Sở Xây dựng nói gì về dự án 150 tỷ bơm nước 'rửa' sông Tô Lịch

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án có nhiều ưu điểm, tổng thể hơn so với công nghệ xử lý ô nhiễm sục Nano – Bioreactor (Nhật Bản)
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án có nhiều ưu điểm, tổng thể hơn so với công nghệ xử lý ô nhiễm sục Nano – Bioreactor (Nhật Bản)
TPO - Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã nhận được đề xuất dự án bơm nước sông Hồng vào hồ Tây và rửa sông Tô Lịch với mức đầu tư 150 tỷ đồng nhưng có một số nội dung phải xem xét, thẩm tra kỹ.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều nay, TS Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cho biết, ông vừa thay mặt 3 đơn vị tổ chức hội thảo về đề xuất dự án lấy nước sông Hồng để cải thiện môi trường nước hồ Tây, sông Tô Lịch, ký văn bản kết luận buổi hội thảo để gửi Thường trực Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, buổi hội thảo đã ghi nhận 8 tham luận, 12 ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học về đề xuất dự án trên.

“Nhìn chung, các ý kiến, tham luận đều ủng hộ dự án. Tuy nhiên, dự án còn một số tồn tại, do vậy đơn vị xây đề xuất án là Công ty TNHH MTV Thoát nước (Công ty Thoát nước) Hà Nội cần bổ sung, hoàn thiện, trong đó có việc cần đánh giá tác động môi trường (cả 3 con sông có liên quan), khả năng khai thác không gian công cộng khu vực xung quanh…”, ông Lợi nhấn mạnh.

Cũng trong chiều 25/11, cho ý kiến về quá trình thẩm định, đánh giá về dự án để trình UBND thành phố Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được đề xuất dự án của Công ty Thoát nước Hà Nội. Tuy nhiên, có một số nội dung thực hiện Sở Xây dựng đang phải xem xét, thẩm tra kỹ.

Phóng viên đề cập đến việc, dự án chưa có đánh giá tác động môi trường cũng như tác động đến 3 con sông có liên quan là sông Lừ, sông Sét, sông Nhuệ khi bị nước sông Tô Lịch đùn vào, đại diện Sở Xây dựng cho biết, cùng với làm đập tràn giữ mực nước ổn định cho sông Tô Lịch, phía cuối dòng sông Lừ chảy vào sông Tô Lịch ở khu vực cầu Dậu (Thanh Trì), đơn vị thực hiện dự án cũng phải làm đập tràn ngăn nước từ sông Tô Lịch chảy ngược vào sông Lừ - tiến sâu vào nội đô.    

Ưu điểm hơn so với Bioreactor (Nhật Bản)?

Đánh giá dự án có những ưu điểm gì nổi trội so với việc xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch và hồ Tây theo công nghệ sục Nano – Bioreactor (Nhật Bản) vừa qua, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, công nghệ sục Nano – Bioreactor chỉ giải quyết cục bộ một đoạn sông cũng như một góc hồ Tây. Phương án này cũng phải đảm bảo nguồn cung cấp hóa chất từ nước ngoài luôn ổn định về nguồn cung và tài chính.

Sở Xây dựng nói gì về dự án 150 tỷ bơm nước 'rửa' sông Tô Lịch ảnh 1 Ngoài xử lý ô nhiễm, dự án lấy nước sông Hồng được kỳ vọng sẽ mang diện mạo mới cho hồ Tây, sông Tô Lịch. Ảnh: Anh Trọng

Điều quan trọng hơn nữa, giải pháp này không đảm bảo tính ổn định, bền vững lâu dài và chưa thể hiện được khả năng triển khai rộng trên cả dòng sông và hồ rộng hớn như hồ Tây. 

“Với giải pháp bơm nước từ sông Hồng vào, đây là phương án vừa có trong quy hoạch đã được Thủ tướng cho phép, vừa không phải vận hành hệ thống phù trợ (trạm bơm, cống cao áp) khi mực nước hồ Tây và sông Tô Lịch đã được duy trì ổn định, tiết kiệm chi phí”, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Để bổ cập nước hồ Tây và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại sông Tô Lịch, từ năm 2012 UBND thành phố Hà Nội đã giao cho các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện. Qua lần hoàn thiện mới đây và dự án được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo.

Tuy ủng hộ, nhưng cho ý kiến đánh giá về dự án, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần có đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là nước từ sông Tô Lịch sẽ đùn vào 3 con sông có liên quan.

MỚI - NÓNG