Giáo viên hợp đồng Hà Nội lại kêu cứu Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân

Đơn kêu cứu của tập thể 94 giáo viên hợp đồng của thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Đơn kêu cứu của tập thể 94 giáo viên hợp đồng của thị xã Sơn Tây, Hà Nội
TPO - Hôm qua 2/12, đại diện cho 94 giáo viên hợp đồng trước 31/12/2015 của Thị xã Sơn Tây, Hà Nội lại có đơn kêu cứu gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Trao đổi với Tiền Phong, thầy Nguyễn Viết Tiến, nguyên giáo viên hợp đồng trường THCS Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây cho biết, đến thời điểm này lần lượt đã có 5/8 quận, huyện xét tuyển báo điểm là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Vì, Mỹ Đức và Cầu giấy. Vậy là thành phố đã dần hoàn tất kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019. Nhưng đến thời điểm này các thí sinh vẫn chưa biết số phận cụ thể của mình ra sao.

Trong khi đó, ngày 15/11/2019 chủ tịch TP Hà Nội ký công văn hỏa tốc 5310 khẳng định Hà Nội sẽ bổ sung đủ chỉ tiêu để xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đủ diều kiện theo công văn 5378 của Bộ nội vụ. Nhưng đến nay, thành phố vẫn chưa có thêm động thái nào khiến giáo viên hợp đồng rất sốt ruột, lo lắng vì tại Thị xã Sơn Tây, giáo viên hợp đồng đã bị cắt hợp đồng ngay sau khi kết thúc năm học 2018-2019.

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây với công nhân, viên chức, người lao động thị xã năm 2019 vừa qua, trả lời câu hỏi liên quan đến việc thực hiện đặc cách giáo viên hợp đồng hay không, Chủ tịch UBND thị xã, ông Nguyễn Huy Khánh khẳng định chờ hướng dẫn của thành phố. Ông Khánh cũng cho biết dù thi tuyển, hay xét tuyển đặc cách thì vẫn phải dựa vào chỉ tiêu biên chế được giao.

Điều này làm cho GVHĐ toàn thành phố lo âu, hoang mang không biết đặt niềm tin vào đâu và không biết Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có thực hiện lời hứa với giáo viên hợp đồng như trong công văn 5130 hay không.

Hôm qua, trong đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thầy Nguyễn Viết Tiến, đại diện cho 94 giáo viên hợp đồng của Thị xã Sơn Tây đã viện dẫn từ ý kiến đến văn bản chỉ đạo của những người trong cuộc liên quan đến số phận của GVHĐ.

Điều băn khoăn hiện nay của GVHĐ là theo công văn 5130 do Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung ký thì thành phố sẽ bổ sung bao nhiêu chỉ tiêu và bổ sung như thế nào khi số chỉ tiêu tuyển dụng đã được lấp đầy sau kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục Hà Nội năm 2019?

Những môn học không có chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu quá ít (cho dù Thị xã Sơn Tây vẫn thiếu) trong khi số GVHĐ lại quá nhiều thì giải quyết ra sao? Làm thế nào để giải quyết triệt để số GVHĐ lâu năm trên toàn thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội đủ điều kiện xét đặc cách.

Chính vì vậy, lần này, tập thể gồm 94 GVHĐ bậc Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội gửi đơn kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân với mong muốn, ông và Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Sở Nội vụ Hà Nội và UBND Thành Phố Hà Nội với những nội dung như sau:

Bổ sung đủ chỉ tiêu biên chế cho thị xã Sơn Tây để triển khai tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ tại Văn bản số 5378/BNV- CCVC ngày 5/11/2019 và theo Công văn số 5130/UBND- NC do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội- Nguyễn Đức Chung ký ngày 15/11/2019 .

UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định xét tuyển đặc cách GVHĐ có đủ điều kiện theo Công văn số 5130/UBND- NC do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội- Nguyễn Đức Chung ký ngày 15/11/2019 ngay sau khi có kết quả thi tuyễn, xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục Hà Nội năm 2019.

Đặc cách toàn bộ 94 GVHĐ thị xã Sơn Tây vào viên chức giáo dục Hà Nội năm 2019 vì rõ ràng việc những giáo viên này không còn hợp đồng lao động hoàn toàn không do lỗi của họ mà do lỗi của đơn vị sử dụng lao động là UBND thị xã Sơn Tây.

Thầy Tiến cho hay, đây là lần thứ 5 thầy gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến việc xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.