Tạm dừng nhiều lễ hội vì dịch corona

Thủ tướng yêu cầu dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng ẢNH: NHƯ Ý
Thủ tướng yêu cầu dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng ẢNH: NHƯ Ý
TP - Chính phủ và Bộ VHTTDL có văn bản về tạm dừng lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp diễn biến phức tạp. 

Hàng trăm lễ hội đầu xuân thu hút đông đảo người dân, chẳng hạn hơn 20 vạn người đổ về chùa Hương trong mấy ngày đầu năm. Chùa Tam Chúc, Bái Đính, Yên Tử... cũng thu hút hàng vạn người. Việc tập trung đông người khiến lãnh đạo các cấp lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh corona. Chiều 31/1, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Trước đó Chính phủ có nhiều cuộc họp, chỉ thị và chỉ đạo sát sao.

Nhận định tinh thần và nhận thức phòng, chống dịch tại nhiều địa phương chưa cao nên Thủ tướng chỉ thị nhiều biện pháp gia tăng, trong đó có: “Hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng; giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức; yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội”.

Sáng 31/1, Thứ trưởng Bộ VHTTDL ký văn bản số 391 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích. Bên cạnh việc đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp cơ quan chuyên môn phòng, chống dịch, lãnh đạo Bộ đề nghị: “Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội”.

Hoãn khai ấn đền trần

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ) dự kiến diễn ra 8-9 tháng Giêng, là sự kiện thu hút đông người tham dự, vì thế ngày 30/1, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL) có văn bản gửi Sở VHTTDL Phú Thọ, đề nghị tham mưu cho tỉnh tạm dừng lễ hội chọi trâu Phù Ninh do diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp. Ngay trong ngày 31/1, Phú Thọ họp quyết định tạm dừng lễ hội này. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao phản ứng nhanh của Phú Thọ.

Lễ khai ấn đền Trần đêm 14 tháng Giêng cũng nằm trong danh sách những hội lớn, thu hút hàng vạn người tập trung trong không gian chật hẹp ở một thời điểm. Chiều 31/1, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL di tích lịch sử Đền Trần, Chùa Tháp (tỉnh Nam Định) cho biết, BTC tiếp tục bàn bạc đi tới thống nhất phương án tổ chức hợp lý, thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng và công văn của Bộ VHTTDL.

BTC lễ hội Đền Trần khẳng định, rà soát từng nội dung cần điều chỉnh, chắc chắn không tổ chức các hoạt động phần hội đông người. Các hoạt động phần lễ mang tính nghi thức truyền thống có thể được tổ chức nhưng hạn chế lượng người tham gia. BTC sẽ mua và phát miễn phí khẩu trang cho du khách về Đền Trần. Tối 31/1, lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết tỉnh sẽ hoãn tổ chức Lễ khai Ấn đền Trần.

Không chỉ lễ hội, các sự kiện văn hóa văn nghệ, du lịch lớn thu hút đông người cũng cần cân nhắc. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa thông báo dừng tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2020 vào một thời điểm thích hợp trước tình hình nạn dịch corona.

Ngày Thơ Việt Nam theo thông lệ được tổ chức dịp rằm tháng Giêng trên cả nước. Năm nay dự kiến đón nhiều khách quốc tế lại tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau: Huế, Hạ Long, Hà Nội... “Để giữ an toàn cho khách quốc tế và các nhà thơ cùng đông đảo nhân dân và những người yêu thơ, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định dừng tổ chức Ngày Thơ để tránh dịch”, Trần Đăng Khoa chia sẻ.

TẠM DỪNG KHÔNG LÀM LỄ HỘI MAI MỘT

Theo TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc tạm dừng lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa, địa phương đối với tính mạng và sức khỏe của người dân. Việc tập trung đông người ở lễ hội là môi trường thuận lợi phát tán bệnh tật, vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh chúng ta muốn dập dịch nhanh.

Trung Quốc, Thái Lan dừng một số lễ hội rồi, đó là sự quan tâm của các quốc gia tới sức khỏe nhân dân. Việt Nam cũng có Nghị định 110 về việc tạm dừng lễ hội, cho nên chúng ta không cần băn khoăn nên hay không nên. Phần lớn lễ hội của ta là lễ hội truyền thống, việc dừng do bệnh dịch, chiến tranh, mất mùa là chuyện từng xảy ra. Không phải vì tạm dừng mà lễ hội mất đi hay mai một.

Một số người còn cho rằng nên đóng cửa các cơ sở thờ tự, đóng cửa lễ hội. Từ góc độ nhà nghiên cứu văn hóa, TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm không nên. “Người dân đi hội đầu năm để có tâm trạng tốt bắt đầu năm làm việc mới. Tôi nghĩ không nên đóng cửa các cơ sở tín ngưỡng tâm linh vì đó là nhu cầu của người dân. Chỉ có điều các ngành các cấp cần khuyến cáo người dân nên hạn chế tới nơi đông người, phải đảm bảo sức khỏe như đeo khẩu trang và thực hiện các hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế. Nên có khuyến cáo tốt cho người dân, để họ có thêm thông tin quyết định có thực hiện hành vi đi lễ đầu năm hay không”, TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Tạm dừng nhiều lễ hội vì dịch corona ảnh 1 Cần thiết dừng lễ hội để chống dịch

Tuyên Quang dừng lễ hội Lồng Tồng 
Ngày 31/1/2020, UBND huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang có công văn hỏa tốc về việc tạm dừng tổ chức Lễ hội xuân và Lễ hội Lồng Tồng vào ngày mùng 8 tháng Giêng, bởi diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp cấp của virus corona. Công văn nêu rõ, hiện nay tình hình dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát cao. Do đó, UBND huyện tạm dừng tổ chức Hội chợ xuân (ngày 31/1/2020) và Lễ hội Lồng Tồng (mùng 8 tháng Giêng năm Canh Tý 2020). Hằng năm, từ mùng 2 đến mùng 8 Tết Nguyên đán, tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang lại diễn ra lễ hội Lồng Tồng. Đây là hoạt động tín ngưỡng gắn liền với nền nông nghiệp của đồng bào Tày với mong muốn các vị thần linh che chở để có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm... Được biết, năm 2013 cùng với làn điệu then, lễ hội Lồng Tồng đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.QUANG LỘC

MỚI - NÓNG