Trung Quốc đưa tàu sân bay nội địa ra biển Đông

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh: ifeng)
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh: ifeng)
TPO - Sơn Đông, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, sẽ tập trung làm nhiệm vụ trên biển Đông tranh chấp và sẽ phải đối diện với các tàu nước ngoài, báo chí Trung Quốc hôm nay đưa tin.

Chính thức hoạt động từ ngày 17/12, tàu Sơn Đông sẽ được sử dụng cho các trận đánh, chủ yếu để giành quyền kiểm soát các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, chứ không phục vụ hoạt động huấn luyện như tàu sân bay Liêu Ninh của nước này.

“Trọng tâm chiến lược của tàu Sơn Đông sẽ là các vùng biển quanh biển Đông”, tờ Nhân dân Nhật báo hôm qua viết trên tài khoản mạng xã hội của họ.

 “Gần đây, các tàu và máy bay quân sự của một số quốc gia thực hiện cái gọi là tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông, khuấy động rắc rối và thách thức chủ quyền của Trung Quốc”, Nhân dân nhật báo viết.

 “Nhóm tàu sân bay tấn công do tàu Sơn Đông dẫn đầu sẽ được triển khai xuống biển Đông. Rất có thể nó sẽ đối diện với các tàu nước ngoài”, tờ báo nói thêm.

 Bài bình luận này không nêu tên nước nào, nhưng Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền trên biển của họ và gây căng thẳng khi đưa tàu và máy bay quân sự đến các vùng tranh chấp trên biển Đông mà nhiều nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền. 

 Các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ được triển khai để thách thức điều mà Washington gọi là tình trạng Trung Quốc hạn chế đi lại trên biển Đông. Mỹ và các nước lên án việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo. 

 Tháng trước, Trung Quốc đưa tàu Sơn Đông qua eo biển Đài Loan để thực hiện “thử nghiệm khoa học và huấn luyện định kỳ trên biển” và hướng ra biển Đông. 

 “Mục tiêu của Sơn Đông là làm chủ cả vùng biển và vùng trời”, bài xã luận của Nhân dân nhật báo viết. 

 Con tàu dự kiến chính thức hoạt động từ tháng 4, nhưng giai đoạn thử nghiệm diễn ra lâu hơn đánh giá của giới phân tích quân sự, gợi ý rằng con tàu có thể bị một số trục trặc kỹ thuật. Nó hoạt động thử nghiệm trên biển lần đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái.  Sơn Đông có thể mang theo 36 chiến đấu cơ J-16, trong khi tàu Liêu Ninh mang được 24 chiếc. Sơn Đông có thể mang theo tối đa 40 máy bay, trong đó có loại trực thăng Z-9 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600. 

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức bàn giao con tàu có tên kỹ thuật là Type 001A này hôm 17/12 tại Tam Á, một cảng thuộc tỉnh Hải Nam. Lễ bàn giao có sự tham dự của các quan chức quân đội thuộc Bộ tư lệnh phía nam, lực lượng được giao giám sát biển Đông. 

 Tàu Sơn Đông được Công ty công nghiệp đóng tàu Đại Liên chế tạo từ năm 2013 tại nhà máy ở tỉnh Liêu Ninh.

 Nhân nhân nhật báo nói rằng 2 tàu Sơn Đông và Liêu Ninh sẽ bổ sung cho nhau, dù tàu Liêu Ninh đậu tại căn cứ ở Thanh Đảo, miền đông Trung Quốc, trong khi cảng Tam Á nằm xa dưới phía nam. Hải quân Trung Quốc sẽ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đây của nhóm tàu tấn công do 2 tàu này dẫn dắt. 

 “Một tàu sẽ thực hiện các chiến dịch quốc phòng và phụ trợ , trong khi các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay sẽ được tự do thực hiện nhiệm vụ tấn công”, Nhân dân nhật báo viết. 

 Song Zhongping, một chuyên gia quân sự ở Hong Kong, nói rằng biển Đông là nơi tốt nhất để Trung Quốc huấn luyện và thử nghiệm năng lực chiến đấu của các tàu sân bay của nước này. 

 “Tàu Sơn Đông có thể đạt được mức độ nhất định về năng lực hoạt động ban đầu sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển, nhưng chỉ có điều kiện gió, nhiệt và sự rộng lớn trên biển Đông mới kiểm tra được tiêu chuẩn chiến đấu thực sự và liệu nó có thể chiến đấu hiệu quả với các tàu khu trục và các tàu chiến khác”, ông Song nói với báo SCMP.

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG