáo và luật học ở cấp độ tiến sĩ. Tên đầy đủ của hắn là “Ibrahim bin Awwad bin Ibrahim al-Badri al-Radhwi al-Husseini al-Samarrai”.

Baghdadi có thể là một giáo sĩ trong một nhà thờ Hồi giáo ở Samarra cho đến khi Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003. Một năm sau, hắn bị bắt trong một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo dòng Sunni.

Theo một tiểu sử thánh chiến được công bố năm 2014, Baghdadi có 8 năm rưỡi chiến đấu và tấn công kiểu chớp nhoáng rồi bỏ trốn. Điều này có thể giải thích tại sao Baghdadi có mặt trong điểm nóng nổi dậy ở thành phố Falluja – nơi hắn bị bắt năm 2004 và bị giam giữ đến năm 2009 với cái tên Ibrahim Awad Ibrahim Al Badry ở Trại Bucca. Trại này do quân đội Mỹ quản lý, là nơi giam giữ các lãnh đạo IS và chiến binh thánh chiến tiềm năng.

Sự bất ổn ở Iraq và nội chiến ở Syria nuôi dưỡng tham vọng của Baghdadi. Sau khi rời Trại Bucca, Baghdadi tập hợp các tay súng vào một tổ chức quy củ, thực hiện các vụ tống tiền người địa phương, cướp ngân hàng để lấy tiền tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn và cuối cùng tuyên bố thành lập “đế chế” IS.

Thời điểm đó, việc tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo tự xưng dường như khá nực cười đối với giới quan sát. Không nhóm nổi dậy nào có thể chiếm giữ lãnh thổ trong bối cảnh hỗn loạn đầy khói súng trong cuộc xung đột ở Syria. Nhưng “đế chế” IS lớn dần cả về quy mô và độ tự tin.

Chân dung thủ lĩnh tối cao IS vừa bị tiêu diệt ở Syria ảnh 2 Bakr al-Baghdadi thuyết giảng ở Mosul năm 2014. Nguồn: CNN.

Ra lệnh chặt đầu nhà báo

Người ta cho rằng, Baghdadi đã ra lệnh hành quyết nhà báo Mỹ James Foley và video quay cảnh chặt đầu Foley năm 2014 khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama có hành động quân sự kiên quyết hơn để chống lại IS.

Sau sự xuất hiện ở nhà thờ tại Mosul năm 2014, Baghdadi biến mất không để lại dấu vết. Một báo cáo năm 2015 cho rằng, hắn bị thương nặng, thậm chí nằm liệt giường trong một đợt tấn công của quân đội Mỹ, nhưng Lầu Năm Góc chưa bao giờ khẳng định điều này. Các báo cáo khác cho rằng, hắn lại bị thương vào năm 2017 khi các lực lượng do Mỹ dẫn dắt tấn công lãnh thổ IS ở Syria.

Năm 2018, khi IS liên tục thất bại và đối mặt sức ép ngày càng tăng từ mọi phía, lực lượng này tung ra bản ghi âm giọng nói của Baghdadi. Hắn thừa nhận là IS đang thua trong trận chiến duy trì nhà nước tự phong. Baghdadi mô tả tình hình hiện tại là bài kiểm tra của thánh Allah và kêu gọi các chiến binh đoàn kết.

Năm sau đó, trong một nỗ lực huy động các tay súng, IS tung ra video quay Baghdadi. Đây là lần đầu tiên hắn lộ diện kể từ lần thuyết giảng năm 2014. Trong video, một người đàn ông xưng là Baghdadi mặc đồ đơn giản, ngồi trên mặt đất cạnh một khẩu súng trường. Hắn ta đề cập các sự kiện thời sự, bao gồm các cuộc đánh bom đẫm máu dịp lễ Phục sinh ở Sri Lanka. Hàng loạt vụ nổ xảy ra ở ba nhà thờ và bốn khách sạn hôm 21/4/2019 khiến ít nhất 258 người chết, hơn 500 người bị thương.

Baghdadi không thích lãnh đạo IS một cách công khai. Hắn ta không chỉ đạo các chiến dịch một cách chi tiết, không đích thân dẫn đắt các chiến binh vào trận đánh.

Baghdadi biến mình thành một thủ lĩnh tinh thần với các ý tưởng cực đoan lây lan như virus trên internet, nhằm vào những người đàn ông trẻ tuổi, mất phương hướng, lạc lối ở nhiều nơi trên thế giới, như Libya, Bỉ, Pháp…, biến họ thành những cỗ máy giết người.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.