Đạo diễn Hoàng Nhật Nam 'kêu oan' sau phán quyết 'Tinh hoa Bắc Bộ' là phái sinh

Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam khi đang dàn dựng
Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam khi đang dàn dựng
TPO - “Tôi bức xúc và bàng hoàng trước bản án sơ thẩm mà TAND Hà Nội đã tuyên. Phán quyết “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa” là phán quyết không công bằng. Tôi là cha đẻ, tác giả của “Tinh hoa Bắc Bộ”, tôi có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng lại không được mời đến phiên tòa để nói lên tiếng nói của mình”, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ.

Ngày 25/3, tại TPHCM, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã có buổi gặp gỡ truyền thông để chính thức lên tiếng và chia sẻ về việc anh gửi tâm thư kèm theo đơn kháng cáo của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội sau phán quyết sơ thẩm của TAND Hà Nội.

Trước đó, ngày 20/3, HĐXX sơ thẩm TAND Hà Nội đã đưa ra phán quyết về vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vở thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” (còn gọi là “Ngày xưa”) giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) và Công ty CP đầu tư tổng hợp truyền thông DS (Công ty DS) của đạo diễn Việt Tú.

Theo đó, HĐXX sơ thẩm nhận định, Việt Tú là tác giả của vở diễn “Ngày xưa”, còn Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản. Tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu Hà Nội, buộc phía Việt Tú phải trả lại quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” cho công ty CP Tuần Châu Hà Nội. Ngoài ra, tòa xác định “Tinh hoa Bắc Bộ” (tác giả Hoàng Nhật Nam) là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa” (trong khi Đạo Diễn Hoàng Nhật Nam không được mời tới phiên tòa)

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam 'kêu oan' sau phán quyết 'Tinh hoa Bắc Bộ' là phái sinh ảnh 1

Các diễn viên múa chuyên nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong Tinh hoa Bắc bộ, điều khác biệt hoàn toàn với vở Ngày xưa

Công ty CP Tuần Châu Hà Nội ngay lập tức gửi đơn kháng cáo bản án vụ tranh chấp kinh doanh thương mại với bị đơn là Công ty đầu tư tổng hợp truyền thông DS. Đính kèm đơn kháng cáo của Tuần Châu Hà Nội là thư tay của đạo diễn Hoàng Nhật Nam, tổng đạo diễn, tác giả của vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam lên tiếng về sự việc vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận và công chúng.

Vì sao anh có những bức xúc về phán quyết của TAND Hà Nội?

Tôi vừa bay ra Hà Nội, viết một tâm thư gửi đến TAND Hà Nội kèm theo bản kháng cáo sơ thẩm ngày 20/3. Tôi bức xúc và bàng hoàng trước bản án mà tòa đã tuyên, khi phán quyết “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”, đây là điều hết sức sai pháp luật hiện hành khi mà tuyên bố về sản phẩm sáng tạo của tôi mà không có mặt tôi.

Tôi là cha đẻ, tác giả của “Tinh hoa Bắc Bộ”, tôi có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng lại không được mời đến phiên tòa để nói lên tiếng nói của mình. Đó là sự áp đặt, tôi không có quyền để bảo vệ đứa con nghệ thuật của mình. Trong tâm thư, tôi đề nghị về việc phải cho tôi là người có quyền và nghĩa vụ liên quan kèm theo đơn kháng cáo của công ty Tuần Châu.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam 'kêu oan' sau phán quyết 'Tinh hoa Bắc Bộ' là phái sinh ảnh 2

Theo anh, vì sao Tòa án đưa ra kết quả xử lý như vậy?

Theo tôi biết, Tòa dựa vào văn bản duy nhất của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Tôi chỉ tiếp cận văn bản này trên truyền thông và facebook. Tôi không đồng tình với việc một số cô chú đã đại diện Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam ký vào văn bản này, dù tôi rất tôn trọng những tiền bối tại đây. Tôi cho rằng văn bản này chỉ để tham khảo và không mang tính giám định về mặt pháp luật. Như chính Nghệ sỹ Nhân Dân Lê Chức - người đã ký tên trên văn bản gửi Tòa khi được phỏng vấn ngày 22/3/2019 trên VNExpress cũng đã chia sẻ rằng ý kiến phái sinh của ông cũng chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Bên cạnh đó, Tòa đã bỏ quên một cứ liệu quan trọng: “Tinh hoa Bắc Bộ” đã được Cục bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận năm 2017, công nhận tác phẩm độc lập.

Cơ sở nào để anh cho rằng những thông tin về kết luận của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là không chính xác?

Bạn có nhìn thấy khi quyết định một lỗi phạt ở giải bóng đá quan trọng người ta phải dùng công nghệ để xem đi xem lại, xem nhiều góc trước khi quyết định không? Tôi rất kính trọng Hội vì ở đó đang có nhiều nghệ sĩ tên tuổi đáng kính. Nhưng các cô chú ký văn bản này cũng khiến tôi mất niềm tin khi đi bảo vệ một nghệ sỹ nhưng đã phủ nhận một nghệ sỹ khác khi chưa được tiếp cận sự thật và xem xét thấu đáo! 

Tôi có một câu hỏi, có bao nhiêu người trong hội đồng này và cả dư luận đã xem trực tiếp THBB và Ngày xưa mà lên tiếng kết luận tác phẩm này là phái sinh của tác phẩm kia? Tôi nghĩ nếu Hôị Nghệ Sỹ như một ngôi nhà mà ở đó cô chú như cha mẹ, ông bà thì cô chú sẽ nên có cách đối xử với các con mình công bằng.”

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có trường hợp tác phẩm phái sinh. Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng định nghĩa: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”, nhưng TAND TP Hà Nội chưa làm rõ “Tinh hoa Bắc Bộ” thuộc phạm trù nào trong những khái niệm trên để khẳng định tác phẩm của tôi là phái sinh.

Tôi đề nghị rằng, phải có một hội đồng giám định có trình độ chuyên môn được cung cấp đầy đủ cơ sở dữ liệu, phương pháp, trình độ chuyên môn, đúng với quy định hiện hành để giám định cả 2 tác phẩm.

Với những ý kiến cho rằng “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh, anh có cơ sở nào để phản bác lại những ý kiến trên?

Trong vở “Tinh hoa Bắc Bộ” vẫn đang được trình diễn hiện nay,Tôi tuyển 50% diễn viên là sinh viên các trường múa, 50% còn lại là nông dân đã ký hợp đồng là nhân viên của TCHN. Khác hẳn với vở Ngày xưa, yếu tố giải trí qua loại hình múa đương đại trong THBB chiếm đến 90%, với các chi tiết như thiếu nữ hiện ra từ tranh tứ bình tố nữ, thiếu nữ Bắc Bộ duyên dáng với áo yếm dưới trăng, ánh trăng trôi tự nhiên sau các lũy tre, vũ khúc dân chài mang tính sắp đặt và trình diễn âm thanh, sĩ tử đi thi, đại cảnh múa như bồng lai tiên cảnh, thiền sư Từ Đạo Hạnh xuất hiện trong phần trình diễn laser như một dấu ấn của tâm linh, thuyền rồng quan họ….nghệ thuật múa đương đại kết hợp âm nhạc theo nhiều màu sắc đa dạng từ những âm thanh thô mộc của đời sống.

Vở Ngày xưa diễn rối nước rất nhiều với kiểu rối người – người rối gần như suốt chương trình, còn tiết mục rối nước trong Tinh hoa Bắc bộ chỉ kéo dài sáu phút. Hai yếu tố âm nhạc và vũ đạo trong vở Tinh hoa Bắc bộ rất đậm đà.

Những tên tuổi của nghệ sỹ tham gia như nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Biên đạo Johny Huy Trần… họ chấp nhận làm vở diễn phái sinh à?

Cũng nói thêm rằng ý tưởng làm show thực cảnh dưới nước với các đường đi ngang dọc tôi đã được xem trực tiếp tại vở diễn “ấn tượng Lưu Tam Tỷ” ở Quế Lâm Trung Quốc.

Với việc đề nghị tham gia kháng cáo, anh còn mong muốn nào khác?

Điều đầu tiên tôi muốn tòa xử phúc thẩm lại để dẫn đến điều mong mỏi thứ hai rằng“Tinh hoa Bắc Bộ” là “đứa con” của tôi, không phải là tác phẩm phái sinh.

Tôi bị anh Việt Tú hay nói trên các phương tiện truyền thông là tôi là đạo diễn trẻ với cách nói rất miệt thị. Tôi trẻ thì có tội sao? Tôi là cử nhân Ngữ văn- báo chí, thạc sỹ văn học Việt Nam, cử nhân đại học sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ với trình độ của mình tôi đủ tự hào và tự trọng để phải biết làm nghệ thuật thế nào cho đúng. Bây giờ tôi chỉ muốn được nói lên tiếng nói của mình để tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội có cái nhìn chính xác và công tâm, cũng như để công chúng hiểu hơn về tôi và tác phẩm văn hóa mang tên Tinh Hoa Bắc Bộ

Anh có đủ tự tin hay cơ sở nào để khẳng định tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” là của mình?

Tôi vô cùng tự tin vì không thể có một bức màn nào mãi không vén ra được, sự thật vẫn là sự thật. Tôi đã sáng tạo một cách đàng hoàng, chính trực thì dù đi đến bất cứ nơi đâu tôi, đi đến cùng tôi vẫn đi để chứng minh đứa con của mình là do chính mình đẻ ra.

Được biết, anh từng rút đơn kiện Việt Tú, sau đó gửi đơn kiện lại, vì sao vậy?

Tôi muốn trả lại danh dự và cho “Tinh hoa Bắc Bộ” vẫn sáng đèn hàng đêm. Những bình luận của khán giả trên fanpage là động lực lớn với tôi để tôi theo đến cùng vụ kiện. Tôi muốn là rõ sự thật rằng Tinh hoa Bắc Bộ” không phái sinh, sao chép mà là một tác phẩm độc lập, như Cục tác giả đã ký công nhận. Tôi không đòi hỏi đền bù về tài chính mặc dù tôi tiêu tốn rất nhiều tiền, hơn rất nhiều khi tôi được nhận khi tham gia dự án.

Tôi từng rút đơn kiện vì nhiều lý do. Lúc đó tôi đưa con trai du học tại Mỹ,vợ tôi đang sinh con gái ở nước ngoài. Tôi muốn con gái khi sinh ra không dính gì đến kiện tụng. Và cũng từ nghiệp vụ của các luật sư của tôi mong muốn vậy. Thời điểm nộp đơn lại, con gái đã hơn 4 tháng, con trai đã ổn định tại Mỹ. Hiện tòa án Bình Thạnh đã thụ lý vụ tôi kiên Việt Tú đòi lại danh dự và xin lỗi công khai.

Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.