Theo đơn thư bạn đọc

Khu sinh thái xây không phép giữa thành phố

Nhà sàn gỗ có gắn đá chỉ lối vào Khu sinh thái
Nhà sàn gỗ có gắn đá chỉ lối vào Khu sinh thái
TP - Báo Tiền Phong nhận được nhiều ý kiến bất bình của người dân về dự án “Khu sinh thái Không Gian Xưa” trị giá triệu đô, xây không phép cả quần thể khép kín giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột, tồn tại bất chấp các quy định liên quan.

Chưa bên nào cấp phép!

Hơn 1 năm trước, báo Tiền Phong ngày 5/6/2018 đã đăng bài “Chủ nhân công trình không phép khủng ở Đắk Lắk là ai?” phản ánh việc xây dựng trái phép cả quần thể công trình có tên là “Không Gian Xưa”, trên khu đất có bìa đỏ đứng tên bà Trần Lê Thúy Hằng, thượng úy đang công tác tại phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk. Cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng và UBND thành phố Buôn Ma Thuột chỉ đạo kiểm tra, làm rõ vấn đề báo Tiền Phong đã nêu.

Đáp ứng yêu cầu, ngày 20/6/2018 Sở Xây dựng có Báo cáo 385/BC-SXD, về “Kết quả kiểm tra, làm rõ nội dung báo điện tử Tiền Phong phản ánh”. Báo cáo 385 xác định: Tại thời điểm kiểm tra, Khu sinh thái Không Gian Xưa (KST KGX) đã có 7 nhà ở, hồ bơi; 6 nhà gỗ, nhà chòi lục giác; 5 ao hồ, 2 nhà hàng, 2 sân tennis, nhà kho, nhà để xe, nhà nuôi gà phần lớn xây trên đất nông nghiệp. Chủ đầu tư KST KGX là ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc Cty TNHH XD Nam Sơn.

Nguồn gốc đất KST KGX, do ông Quảng ký 5 hợp đồng thuê đất với 5 hộ dân, trên diện tích đất rộng gần 2,5 hecta này có 1.310m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm và ao hồ. Do xây không phép trên đất nông nghiệp, ngày 15/5/2018 UBND phường Tân Lợi đã phạt vi phạm hành chính và buộc ông Trần Xuân Quảng phải “khôi phục tình trạng của đất như trước khi vi phạm”.

Ngày 21/6/2018 UBND thành phố Buôn Ma Thuột cũng có Báo cáo số 193/BC-UBND về kết quả kiểm tra hiện trạng Dự án KST KGX với kết quả tương tự. Sau đó, UBND tỉnh có công văn số 5105/UBND-CN ngày 25/6 gửi Sở Xây dựng và UBND thành phố Buôn Ma Thuột, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các bên liên quan “xử lý các sai phạm (nếu có)” của công trình này.

Do dân chúng phản ánh KST KGX vẫn xây hoàn chỉnh, giữa tháng 10/2019 báo Tiền Phong tiếp tục làm việc với các bên liên quan. Phòng Quản lý đô thị UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk đều trả lời không rõ hiện trạng ra sao, chỉ biết chắc chắn tới nay vẫn chưa có bên nào cấp giấy phép đầu tư hay xây dựng cho KST KGX.  

 Ông Nguyễn Văn Chư - Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk khẳng định theo Quyết định số 44/2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký ban hành, quy định về thẩm quyền cấp phép, thì KST KGX không thuộc đối tượng cấp phép của Sở Xây dựng, vì không nằm trên tuyến phố chính nội thị có chỉ giới từ 22m trở lên, và công trình chưa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Xử lý thế nào với “Khu sinh thái” triệu đô?

Năm 2016 khi những bài báo đầu tiên đặt nghi vấn về chủ nhân công trình xây dựng không phép trên đất của nữ thượng úy công an, bà Trần Lê Thúy Hằng đã giải thích với phóng viên những công trình lớn dựng bằng gỗ trong KST KGX không thuộc quyền sở hữu của bà, mà do 2 người bạn khác “là anh Thiên và chị Kim” bỏ tiền đầu tư.

Ngày 11/10/2019, tại Văn phòng Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, nhóm phóng viên các báo quan tâm đến vụ này đã gặp ông Trần Xuân Quảng Giám đốc Cty TNHH XD Nam Sơn. Ông Quảng cho rằng từ sau lần bị phạt hành chính duy nhất với mức phạt 1,5 triệu đồng, ông không xây thêm, chỉ làm hoàn chỉnh tòa nhà ông đang ở trên phần đất của ông trong một góc KST KGX. Còn các công trình khác trong quần thể này đều đã được xây trước đó. Hồ sơ thiết kế dự án chưa trình duyệt được vì vướng về khoản vốn một triệu đô la Mỹ. Các phóng viên đề nghị ông Quảng đưa đi thực tế nhưng ông Quảng cáo bận.

 Khi được hỏi vì sao không thực hiện yêu cầu “khôi phục tình trạng của đất như trước khi vi phạm”? Bất ngờ, ông Quảng cho biết “Vụ này phức tạp quá nên tôi vừa quyết định hủy hợp đồng thuê đất, hủy luôn dự án, đã báo với các chủ đất. Phần tôi mất vào dự án vài trăm triệu, bỏ luôn cũng được. Các công trình khác trong khu này không phải của tôi”.  

Vậy rốt cục ai là chủ của quần thể công trình triệu đô này? Câu trả lời vẫn chưa có lời giải đáp từ các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk.  

MỚI - NÓNG