Triều Tiên 'im lặng lạnh lùng' trước nỗ lực của Mỹ

Người Hàn Quốc xem tin tức về vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa từ tàu ngầm ngày 2/10. (Ảnh: Reuters)
Người Hàn Quốc xem tin tức về vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa từ tàu ngầm ngày 2/10. (Ảnh: Reuters)
TPO - Nỗ lực ngoại giao phút chót của Mỹ nhằm cứu vãn đàm phán với Triều Tiên trước thời hạn chót vào cuối năm nay đang vấp phải sự im lặng lạnh lùng của Bình Nhưỡng.

“Có một sự im lặng đáng sợ khi không có bất kỳ tuyên bố nào từ các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Triều Tiên trong tuần này”, Jenny Town, thư ký tòa soạn trang tin chuyên theo dõi Triều Tiên 38 North, viết trên Twitter.

“Sự kim lặng, ngay cả sau khi ông Biegun có bài phát biểu từ Seoul, khiến tôi thấy quan ngại”, nhà báo bình luận tiếp. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đặt thời hạn chót vào cuối năm nay để Mỹ nhượng bộ trong các cuộc đàm phán về hạt nhân của Triều Tiên và giảm căng thẳng giữa hai nước. 

Triều Tiên nói rằng tùy thuộc vào Mỹ quyết định nhận “quà Giáng sinh” gì cho năm nay, nhưng không nói rõ quyết định của ông Kim là gì. 

Khả năng căng thẳng trở lại vào năm 2020 và nguy cơ Triều Tiên nối lại hoạt động thử những vũ khí lớn khiến các chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà phân tích khắp thế giới đang tranh luận về cách cứu vãn tiến trình ngoại giao sau khi các cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Kim trong suốt 2 năm qua không thể tạo ra đột phá. 

Hôm 18/12, bốn nghị sĩ dẫn đầu đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ viết một bức thư gửi đến ông Trump để nói rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập hòa bình trên bán đảo và phi hạt nhân hóa Triều Tiên “có vẻ đang chững lại và đứng bên bờ vực thất bại”. 

“Chúng tôi nhắc lại hy vọng rằng ông sẽ điều hành một kế hoạch ngoại giao nghiêm túc trước khi quá muộn”, bức thư viết. 

Bức thư cũng kêu gọi chính quyền Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời để đóng băng và thu hẹp một phần chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên theo cách phù hợp với giảm áp lực trừng phạt.

“Dù một thỏa thuận như vậy tất nhiên chỉ là bước đi đầu tiên của một tiến trình dài, nhưng nó sẽ là một nỗ lực quan trọng để tạo ra cái thực sự là tiến trình ngoại giao thực chất và lâu bền”, họ viết. 

Trung Quốc và Nga đầu tuần này cùng đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu và lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Các quan chức Trung Quốc gọi đây là “kế hoạch tốt nhất trong tình hình hiện nay để giải quyết bế tắc”. 

Mỹ nói rằng họ phản đối việc nới lỏng trừng phạt vào thời điểm này, nhưng cũng khẳng định sẵn sàng linh hoạt trong đàm phán.

Một nghiên cứu của các nhà hoạt động hòa bình công bố vào tháng trước nói rằng trừng phạt đang ảnh hưởng nặng nề lên người dân Triều Tiên. Báo cáo kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể đang vi phạm luật quốc tế hoặc làm suy giảm nhân quyển, và cần ngay lập tức giảm nhẹ các động đối với nỗ lực nhân đạo. 

Vài tuần gần đây chứng kiến quan chức Mỹ và Triều Tiên lại nói về các hành động quân sự. 
Đầu tháng này, ông Trump khiến giới chức Triều Tiên nổi giận khi nói rằng Mỹ có thể sử dụng sức mạnh quân sự “nếu chúng tôi phải làm như vậy”. 

Phát biểu đó dẫn đến việc tư lệnh quân đội Triều Tiên cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ có “các hành động đáp trả tương xứng ở bất kỳ mức độ nào”. 

Phát biểu trước các phóng viên ở Washington đầu tuần này, Tư lệnh Mỹ Charles Brown nói rằng quân đội Mỹ có thể “phủ bụi khá nhanh và sẵn sàng sử dụng các lựa chọn” mà họ đã chuẩn bị trong đỉnh điểm căng thẳng năm 2017. 

“Nếu các nỗ lực ngoại giao như vậy đổ vỡ, chúng tôi phải sẵn sàng...chúng tôi đang nghĩ về phía trước”, ông Brown nói. 

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG