Vì sao Cao Bằng liên tục có động đất?

Tâm chấn trận động đất lúc 6h49 phút sáng nay tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng (ảnh nhỏ)
Tâm chấn trận động đất lúc 6h49 phút sáng nay tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng (ảnh nhỏ)
TPO - Trong 4 ngày, bảy trận động đất liên tiếp xảy ra ở Cao Bằng, hai trong số đó gây rung chấn cho thủ đô Hà Nội khiến nhiều người lo ngại, nhất là những người sống ở chung cư cũ, xuống cấp. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, động đất ở Cao Bằng sẽ không ảnh hưởng lớn đến Hà Nội trong khi tại Hà Nội, nguy cơ động đất không cao.

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, chỉ trong sáng nay, hai trận động đất đã xảy ra tại biên giới phía Bắc nước ta. Trận thứ nhất xảy ra lúc 6h49 phút 50 giây sáng nay (theo giờ Hà Nội)  với độ mạnh 4,7 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km tại huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Lúc 8h4 phút 22 giây, thêm một trận động đất 3 độ richter xảy ra tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Trùng Khánh 1km.

Trước đó trong ngày 25-26/11, năm trận động đất đã xảy ra tại khu vực này, trận mạnh nhất 5,4 độ richter khiến Hà Nội và nhiều các tỉnh phía Bắc rung chấn.

Như vậy, chỉ trong thời 4 ngày đã leien tiếp xảy ra đến 7 trận động đất ở Cao Bằng. Tại sao lại có hiện tượng động đất liên tục như vậy?

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, khu vực xảy ra động đất thuộc đới đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên. Các trận động đất liên tiếp cho thấy, đới đứt gãy này đang hoạt động mạnh, nhất là khu vực đầu đứt gãy ở địa phận Cao Bằng-Lạng Sơn.

Trước câu hỏi, động đất liên tiếp xảy ra có liên quan đến tích nước hồ chưa của các công trình thủy điện? PGS Triều cho biết, đới đứt gãy Cao Bằng-Tiêu Yên giáp biên giới phía Bắc, cách khá xa nơi có các công trình thủy điện ở Cao Bằng. Đây là đới đứt gãy có hoạt động khá mạnh. Trước đây nhiều trận động đất đã xảy ra ở khu vực này, trong đó có những trận hơn 5 độ richter.

PGS Triều nhận định, các trận động đất tiếp theo vẫn có thể xảy ra. Nếu động đất 5,4 độ richter là chủ chấn thì những trận động đất tiếp theo sẽ nhỏ hơn 5,4 độ richter. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp có trận động đất mạnh hơn nữa ở khu vực này. Vì vậy, các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, các nghiên cứu về đới đứt gãy này cho thấy, động đất mạnh nhất sẽ không vượt quá 6 độ richter. Vì vậy, ảnh hưởng đến thủ đô Hà Nội - nơi có nhiều công trình xây dựng xuống cấp là không đáng lo ngại.

Tại Thủ đô Hà Nội, theo PGS Cao Đình Triều, nguy cơ xảy ra động đất rất thấp. TP Hà Nội đã lắp đặt hệ thống giám sát động đất nhiều năm qua nhưng hầu như không ghi nhận động đất.

Nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng- sông Chảy, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra năm 1285.

Theo PGS Cao Đình Triều, Hà Nội lại nằm ở cuối đứt gãy sông Hồng- sông Chảy nên nguy cơ động đất là khá thấp.

MỚI - NÓNG