Xử lý sự cố tràn dầu: Hành lang pháp lý còn chồng chéo

TPO - Các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng, việc có quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia tuyên truyền, tuyên truyền, phòng ngừa, ứng phó dẫn đến sự chồng chéo, gây trở ngại đối với việc khắc phục hậu quả các sự cố tràn dầu.

Sự cố tràn dầu là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển khác nhau, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra.

Việc ứng phó sự cố tràn dầu là hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư nhằm xử lý kịp thời, loại trừ hoặc hạn chế tối đa nguồn dầu tràn ra môi trường. Việc lập Kế hoạch Ứng phó sự cố tràn dầu là vô cùng thiết thực nhằm ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Theo thống kê của Hiệp hội các chủ hàng chở dầu quốc tế từ năm 2005 đến năm 2014 đối với 39 quốc gia thì Việt Nam là một trong 5 quốc gia có số lượng sự cố tràn dầu nhiều nhất với số lượng từ 10 sự cố trở lên.

Một số thống kê của Việt Nam cho thấy, trung bình một năm có khoảng 3 sự cố tràn dầu, bao gồm cả sự cố xác định được nguồn gốc và không xác định được nguồn gốc. Để đối mặt với vấn đề này, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế, xây dựng nguồn lực, tăng cường trang thiết bị và hợp tác quốc tế để ứng phó sự cố tràn dầu. Tuy nhiên, việc chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu ở Việt Nam còn một số hạn chế.

Ông Lê Đại Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, hiện nay đã có các cơ quan, văn bản, quy phạm pháp luật cho các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu sự cố tràn dầu trên biển như Quyết định 02 năm 2013 của Thủ Tướng về ban hành quy chế sự cố tràn dầu và đến nay đã 3 lần sửa đổi.

Thứ hai là Luật Tài nguyên Môi trường biển, Hải đảo năm 2015, tại chương 7 cũng quy định về các cấp ứng phó, trách nhiệm của các cơ quan về việc đối phó, khắc phục sự cố tràn dầu.

Thứ ba là Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định về việc tàu biển, cảng biển mới phải đáp ứng đầy đủ các quy định về khắc phục sự cố tràn dầu.

Thứ tư là Quy định 30 năm 2017 trong đó đề cập đến việc tổ chức, tìm kiếm cứu nạn Hay Luật Giao thông đường thủy năm 2014 quy định các phương tiện đường thủy nội địa cũng đề cập đến các nội dung về sự cố tràn dầu.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, vì có quá nhiều văn bản nên chưa có sự thống nhất nên dẫn đến việc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, do đó sự phối hợp của các bên không chặt chẽ. Các bên không biết được thẩm quyền, không rõ ở vai trò phối hợp hay chủ trì.

Chẳng hạn về phạm vi điều chỉnh, không có luật nào quy định đầy đủ về ứng phó sự cố tràn dầu, cụ thể Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có phạm vi điều chỉnh trên các vùng biển, Luật giao thông thuỷ nội địa điều chỉnh đối với phương tiện thuỷ nội địa, Bộ Luật hàng hải điều chỉnh đối với tàu thuyền và cảng biển, Luật bảo vệ môi trường mặc dù phạm vi điều chỉnh cả trên đất liền và trên biển, tuy nhiên không có quy định cụ thể về ứng phó sự cố tràn dầu, do đó, quy định liên quan đến ứng phó sự cố tràn dầu trên đất liền chưa được quy định cụ thể trong các luật.

Về đối tượng điều chỉnh, Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 63/2014/TTg chỉ quy định trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu đối với tàu trở dầu có dung tích từ 150RT trở lên, các tàu khác có tổng dung tích từ 400RT trở lên phải có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu, mà không có quy định đối với tàu chở dầu có dung tích nhỏ hơn 150RT và tàu khác có dung tích nhỏ hơn 400RT, trong khi đó Luật giao thông thuỷ nội địa quy định các phương tiện thuỷ nội địa vận tải hàng hoá là xăng, dầu phải có phương án ứng phó sự cố tràn dầu và Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định tàu đóng mới phải có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu mà không quy định giới hạn dung tích của phương tiện.

Hiện tại, nhiều cơ quan ban ngành, ủy ban các cấp đều phải có trách nhiệm trong việc ứng phó sự cố tràn dầu ví dụ như Ủy ban Quốc gia về Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ giao thông Vận tải là đầu mối chỉ đạo sự cố, Bộ Tài nguyên có trách nhiệm phục hồi môi trường biển sau sự cố tràn dầu... Tuy nhiên, trách nhiệm của các cơ quan này không rõ ràng.

Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là cơ quan là cơ quan phối hợp liên ngành, có cơ quan thường trực thuộc Bộ Quốc phòng vàkhông phải là cơ quan quản lý nhà nước. Uỷ ban có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước và hợp tác khu vực, quốc tế, bao gồm cả ứng phó sự cố tràn dầu; đồng thời là cơ quan đầu mối hợp tác ứng phó sự cố tràn dầu giữa Việt Nam và Phillipine, giữa Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.

Các bộ, ngành, địa phương các cấp thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, trong đó một số bộ chính như: Bộ Giao thông và Vận tải là đầu mối thực hiện Cơ chế hợp tác ứng phó sự cố tràn dầu trong ASEAN; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính trong việc phục hồi môi trường biển do sự cố tràn dầu; Bộ Công thương có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu.

Một số lực lượng nòng cốt trong ứng phó sự cố tràn dầu thuộc các bộ khác nhau như Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền nam thuộc Bộ Công thương, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung thuộc Bộ Quốc phòng.

Mặc dù Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là cơ quan có trách nhiệm chỉ huy các lực lượng trong triển khai ứng phó sự cố tràn dầu, tuy nhiên, với việc quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước được giao các công việc khác nhau liên quan đến ứng phó sự cố tràn dầu, không có một cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, đầu tư phát triển đội ngũ chuyên gia, trang thiết bị và hợp tác quốc tế một cách toàn diện sẽ tạo ra các khoảng trống và sự thiếu đồng bộ, gây trở ngại cho việc ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu kịp thời và hiệu quả.

"Việc có quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia vào nên việc này vừa tạo ra khoảng trống nhưng lại chồng chéo nên gây trở ngại đối với việc khắc phục hậu quả các sự cố tràn dầu. Nhưng vì chúng ta đã nhìn ra các vấn đề trên nên hi vọng sẽ có hướng giải quyết"- ông Thắng nêu quan điểm.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tràn dầu trên sông, biển như sự cố tàu hàng 8.000 tấn chìm trên sông Lòng Tàu (Cần Giờ, TPHCM) chứa 150 tấn dầu. Đơn vị ứng phó sự cố phải tiến hành bơm hút 150 tấn dầu ra khỏi tàu nhằm hạn chế sự cố tràn dầu, tuy nhiên một phần dầu loang ra sông gây ảnh hưởng môi trường khu vực.

Mới đây, tàu Nordana Sophia của Thái Lan rời cảng từ Hồng Kông đến Cảng Sơn Dương thì gặp sự cố trên biển Hà Tĩnh. Ngay đầu tháng 12, khoảng 25 tấn dầu DO trên tàu Toàn Phát 68 bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có nguy cơ tràn ra biển.

Sự cố dầu tràn trên biển thường để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường, hệ sinh thái biển và tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân.

MỚI - NÓNG