66 năm, báo Tiền Phong ra số đầu tiên

Mỏ dầu Đại Hùng và lần thứ ba báo Tiền Phong bị khởi tố

Giàn khai thác dầu tại mỏ Đại Hùng Ảnh: PVN
Giàn khai thác dầu tại mỏ Đại Hùng Ảnh: PVN
TP - Trong 36 năm công tác tại báo Tiền Phong, tôi đã can dự và tham gia giải quyết ba vụ khởi tố liên quan đến tờ báo.

Vụ thứ nhất xảy ra cuối năm 1988. Một phóng viên Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM bị khởi tố vì một bài viết về nạn video đen đang lan tràn khắp thành phố. Khi ấy đất nước ta  mới bắt đầu mở cửa và hội nhập với thế giới, nạn video bạo lực và khiêu dâm (mọi người thường gọi là video đen) diễn ra khắp nơi gây nhức nhối. Bài viết của  phóng viên nhằm phản ánh và lên án vấn nạn này.

Những hiện tượng mà bài báo nhắc đến là có thật song lại thiếu một địa chỉ cụ thể, chỉ nói  là diễn ra ở một số tụ điểm trên đường Hoàng Hoa Thám, mà trên đường này chủ yếu là gia đình các cán bộ của một đơn vị bộ đội đang sinh sống. Vậy là đơn vị đó quyết định khởi tố vụ án.

Trong phiên xử sơ thẩm, có một tình tiết nhiều người nhớ mãi, ấy là khi luật sư bào chữa nhấn mạnh rằng, chưa có điều luật nào cho phép đơn vị đứng ra điều tra khởi tố vụ án khi chưa có ủy quyền hay tố cáo của những người bị hại (vì bài báo có nêu tên một bị hại cụ thể nào đâu), thì vị đại diện Viện KS quân khu tuyên bố một câu “xanh rờn”:  Chưa có luật thì cứ xử đi rồi sẽ có luật. Nhắc lại điều này để thấy thời đó luật pháp và những người thực thi pháp luật của chúng ta  còn sơ khai như thế nào.

 Cuối năm 1989, mặc dù tôi đã vào công  tác ở báo Thanh Niên, vẫn được tổng biên tập Dương Xuân Nam ủy quyền thay mặt lãnh đạo báo Tiền Phong dự phiên xử phúc thẩm. Kết quả là với sự đấu tranh của công luận, tác giả bài báo về nạn video đen chỉ bị cấm hành nghề và thu hồi thẻ nhà báo 12 tháng.

Mỏ dầu Đại Hùng và lần thứ ba báo Tiền Phong bị khởi tố ảnh 1 Nguyên Phó Tổng biên tập Lương Ngọc Bộ (bìa trái) và nhà báo Xuân Ba (bìa phải) trong lần gặp gỡ tại báo Tiền Phong    Ảnh: Như Ý

 Hai vụ tiếp theo, báo Tiền Phong đều là đối tượng trực tiếp bị khởi tố. Vụ khởi tố liên quan đến bài “Ổng đã biến xe công thành xe tư…” xẩy ra vào năm 1994, tôi đã có dịp thông tin đến bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 65 năm Tiền Phong ra số báo đầu tiên -  năm 2018. Còn vụ thứ ba liên quan đến bài viết “Mớ bùng nhùng quanh mỏ dầu Đại Hùng” xẩy ra hai năm sau đó. Hai bài báo này tôi là người trực tiếp chỉ đạo và duyệt bài, tác giả  của nó cũng lại là Xuân Ba nên nhiều phen anh em tôi, nhất là Xuân Ba “lên bờ xuống ruộng”.

 Số báo có bài “mớ bùng nhùng…”  in vào khoảng giữa tháng 5/1996  phát hành được vài ngày thì có lệnh khởi tố: Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an quyết định khởi tố vụ làm lộ bí mật Nhà nước xảy ra ở báo Tiền Phong… Vì quá bất ngờ nên chúng tôi không kịp cho “phóng viên đi công tác miền Trung như lần trước” mà chọn phương án đối mặt với cơ quan điều tra.Vả lại cũng bởi vì một khi Bộ công an đã khởi tố thì còn có thể đi đâu được.

 Việc lập Hội đồng tư vấn pháp luật cũng không thực hiện như lần trước được vì lần này “Thủ tướng yêu cầu…” thì liệu có ai dám tham gia Hội đồng. Vì vậy Tổng Biên tập và tôi phân công nhau đi tham vấn các thành viên đã từng giúp chúng tôi. Bài báo” Mớ bùng nhùng quanh mỏ dầu Đại Hùng” chủ yếu phản ánh và phê phán những khuất tất về tài chính ở đây và việc ký kết với một Cty dầu khí nước ngoài gây thiệt hại cho đất nước. Vậy đâu là bí mật nhà nước bị tiết lộ? Chẳng lẽ vụ bê bối về tài chính  là bí mật? Mọi người đều hướng vào việc ký hợp đồng với cty dầu khí nước ngoài. Khi ấy những quy định về bí mật Nhà nước không được chi tiết và công khai như bây giờ nên rất khó lường.

 Ngay sau lệnh khởi tố là giấy triệu tập lấy lời khai của Cục An ninh điều tra Bộ Công an. Đồng chí Tổng Biên tập do sức yếu nên chỉ bị triệu tập một lần, còn tôi và Xuân Ba thì bị gọi dài dài…Tôi thường mỗi tuần bị triệu tập một lần, còn Xuân Ba thì không kể.Hai buổi đầu thẩm vấn cũng chỉ quanh vấn đề động cơ, mục đích và quy trình để in một bài báo, ai viết bài, ai duyệt cho đăng… Mọi sự đều đã rõ ràng, không thấy nhắc gì tới chuyện bài viết không chính xác hay lộ bí mật ở điểm nào.Việc lập và ký biên bản hai ngày gần như giống nhau, có lẽ chỉ là thủ tục.

Nhưng từ ngày thứ ba trở đi thì khác, bắt đầu có những câu hỏi liên quan đến tài liệu và người cung cấp tài liệu. Tôi mơ hồ  nhận thấy mục đích việc khởi tố không phải vì lộ bí mật nhà nước mà là nhằm tìm ra người cung cấp tài liệu cho phóng viên. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, chẳng lẽ để tìm nguồn tin, người ta lỡ khởi tố cả một  tờ báo với những bài báo có lợi cho đất nước? Vì vậy tôi vẫn đi theo hướng chứng minh tờ báo không làm lộ bí mật quốc gia.

 Thật may, sau hơn hai tuần bị khởi tố, bất ngờ, một bạn đọc của báo mà tôi không biết tên gọi điện cho tôi nói rằng, anh đã đọc được ở đâu đó thông tin về việc ký kết khai thác mỏ dầu Đại Hùng… Ở đâu được nhỉ? Khi ấy chỉ có TTXVN là nơi có nhiều thông tin nhất. Lãnh đạo báo chúng tôi hàng ngày vẫn được mua bản tin mật và tài liệu mật do TTXVN phát hành.

 Vậy là tôi lao vào tìm, trước tiên là các bản tin mật. Ban ngày tìm ở cơ quan, tối mang tin về nhà tìm. Nhiều lắm, bản tin từ mấy tháng trước dồn lại! Lại thêm một lần may mắn nữa, như có “quý nhân phù trợ”, vào đêm thứ ba sau hơn một tuần tìm kiếm, tôi đã tìm thấy tin:  Lãnh đạo Cty dầu khí nước ngoài kia đã họp báo ở Singapore công bố việc ký kết với mỏ dầu Đại Hùng.

 Ôi! Mừng làm sao. Cả đêm ấy tôi không ngủ, phần vì mừng quá, phần vì phải thảo gấp công văn để sáng mai, Tổng Biên tập ký gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ CA, Viện KSND tối cao, Trung ương Đoàn và Hội Nhà báo Việt Nam. Cẩn thận chúng tôi còn gửi kèm theo mỗi công văn bản phô tô tin của TTXVN để khẳng định  rằng việc báo nêu đâu còn là bí mật Nhà nước nữa.

 Tưởng vậy là êm, nhưng không! Việc triệu tập tôi và Xuân Ba vẫn tiếp tục. Đến đây thì tôi không còn mơ hồ nữa mà tin chắc việc khởi tố làm lộ bí mật Nhà nước chỉ là cái cớ.

 Đang khi căng thẳng, chúng tôi lại bất ngờ phải tiếp một vị khách không mời mà đến. Đó là Tổng giám đốc Cty Dầu khí đã ký với mỏ dầu Đại Hùng. Ấy là vào một ngày cuối tuần sau gần hai tháng bị khởi tố, tôi đang có việc riêng ở nhà thì nhận được điện của Tổng Biên tập: Ông đến ngay cơ quan, có lãnh đạo Cty Dầu khí muốn gặp, tôi đã cử ông Minh tiếp (anh Nguyễn Văn Minh cũng là Phó Tổng biên tập, đã mất năm 2000) nhưng ông ta không đồng ý… Tôi gọi cho Minh hỏi cụ thể, Minh bảo: Tay này ngạo mạn lắm, đưa danh thiếp hắn không nhận, tôi nói tôi không duyệt bài báo này thì hắn yêu cầu làm việc với Tổng Biên tập hoặc người trực tiếp duyệt bài. -  Được để tôi!

 Tôi vội đến tòa soạn làm việc cùng với Đại Phượng (PV ban quốc tế vừa từ TTXVN chuyển về, sau này là Trưởng ban Quốc tế của báo). Biết thái độ của vị khách như vậy nên khi gặp chúng tôi không bắt tay và cũng không đưa danh thiếp, vào đề luôn: Ông gặp chúng tôi có chuyện gì? Ông ta cứ lòng vòng giải thích việc ký kết, thỏa thuận về quyền lợi hai bên, rồi vì sao các anh lại đưa chuyện này ra, như vậy là tiết lộ bí mật nên đã bị khởi tố… Nghe đến đây, không để ông ta nói thêm tôi chặn luôn: Chính ông mới là người tiết lộ trước bí mật hợp đồng này! Ông có nhớ vào ngày này…, ở Singapore ông đã cho họp báo và công bố việc ký kết với mỏ dầu Đại Hùng không?

 Thấy thái độ lúng túng của ông ta, tôi “bồi” luôn: Nếu ông không phản đối, tôi sẽ cho ghi âm cuộc trao đổi này để sáng mai in trên báo Tiền Phong. Ông ta vẫn im lặng, càng bối rối hơn. Thấy vậy người đi cùng đỡ lời: không cần đâu, có lẽ chúng ta còn ít thông tin về nhau, từ nay về sau hai bên nên có tiếp xúc nhiều hơn… - Đồng ý! Nếu các ông có thiện chí. Nói vậy rồi chúng tôi ra khỏi phòng, không bắt tay và cũng không tiễn khách.

Mỏ dầu Đại Hùng và lần thứ ba báo Tiền Phong bị khởi tố ảnh 2 Nguyên Phó Tổng biên tập Lương Ngọc Bộ gặp mặt các thế hệ làm báo Tiền Phong nhân kỷ niệm 66 năm ngày ra số báo đầu tiên 1953-2019  Ảnh: Như Ý

 Khoảng hơn hai tháng sau khởi tố, cơ quan điều tra vẫn chưa khai thác được người cung cấp tài liệu nên Viện KSND Tối cao có quyết định yêu cầu báo và tác giả cung cấp danh tính nguồn tin. Vậy là điều chúng tôi lo lắng nhất đã xảy ra! Có lẽ đây là quyết định duy nhất trong suốt 50 năm qua mà tôi biết, nếu không nói là duy nhất trong suốt lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

 Đối với người làm báo, bí mật nguồn tin vừa là nguyên tắc vừa là đạo lý. Bạn đọc có tin mình mới cung cấp thông tin, mới gửi gắm những bức xúc mong được làm sáng tỏ. Vậy mà mình lại tiết lộ danh tính họ có khác gì hại họ và phản bội lòng tin của bạn đọc.

Dự đoán trước sẽ có yêu cầu trên của Viện KS nên chúng tôi chuẩn bị nhiều phương án trả lời, song cuối cùng phương án của Xuân Ba nghe “có lý” nhất: Tác giả nhận được tài liệu gửi đích danh qua đường bưu điện đến toà soạn. Vì là tài liệu phô tô nên đã mất cả tháng trời điều tra, tìm hiểu. Bằng nghiệp vụ và linh cảm của người làm báo, tác giả tin vào tính chính xác của các tài liệu này và những phân tích của người gửi (khuyết danh). Đây là vấn đề lớn nên không thể im lặng…

 Tổng Biên tập ký công văn trả lời Viện KSNDTC kèm theo tường trình của phóng viên. Sau đó việc triệu tập lấy lời khai cả tôi và Xuân Ba cứ thưa dần, đến hết năm thì ngưng hẳn.Có lẽ các cơ quan chức năng thấy vấn đề cũng không nghiêm trọng và việc truy tìm danh tính nguồn tin cũng khó mà đạt được nên đã… cho qua.

 Vài năm sau, hợp đồng không được thực hiện vì nhiều ý kiến phản đối và cái  mớ bùng nhùng ở mỏ dầu Đại Hùng bị vỡ, hàng loạt  cán bộ lãnh đạo ở đây phải đối diện với pháp luật. Nghe đâu cả người từng tư vấn cho Thủ tướng yêu cầu khởi tố báo Tiền Phong cũng bị “ dính” trong vụ này.

Kỷ niệm  về những năm tháng làm báo ở Tiền Phong thì nhiều lắm. Riêng những vụ khởi tố trên đã giúp chúng tôi thận trọng hơn, tỉnh táo hơn và cũng… khôn ngoan hơn. Và sau những lần “tai qua nạn khỏi”  ấy chúng tôi cảm thấy hưng phấn và nhẹ nhõm hơn vì mình vừa đưa lên công luận được những vấn đề bức xúc của xã hội, vừa nâng cao uy tín cho tờ báo và vẫn giữ được an toàn cho chính mình.

Trường An

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.