Ngẫm ngợi Lũng Cú

Đường mới làm cắt ngang cánh đồng Thèn Pả
Đường mới làm cắt ngang cánh đồng Thèn Pả
TP - Đối diện với một Lũng Cú tanh bành, toang hoác bâng khuâng nhớ nghĩ đến câu minh triết vi diệu của cha ông mình vi nhiên như nhiên (dựa theo cái lẽ tự nhiên mà tồn tại mà an lạc).

Đã nhiều lần lên tột Bắc Lũng Cú. Mỗi mùa Lũng Cú hút hồn du khách bằng những nét riêng. Cữ tận xuân sơ hạ thì hai bên đường những khúc cua khiến tốc độ xe chậm lại để đã nư con mắt rực sắc son của hoa gạo, phơn phớt sắc hồng của đào phai. Mùa hạ hay chớm hoặc chót thu thì sắc xanh ngằn ngặt của chè shan. Cuối đông thì loáng thoáng thứ trắng tinh khôi của hoa lê.

Nhưng mùa thu nay khác rồi!

Kỳ I: Mùa thu nay khác rồi

Ngược Lũng Cú lần này cách năm cây số xe bị ách lại để chờ nổ mìn. Nghe nói việc ngăn đường nổ mìn phá đá phá núi đã gần hai năm nay để thực thi đại dự án có tên là Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú.

Phải dừng xe để chú mục vào những dòng của dự án khủng.

Theo quyết định được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, Tập đoàn Phúc Lộc sẽ đầu tư xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn) với tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha, tổng mức đầu tư khoảng 889 tỷ đồng, xây dựng các công trình tâm linh; khu nhà khách; khu dịch vụ...

Hiện Tập đoàn Phúc Lộc cơ bản xây xong các hạng mục chùa. Con đường rộng 33m, dài 1,7km qua cánh đồng vào chùa đã giải phóng mặt bằng, tôn mặt đường xong. Đền Hộ Quốc cũng đang được xây dựng, hạng mục đại tượng Phật hiện chưa khởi động.

…Dự án này gồm ba hạng mục chùa, đền, đại tượng Phật nằm ở ba phía Lũng Cú, tạo thành thế chân vạc bao quanh cột cờ. Ba hạng mục đều tựa lưng vào núi, quay mặt vào cột cờ quốc gia và mở đường đi tới cột cờ. Như vậy, ba hạng mục của dự án du lịch đã ôm lấy ba mặt của núi Rồng nơi có cột cờ Lũng Cú. Mặt thứ 4 chính là công trình bảo vệ biên giới tại trung tâm xã Lũng Cú nằm ở phía nam.

Lây rây chỉ chút mưa cũng đủ cho thứ đất đỏ quạch nhão nhoét, bết bát. Trước mặt chúng tôi một đại công trường mênh mông kéo từ chân ngọn núi bên cạnh Cột cờ Lũng Cú kéo tuột qua cánh đồng Thèn Pả. Thẻn Pả tiếng Mông là làm ruộng. Một khoảng đồng bằng địa hình hiếm có trời ban cho lọt thỏm giữa chập chùng chất ngất của xứ cao nguyên đá. Hằng bao đời những khoảng ruộng nước Thèn Pả chuyên chế ra thứ gạo trắng thơm. Nhưng ba mùa nay từ khi có dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh những thửa đất nục nạc của hiếm xứ cao nguyên đá phải nhường chỗ cho đại lộ rộng 33 mét dài 1,7 cây số dẫn vào Khu du lịch tâm linh.  

Đi cho hết 9 thôn của Lũng Cú những Lô Lô Chải, Seo Lủng, Tả Giao Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn thì phải hai ngày. Nhưng chúng tôi chỉ loanh quanh ở khu vực đang tanh bành tan hoang của một Thèn Pả cũng đủ hoa mắt.

Ngang dọc cả buổi ở Thèn Pả, có nghe loáng thoáng rằng trước khi triển khai đại dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh tại mảnh đất thiêng dưới chân cột cờ Lũng Cú này địa phương đã hỏi ý kiến và được sự tư vấn của nhiều nhà nghiên cứu trong đó có GS sử học Lê Văn Lan!?

Ngẫm ngợi Lũng Cú ảnh 1 Những công trình đang mọc lên nham nhở

Chúng tôi may mắn gặp lại ông Hoàng Văn Kiên, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Giang. Ông Kiên cho biết, GS sử học Lê Văn Lan có chuyến lên Lũng Cú từ đầu năm 2015. Khi được hỏi là nên xây cất chùa chiền miếu mạo gì ở khu vực này thì giáo sư Lan có góp ý là chỉ nên xây Đền thờ Lý Thường Kiệt với quy mô khiêm nhường nho nhỏ thôi, theo thế phong thủy hậu sơn tiền thủy lưng Đền tựa núi và mặt tiền Đền hướng xuống hồ Mắt Rồng có tự bao đời nay dưới chân cột cờ Lũng Cú!

(Về Hà Nội đến con phố nhỏ bên hông chợ Hàng Da, chúng tôi quen lối hơn ba mươi sải chân ngắn vào lối đi chật chội rồi rẽ trái đúng 21 bậc cầu thang gỗ ọp ẹp để lên căn phòng 6 mét vuông trên gác 2 là nơi ở của GS Lê Văn Lan. Cô cháu nội giáo sư ra dấu nói khẽ vì giáo sư đang bị sốt xuất huyết để giáo sư nghỉ. Hôm sau điện thoại lại thì được biết nội dung tư vấn năm ấy của giáo sư cũng gần như thông tin của ông cựu GĐ Sở Văn hóa Hà Giang!).

Cố ghìm nhịp thở khi leo lên khoảng mặt bằng nham nhở của lưng chừng ngọn núi vừa bị vạc, nơi tọa lạc song song hai ngôi nhà bề thế mới dựng ngó sang vuông cờ Lũng Cú đang huyền ảo trong màn sương mây. Không biết nên gọi nhị vị đây là chùa hay đền? Cột gỗ lim sừng sững, giăng chằn chặn. Ngước lên gian giữa, rờ rỡ hai mươi sáu chữ đề trên mặt thượng lương. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… niên thập nhị nguyệt cửu nhật… thụ trụ thượng lương đại cát.Đủ 26 chữ rơi vào chữ lão (sinh, lão, bệnh, tử) trong phép viết thượng lương là sinh nhà lão chùa!

Chắc có lẽ vội cho kịp tiến độ hay cơn cớ nào khác nên người viết đã nhầm chữ lương là lành thay vì chữ lương chỉ cái xà nhà!? Thượng lương chứ chả phải thượng… lành! Còn hai mặt cái câu đầu châu tuần mé dưới thượng lương ngó thấy là lạ? Bởi có những bảy chữ thay vì năm chữ như vẫn thường thấy? Nhưng ở đây là hai câu khuyến tu vẫn thường được nghe. Chí công tu đạo thiên đại phúc/ Thành tâm niệm Phật vạn niên khang. Thiển nghĩ tại vị trí đắc địa linh thiêng nơi tột Bắc của đất nước nên có chữ với những ngữ nghĩa thông tuệ nào đó, khẳng định vị thế linh thiêng hay khích lệ lòng yêu nước, tự hào dân tộc thay vì câu khuyến tu? Đến đây chỉ lãnh hai chức phận chỉ có tu niệm thôi sao? Mà nữa, chữ thành ai đó viết trên câu đầu thiếu hẳn một bộ ngôn? Thành tâm khác với thành, như thành lập thành tích thành quả… chẳng hạn?

Đối diện với một Lũng Cú tanh bành, toang hoác bâng khuâng nhớ nghĩ đến câu minh triết vi diệu của cha ông mình vi nhiên như nhiên (dựa theo cái lẽ tự nhiên mà tồn tại mà an lạc). Nơi quần cư, ăn ở xóm làng. nơi thờ phượng chùa chiền đều nép mình khiêm nhường bên thế hùng vĩ của sông núi nước Nam. Thông điệp về môi trường của tiền nhân đấy. Cho nên cái câu thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn có khi phải xem lại.  Lại có câu Tùy duyên phương tiện. Cái câu ấy đĩnh đạc ở mặt tiền chùa Quán Sứ bao năm rồi.

Chùa không cứ phải to, phải lớn, phải bạt núi phá sông để tạo dựng. Không cứ phải bạt đi non một ngọn núi và vạt đi cả một cánh đồng như ở miền đất thiêng tột Bắc này để niệmtu mới là đắc đạo!? Câu ấy còn rành rẽ thêm thông điệp dân gian lễ bạc tâm thành. Chỉ có cái tâm mới là trọng còn lễ vật dù chỉ chén nước lã nhưng tâm thành thì Cao Xanh Linh Thiêng vời vợi kia sẽ thấu hiểu.

(Còn nữa)

Ngoài khu chùa, đền chiếm một khoảng núi trên 70 ha. Lại còn tượng Phật gì đó siêu to khổng lồ, theo quy hoạch lẫn kế hoạch  chiếm trên 4,5ha sẽ được đặt đâu đây? Ngài bằng chất liệu gì? Kích cỡ bao nhiêu, nghe nói người ta đương còn tính?

MỚI - NÓNG