Hoạt động quản lý đất đai tại Khu LHTTQG Mỹ Đình: Thanh tra toàn diện

Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu LHTT Mỹ Đình. Ảnh: NHƯ Ý
Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu LHTT Mỹ Đình. Ảnh: NHƯ Ý
TP - Ngày 1/4, thông tin của Tiền Phong cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình.

Cụ thể, công văn của Văn phòng Chính phủ do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng ký hôm 25/3 cho biết, về một số thông tin phản ánh liên quan đến quản lý cơ sở vật chất, tài sản nhà nước, cho thuê đất kinh doanh tại Khu LHTTQG, Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Trương Hoà Bình có ý kiến chỉ đạo: Giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại khu LHTTQG, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả. 

Như Tiền Phong nhiều lần phản ánh, năm 2011 Chính phủ đã thông qua chủ trương cho phép Khu LHTTQG Mỹ Đình khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất để thực hiện liên doanh, liên kết huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân nhằm phát triển văn hoá, thể thao, du lịch. Từ đây, trong các năm 2012-2017, Khu LHTTQG Mỹ Đình đã cho thuê đất tràn lan, buông lỏng quản lý để các đơn vị kinh doanh mở quán ăn, nhà hàng, massage, gara ô tô… gây mất mỹ quan, trật tự đô thị. 

Theo Kết luận Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ngày 27/1, đối với các hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn, việc khai thác sử dụng quỹ đất chờ dự án của Mỹ Đình chưa được cơ quan có thẩm quyền (cụ thể là Bộ Tài chính và Bộ VH-TT&DL) cho phép bằng văn bản. Các hợp đồng cho thuê ngắn hạn chưa thực hiện đấu giá và công khai mức giá cho thuê tài sản. 

Đáng chú ý, qua kiểm tra, KTNN phát hiện một số hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) nhưng bản chất là hợp đồng dài hạn do khu Liên hợp thực hiện ký nhiều hợp đồng tại các thời điểm khác nhau với cùng 1 công ty, tại 1 địa điểm hoặc ký từ 2, 4 phụ lục hợp đồng trong một năm và lặp đi lặp lại nhiều năm. Việc này dẫn đến một số doanh nghiệp cho thuê đất đã đầu tư trụ sở, văn phòng, xây nhà xưởng, kho bãi kiên cố, không đúng như điều khoản trong hợp đồng quy định bên B (bên thuê) là chỉ được triển khai, tạo lập, lắp đặt, sửa chữa các hạng mục trên mặt bằng thuê là công trình, vật kiến trúc tạm thời, đơn sơ, sử dụng vật liệu nhẹ, không kiên cố và thời gian di dời, thoát dỡ khi bên A (bên cho thuê) yêu cầu chấm dứt hợp đồng. 

Xin “rút kinh nghiệm”

KTNN đã kiến nghị Bộ VH-TT&DL chỉ đạo Khu Liên hợp kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các tập thể và cá nhân có liên quan đối với các vấn đề trên. Trả lời PV Tiền Phong ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, do Khu LHTTQG Mỹ Đình vừa qua đã được chuyển về trực thuộc Tổng cục TDTT, Bộ vì vậy đã chỉ đạo Tổng cục đôn đốc, chỉ đạo Khu LHTTQG thực hiện kết luận KTNN. 

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sau khi có ý kiến về việc chậm trễ thực hiện kiểm điểm theo Kết luận KTNN, Khu LHTTQG Mỹ Đình vừa qua đã thực hiện việc kiểm điểm với nội dung đề xuất chỉ xin “rút kinh nghiệm” đối với một loạt tập thể, cá nhân nên đã bị Tổng cục TDTT yêu cầu thực hiện lại. 

Một lãnh đạo cấp cao Tổng cục TDTT cho biết: “Bộ VH-TT&DL vừa qua đã có chỉ đạo đối với Tổng cục TDTT để chỉ đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình kiểm điểm, rút kinh nghiệm theo kết luật của KTNN. Chúng tôi vừa qua nhận được báo cáo của Khu LHTTQG Mỹ Đình nhưng do làm chưa tốt nên đã chỉ đạo làm lại nghiêm túc. Chúng tôi yêu cầu kiểm điểm kỹ từng cá nhân, tập thể để xảy ra các vấn đề về quản lý đất đai chứ không làm chung chung”. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.