90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Đổi mới để hùng cường

Hội nghị Trung ương 11 đã thảo luận, cho ý kiến bước đầu về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
Hội nghị Trung ương 11 đã thảo luận, cho ý kiến bước đầu về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
TP - Trò chuyện với Tiền Phong nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), PGS. TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn đổi mới cả về tư duy lẫn phương thức lãnh đạo để không chỉ giữ vững độc lập, giữ vững chủ quyền mà còn đưa đất nước dần đến hùng cường. 

Thưa ông, trải qua 90 năm thành lập và phát triển, theo ông đâu là những dấu ấn lớn nhất kể từ khi Đảng đồng hành với nhân dân lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước?

90 năm qua vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định và có nhiều dấu ấn. Dấu ấn đầu tiên phải khẳng định là chỉ sau 15 năm tuổi, với 5 nghìn Đảng viên, song Đảng đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Đổi mới để hùng cường ảnh 1  

“Thời gian qua chúng ta huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, song có những công trình không hiệu quả. Ví dụ như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, làm bao năm mà không biết bao giờ đưa vào vận hành, đấy có cả lỗi về thể chế và cách thức thực hiện”.
Ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư 

Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, từ năm 1986, Đảng đã tiến hành đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, trong đó nhấn mạnh về tư duy kinh tế. Trước đây tư duy kinh tế của chúng ta là kế hoạch hóa tập trung nên trong quá trình phát triển có nhiều điểm không phù hợp. Vì thế, sau khi chúng ta chuyển sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN thì kinh tế đất nước đã có những chuyển biến tích cực.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, chúng ta chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ. Bởi nếu không đổi mới cả kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại thì nó sẽ cản trở lẫn nhau. Đến giờ phút này, khởi nguồn từ Đại hội 6, với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, thẳng thắn chỉ ra các sai lầm khuyết điểm, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Nhờ đó mà niềm tin của nhân dân vào Đảng không ngừng được củng cố và nâng cao.

Suy thoái do uống thuốc chưa đủ liều

Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới thì tình trạng suy thoái về đạo đức, tư tưởng, rồi tham ô, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của người dân đối với Đảng. Vậy phải chăng thực tế này do chúng ta tập trung đổi mới về kinh tế mà xem nhẹ xây dựng chỉnh đốn Đảng, thưa ông?

Dẫn đến tình trạng trên có nguyên nhân từ sự chủ quan, nóng vội, duy ý chí mà nguyên nhân của mọi nguyên nhân lại là từ công tác tư tưởng và công tác tổ chức cán bộ.

Một điểm nữa là về tư tưởng, xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực tế đã được Bác Hồ nói rất nhiều và Bác cũng đã lãnh đạo, thực hiện rất nhiều. Song, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì chúng ta thực hiện chưa đầy đủ những điều Bác đã làm và Bác đã dặn trong Di chúc là, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi thì việc đầu tiên cần làm là phải chỉnh đốn lại Đảng...

Đến Đại hội 8, Đảng kịp thời nhận ra khuyết điểm ấy và tiến hành cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng bằng Nghị quyết Trung ương 6 lần 2. Tiếc rằng cuộc vận động theo tinh thần nghị quyết đề ra cũng chưa đạt yêu cầu. Sau này nhiều người có hỏi lại nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, nguyên Tổng Bí thư có trả lời rằng: Nghị quyết đã khám đúng bệnh, đã bốc đúng thuốc nhưng uống không đủ liều nên bệnh tình của con bệnh gia tăng.

Các khóa tiếp theo, Đảng cũng luôn luôn coi trọng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, song phải đến khóa 12 lần này mới tạo ra những dấu ấn, chuyển động tích cực và hiệu quả.

Như vậy, vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng Đảng không chỉ là bắt bệnh, bốc thuốc mà còn phải uống thuốc đủ liều, thưa ông?

Đúng thế! Trước hết là về chủ trương, như tôi đã nói, chúng ta không bao giờ coi nhẹ công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nhưng điều đáng nói ở đây là cách thức tổ chức thực hiện nghị quyết về xây dựng Đảng vẫn là khâu yếu lâu nay. Các nghị quyết của Đảng luôn luôn đúng nhưng cách thức tổ chức thực hiện chưa quyết liệt. Nhiệm kỳ này có rút kinh nghiệm và Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chỉ đạo quyết liệt hơn với quyết tâm chính trị cao hơn, thể hiện rất rõ là bất cứ ai vi phạm pháp luật của Nhà nước đều phải xử lý nghiêm minh; trước kỷ luật Đảng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây nhấn mạnh, chỉ có nhiệm kỳ này mà hơn 90 cán bộ cao cấp đã bị kỷ luật, trong đó có những người là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên, sự chuyển động đó vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nếu toàn bộ các cấp mà chuyển động mạnh như Trung ương thì chắc chắn tình hình sẽ còn khác hơn. Nhưng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua chắc chắn sẽ tạo nền tảng vững chắc cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng của nhiệm kỳ sau.

Nhân lên khát vọng phát triển

Được biết, hiện tại các tiểu ban đang tiến hành xây dựng các Dự thảo văn kiện để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Xin ông cho biết, những điểm nhấn được coi là đổi mới nhất mà Đảng xác định lần này là gì?

Tới đây, Dự thảo văn kiện Đại hội 13 sẽ được báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến xong sẽ in để phục vụ kịp thời cho Đại hội cấp cơ sở. Trong các văn kiện thì báo cáo chính trị là trung tâm của Đại hội, có nhiều điểm mới. Nếu như tại Đại hội 6, chúng ta nhấn mạnh đường lối đổi mới, mà đầu tiên là đổi mới tư duy, thì Đại hội 13 theo cảm nhận, nhận thức của tôi có mấy điểm nhấn:

Một là nhấn mạnh đổi mới thể chế. Trong đổi mới thể chế có cả đổi mới về hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, cũng như thể chế về huy động phân bổ và sử dụng nguồn lực. Như chúng ta thấy, thời gian qua chúng ta huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, song có những công trình không hiệu quả. Ví dụ như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, làm bao năm mà không biết bao giờ đưa vào vận hành, đấy có cả lỗi về thể chế và cách thức thực hiện.

Điểm nhấn thứ hai là dự thảo văn kiện nhấn mạnh đổi mới sáng tạo để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 và khát vọng phát triển của đất nước. Những cụm từ này có tần số xuất hiện trong dự thảo văn kiện khá nhiều lần. Điều đó khẳng định, chỉ có đổi mới, có khát vọng phát triển thì đất nước mới hùng cường và đời sống kinh tế, xã hội mới được nâng cao.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.