Su 35 Nga bắt F-22 Mỹ 'hiện nguyên hình'

Su 35 Nga bắt F-22 Mỹ 'hiện nguyên hình'
TPO - Một người được cho là phi công tiêm kích Su-35 của Nga đã đưa lên mạng một tấm ảnh, được cho là ghi lại cảnh một tiêm kích tàng hình F-22 Baptor của Mỹ bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi quang điện hồng ngoại OLS-35 phát hiện.

Không rõ đây là tấm ảnh thật hay là một chiêu tung hỏa mù. Tuy nhiên, với hình ảnh này, khó mà nói chúng ta thu được bao nhiêu thông tin bởi không rõ hoàn cảnh ra đời của bức ảnh, và cũng vì thế khó mà đánh giá hay bình luận gì về nó.

Nhưng có một thực tế là ở tầm gần, hoàn toàn có khả năng một chiếc F-22, cho dù có khả năng giảm phát xạ hồng ngoại, vẫn bị “hiện nguyên hình” trong màn hình cảm biến hồng ngoại quang điện của một tiêm kích Su-35, giống như trong tấm ảnh (giả định đó là tấm ảnh thật).

Su 35 Nga bắt F-22 Mỹ 'hiện nguyên hình' ảnh 1

Thậm chí một hệ thống hồng ngoại quang-điện do hãng FLIR Systems (chuyên thiết kế và sản xuất máy ảnh nhiệt, linh kiện và cảm biến hình ảnh, có trụ sở tại Wilsonville, Oregon, Hoa Kỳ) cũng có thể phát hiện F-22. Thực tế là siêu tiêm kích này được thiết kế để vô hiệu hóa các thiết bị tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại ngoài tầm nhìn, nhưng sẽ mất tác dụng nếu ở tầm gần.

Bởi vì khi đó, tiêm kích F-22 sẽ hiện lên trên các cảm biến hồng ngoài như bất cứ máy bay nào khác. Các năm trước, ví dụ trong các cuộc tập trận năm 2009,  F-22 từng bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại/quang- điện trên tiêm kích Rafale của Pháp chiếu xạ, thu hình. Năm 2012, trong cuộc tập trận Red Flag tổ chức ở  Alaska, các phi công Đức lái tiêm kích Eurofighter Typhoon nói radar hồng ngoại trên máy bay của họ có thể theo dõi, bắt bám máy bay F-22 trong khoảng cách gần 40km.

Video hệ thống hồng ngoại quang-điện của FLIR Systems theo dõi F-22. 

Theo Sukhoi, hãng sản xuất tiêm kích Su-35, cảm biến hồng ngoại OLS-35 có thể theo dõi tới 4 mục tiêu cùng lúc ở khoảng cách 50km nếu đối đầu và 90km nếu theo dõi từ phía sau. Tầm hoạt động và độ chính xác còn phụ thuộc một số yếu tố khác, ví dụ điều kiện khí tượng. Hệ thống này cũng được tích hợp thiết bị laser có thể phát hiện chính xác các mục tiêu trong phạm vi 20km.

Hơn nữa, đây là thiết bị tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại bước sóng dài có thể theo dõi các máy bay tàng hình trong phạm vi mở rộng, tạo ra mối đe dọa lớn đối với các máy bay như F-22. Ngay trong hải quân Mỹ cũng có hệ thống tìm kiếm và theo doi Block II IRST được thiết kế nhằm phát hiện máy bay tàng hình từ xa.

“Tôi không thể nói về những mối đe dọa cụ thể nhưng IRST được thiết kế nhằm đối chọi với công nghệ tàng hình”, đại úy David ‘DW’ Kindley, thuộc Văn phòng chương trình tác chiến điện tử F/A-18 và EA-18G nói với các phóng viên hồi năm ngoái.

Theo phân tích trên tạp chí The National Interest, có một thực tế hiển nhiên là khi máy bay bay trong bầu khí quyển sẽ tạo ra nhiệt lượng, khi nó cọ xát với không khí.

“Nếu máy bay kẻ thù tiến về phía anh không hiện thị nhiều trên radar, nó vẫn tạo ra nguồn nhiệt”, Bob Kornegay, trưởng nhóm nghiên cứu chương trình máy bay tác chiến điện tử F/A18E/F và EA -18G của hãng Boeing nói. “Nguồn nhiệt này sẽ giúp phát hiện máy bay tàng hình”.

Cho dù một thiết bị tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) nguyên thủy không có khả năng cung cấp dữ liệu cho máy bay Su-35 về máy bay tàng hình, những hệ thống dữ liệu và thuật toán máy tính hiện đại giúp cải thiện tình hình. Và Mỹ nay hoàn toàn phải coi các thiết bị IRST là mối đe dọa tiềm tàng đối với những chiếc máy bay tàng hình của họ.

MỚI - NÓNG