Sáp nhập huyện, xã, bao nhiêu cán bộ 'mất ghế'?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
TPO - “Ai cũng đều có chỗ đứng của mình dưới ánh nắng mặt trời. Tư duy “mất ghế” bây giờ đã cũ và cổ quá rồi, vì chúng ta không làm ở chỗ này thì sẽ làm ở chỗ khác. Còn lo ngại mất vị trí, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên cũng không có…”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi với Tiền phong về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.  

Tư duy “mất ghế” đã cũ

Bộ Nội vụ cùng các địa phương đã và đang hoàn tất các Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để trình cấp có thẩm quyền. Là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện chủ trương này, theo ông đâu là những khó khăn vướng mắc nhất trong quá trình thực hiện sáp nhập huyện, xã?

Có thể nói, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư. Bây giờ người ta đang làm việc, mỗi cán bộ, công chức đều đang ở một ví trí công tác như vậy, khi tiến hành sáp nhập phải sắp xếp lại, phải thay đổi vị trí công tác, có trường hợp phải giải quyết cho nghỉ, cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế. Vì vậy, cần phải tiến hành và giải quyết làm sao cho thỏa đáng, có tình có lý, được cả cái chung và cái riêng.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ giúp cho tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm được số lượng lớn cán bộ, công chức cấp xã, giảm được gánh nặng của Ngân sách nhà nước. Nhưng trong sắp xếp, số cán bộ, công chức dôi dư cũng phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng, thông qua việc xem xét tuyển chọn, bố trí những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào các vị trí còn thiếu ở các đơn vị hành chính khác, ở các sở ngành, hoặc giải quyết tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển công tác khác…

Đó là cái khó nhất trong việc thực hiện chủ trương này, để bảo đảm ổn định. Việc sắp xếp này khi tiến hành không phải chỉ vận động người dân mà còn phải vận động cả cán bộ công chức, giúp họ đả thông được tư tưởng, yên tâm công tác, yên tâm trong việc tham gia vào việc sáp nhập này.

Sơ bộ có bao nhiêu tỉnh đã được phê duyệt và dự báo khoảng bao nhiêu cán bộ công chức, viên chức dôi dư, thưa ông?

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh là Thanh Hóa, Hải Dương, Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận, Lạng Sơn. Qua đó, đã giảm được 209 đơn vị hành chính cấp xã. Chính phủ sẽ tiếp tục trình Đề án của các tỉnh còn lại trong thời gian tới.

Đợt sắp xếp này (2019-2021), có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 564 đơn vị hành chính cấp xã. Bộ Nội vụ đã thẩm định được 38 địa phương, đã trình Chính phủ được 24 địa phương. Nếu kết thúc đợt sáp nhập này thì đến trước năm 2022 sẽ giảm được khoảng gần 10.000 cán bộ, công chức và khoảng gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách. 

Tuy nhiên, giảm ở đây không phải đơn thuần là đưa hết ra khỏi công vụ bằng các chính sách tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu...mà rất nhiều cán bộ, công chức dôi dư sẽ được bố trí hoặc xem xét, tuyển dụng về công tác ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phù hợp với trình độ, năng lực và phẩm chất của từng người.

Họ có thể được tuyển dụng, được điều chuyển lên các cơ quan cấp huyện, hoặc có thể sang địa bàn xã khác còn đang thiếu biên chế, cũng có thể tuyển dụng vào các sở, ngành. Và Đề án tổng thể của bất kỳ địa phương nào cũng đều phải có phương án sắp xếp, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư với các giải pháp cụ thể, rõ ràng.

Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập, cán bộ, công chức ở các huyện, xã sáp nhập đều tâm tư khi thực hiện sáp nhập. Bởi vì lo sẽ bị ảnh hưởng đến chế độ tiền lương, có thể gây xáo trộn vì thay đổi nơi làm việc, cũng có thể không còn làm việc, thậm chí nhiều người lo mất ghế, đang làm cán bộ quản lý lại xuống làm nhân viên… 

Tuy nhiên, chế độ chính sách tiền lương của cán bộ, công chức thì vẫn phải thực hiện theo quy định nhà nước. Anh làm việc gì thì hưởng lương theo công việc đó, theo đúng quy định của pháp luật. Rồi các loại phụ cấp đang được hưởng, họ cũng tiếp tục hưởng cho tới hết năm 2021, sau đó Nhà nước sẽ xem xét để quy định lại cho phù hợp.

Còn về “ghế” thì không ai bị mất cả. Ai cũng đều có chỗ đứng của mình dưới ánh nắng mặt trời. Tư duy “mất ghế” bây giờ đã cũ và cổ quá rồi, vì chúng ta không làm ở chỗ này thì sẽ làm ở chỗ khác. Còn lo ngại mất vị trí, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên cũng không có. Bởi khi sáp nhập, mỗi Đề án đều có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó trong từng đơn vị hành chính theo đúng quy định, số dôi dư (kể cả lãnh đạo) đều được tính toán để bố trí, giải quyết phù hợp.

Sáp nhập huyện, xã, bao nhiêu cán bộ 'mất ghế'? ảnh 1 Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi sáp nhập huyện, xã. Ảnh Như Ý

Không gây phiền hà, khó khăn cho người dân

Tại các phiên họp, một số đại biểu trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu khi sáp nhập các đơn vị hành chính, không để gây thất thoát tài sản Nhà nước, đồng thời hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng và không gây xáo trộn cuộc cống của người dân?

Toàn bộ vấn đề này đều được thể hiện cụ thể trong đề án bằng các phương án khác nhau. Trong đó, khi sáp nhập, hình thành các đơn vị hành chính mới dù là cấp huyện, hay cấp xã thì đều không có địa phương nào xây dựng thêm trụ sở mới, mà đều sử dụng các trụ sở đã có sẵn để làm việc, còn các trụ sở khác không dùng đến thì thực hiện việc xử lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; việc sắp xếp các đơn vị hành chính đều có các giải pháp không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, không làm khó khăn cho người dân trong vấn đề thực hiện các nhu cầu của mình, ví dụ về giải quyết giấy tờ, giấy khai sinh, địa chỉ nơi thường trú, hộ khẩu…

Tất cả những vấn đề đó đều được thể hiện trong đề án tổng thể. Mỗi tỉnh có một phương án riêng cho phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, nhưng phải đảm bảo yêu cầu chung là không gây phiền hà, khó khăn cho người dân, mà sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện các nhu cầu thủ tục của mình.

Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trước mắt, người dân vẫn thực hiện theo giấy tờ hiện hành. Khi có địa danh mới, nếu người dân cần đổi thì chính quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thay đổi này.

Thời gian tuy ngắn nhưng lượng công việc thì rất lớn. Đặc biệt hiện vẫn còn 35 tỉnh chưa hoàn tất và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải đốc thúc thực hiện, và hoàn tất trong tháng 12 tới. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan. Ông có chia sẻ gì về việc này?

Bộ Nội vụ và các Bộ ngành có liên quan luôn đồng hành cùng các địa phương tập trung làm ngày làm đêm để hoàn thành theo đúng tiến độ, chứ không chỉ ngồi chờ địa phương gửi đề án lên. Với những địa phương gặp khó khăn trong quá trình xây dựng các phương án thì Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành cũng về cùng làm việc, cùng nhau trao đổi, tháo gỡ và đưa ra các giải pháp phù hợp nhất. Làm sao vừa đúng quy định của Đảng, Nhà nước nhưng đồng thời cũng phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Hiện cơ bản Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ trên 24 địa phương, thẩm định được 38 địa phương. Hiện nay chỉ còn khoảng 5- 7 địa phương chưa gửi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính về cho Bộ nội vụ. Nếu địa phương gửi về, chúng tôi sẽ thẩm định và trình Chính phủ luôn. Chúng tôi luôn quyết tâm và cùng anh em làm ngày làm đêm, thậm chí làm cả thứ bảy, chủ nhật để hoàn tất việc thực hiện chủ trương này.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG