Nhật Bản chính thức mở cửa cho vải thiều tươi Việt Nam

Vải thiều có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào năm 2020
Vải thiều có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào năm 2020
TPO - Sau 5 năm đàm phán, Nhật Bản đã chính thức mở cửa và vải thiều tươi của Việt Nam sẽ sớm được xuất sang thị trường này.

Theo Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) vừa gửi thư cho Cục, thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam. Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019.

Đây là kết quả của hơn 5 năm nỗ lực đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật và MAFF cùng nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt  được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật của Nhật Bản có khả năng đi theo quả vài thiều của Việt Nam.

Theo đó, phía Nhật Bản yêu cầu quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo Bệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận, với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở xử lý,  khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị, tìm kiếm đối tác nhập khẩu để sớm xuất khẩu lô quả vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong vụ vải năm 2020.

Vụ vải thiều năm 2019 của Bắc Giang thắng lợi với tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh đạt trên 147.000 tấn, tổng giá trị đạt được mức kỷ lục trên 6.300 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm ngoái.

Bên cạnh thị trường chính là Trung Quốc, đến nay, vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn: Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc…

Đáng chú ý năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20 ha. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết: “Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử, đảm bảo quá trình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn”.

Lần đầu tiên, doanh nghiệp và người nông dân phối hợp làm ra sản phẩm vải thiều hữu cơ cao cấp được đóng gói trong hộp giấy sang trọng, lịch sự với giá bán 200.000 đồng/hộp 12 quả, tương ứng 600.000 đồng/kg. Một giá bán có thể nói khá mơ ước với nhiều mặt hàng nông sản của nước ta hiện nay.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".