Tranh cãi hậu SEA Games 30: Chiến thắng biện minh cho hành vi?

Văn Hậu ăn mừng bàn thắng vào lưới Indonesia
Văn Hậu ăn mừng bàn thắng vào lưới Indonesia
TP - SEA Games 30 kết thúc với tấm HCV lịch sử cho bóng đá Việt Nam, nhưng những tranh cãi vẫn tiếp diễn xoay quanh các pha va chạm của Văn Hậu hay Huỳnh Tấn Sinh trong trận chung kết trước Indonesia. Câu hỏi đặt ra là chúng ta đang phản ứng ra sao trước các tình huống va chạm của chính cầu thủ Việt Nam?

Phút 23 trận chung kết với Indonesia, Văn Hậu đã có pha va chạm khiến tiền vệ Evan Dimas bị chấn thương, phải rời sân ngay sau đó. Cũng ở trận đấu này, trung vệ Huỳnh Tấn Sinh cũng có một pha va chạm với một cầu thủ Indonesia vào phút 74. Cầu thủ đội bạn gã ra sân đau đớn nhưng trung vệ U22 Việt Nam không bị trọng tài thổi phạt.

Đây là 2 tình huống gây nên khá nhiều ý kiến tranh cãi trong giới hâm mộ bóng đá Việt Nam và cả các nhà báo thể thao. Mỗi người một quan điểm khác nhau, một số cho rằng đây là những pha bóng “xấu xí”, nhưng không ít người khác lại bảo vệ các cầu thủ Việt Nam với lý luận, va chạm là khó tránh với một môn thi đấu mang tính chất đối kháng như bóng đá.

Tôi không có ý định làm nóng thêm tranh cãi nhưng ở đây chỉ muốn đưa ra một số vấn đề để cùng chiêm nghiệm, bởi việc xác định cách thức phản ứng như thế nào trước những tình huống như trên có thể ảnh hưởng tới bóng đá. Cụ thể, phản ứng của dư luận sẽ tác động tới điều chỉnh hành vi của cầu thủ và thậm chí một giải đấu. Trong lịch sử V-League từng thường xuyên bị chỉ trích vì những tình huống như của Văn Hậu hay Tấn Sinh.

Đầu tiên hãy đặt giả thiết nếu các pha bóng của Văn Hậu và Tấn Sinh bị trọng tài đánh giá là ác ý và phạt thẻ đỏ, U22 Việt Nam thua Indonesia. Vậy thì với cùng một hành vi, CĐV Việt Nam liệu có bênh vực hai cầu thủ hay đưa lên thành “tội đồ”?

Đây là câu chuyện từng xảy ra trong quá khứ. Bán kết AFF Cup 2016 ở trận đấu lượt về của Việt Nam và Indonesia, thủ môn Nguyên Mạnh đã phạm lỗi với cầu thủ Indonesia, bị truất quyền thi đấu. Đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng bị loại, Nguyên Mạnh vấp phải rất nhiều chỉ trích và mất luôn suất lên tuyển.

Không thiếu trường hợp tương tự từng xảy ra trong bóng đá, khi cầu thủ phạm lỗi và bị truất quyền thi đấu rồi đội bóng thua cuộc. Ngược lại với đó là một pha triệt hạ dẫn tới thẻ đỏ nhưng cứu thua cho đội nhà. Một vấn đề khác, nếu 2 tình huống của Văn Hậu và Tấn Sinh xảy ra trong một trận đấu của V-League, chúng ta sẽ phản ứng ra sao?

Điều gì khiến chúng ta đối với cùng một hành vi và tính chất, nhưng dẫn tới những phản ứng khác nhau? Phải chăng chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả trận đấu (có lợi cho đội bóng của mình hay không), mà bỏ qua khía cạnh đạo đức trong thể thao?

Thật may đây có vẻ như cũng không chỉ là câu chuyện xảy ra với bóng đá Việt Nam bởi bóng đá thế giới không thiếu những ví dụ tương tự. Năm 2014, tiền đạo Luiz Suarez đã bị FIFA ra án phạt cấm thi đấu 4 tháng vì hành vi phi thể thao, cắn vào vai trung vệ Giorgio Chiellini của Ý ở trận đấu lượt cuối bảng D giữa Uruguay và Ý.

Uruguay vào tới vòng 1/16 kỳ World Cup này và khi về nước, Luiz Suarez vẫn được các CĐV Uruguay đón như một người hùng. Trong khi đó ở trận chung kết World Cup 2006, tiền vệ Zinedine Zindane đã có pha “thiết đầu công” với trung vệ Ý Materazzi ở phút 110 và bị truất quyền thi đấu. Pháp thua Ý và sau đó, dân Pháp đã trút mưa “gạch đá” lên đầu Zindane.

Cho dù không công khai cổ xuý nhưng tiểu xảo hay những tình huống phạm lỗi “khi cần thiết” vẫn ngầm được ủng hộ trong bóng đá. Sự khác biệt có thể chỉ là ở cách chúng ta đánh giá và thừa nhận về nó hay không.

MỚI - NÓNG