Ô nhiễm không khí kéo dài, đối phó ra sao với 'sát thủ thầm lặng' bụi mịn?

Không khí ô nhiễm khiến người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở nặng ảnh: t.H
Không khí ô nhiễm khiến người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở nặng ảnh: t.H
TP - Ô nhiễm do bụi mịn PM2,5 được giới chuyên gia gọi là “sát thủ thầm lặng và toàn diện” không chừa một ai do bụi xâm nhập cơ thể suốt 24 giờ khi con người hít thở.

TS Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, bụi PM2,5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khỏe con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2,5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và máu.

“Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó nếu nồng độ bụi PM2,5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày lớn, tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp tính và mãn tính. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ bệnh tật, tử vong. Ví dụ phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi”, TS Hạnh phân tích.

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), người dân sống ở Hà Nội và TP.HCM, những nơi ô nhiễm không khí nghiêm trọng nên chủ động dự phòng tác hại của tình trạng này. Với những ngày hoặc các thời điểm trong ngày khi chỉ số AQI kém, xấu đến nguy hại thể hiện bằng màu cam, đỏ, tím, nâu nên giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường đặc biệt là giờ cao điểm và nếu phải ra ngoài đường thì nên sử dụng khẩu trang loại tốt có thể lọc bụi PM2,5. Những người nhạy cảm ví dụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, bệnh nhân mắc bệnh hen, các bệnh tim mạch… càng cần đặc biệt chú ý hơn.

Bộ Y tế lần đầu ra khuyến cáo

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, lần đầu tiên Bộ Y tế phát đi khuyến cáo chính thức hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí. Đây là khuyến cáo do Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam xây dựng.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Với người hút thuốc lá, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá, nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Bộ Y tế khuyến cáo, trong thời điểm này nếu người dân mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

MỚI - NÓNG