Giá xăng tăng gần 1.500 đồng/lít, quỹ bình ổn cạn kiệt

Giá xăng đã vượt mốc 20.000 đồng/lít. Ảnh: Như Ý
Giá xăng đã vượt mốc 20.000 đồng/lít. Ảnh: Như Ý
TP - Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 17h ngày 2/4, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được tăng giá bán lẻ xăng E5RON92 thêm 1.377 đồng/lít, lên không cao hơn 18.588 đồng/lít. Xăng RON95-III được phép tăng giá bán 1.484 đồng/lít, lên tối đa 20.033 đồng/lít. Với mức tăng này, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trở nên cạn kiệt và bị âm, bởi trước đó doanh nghiệp đã chi khá lớn để bình ổn giá.

Một số mặt hàng dầu cũng tăng giá lần này là: Dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng, lên tối đa 17.087 đồng/lít trong khi dầu hỏa tăng 1.086 đồng, lên mức không cao hơn 15.971 đồng/lít. Giá bán lẻ dầu mazut 180CST 3.5S cũng tăng 1.127 đồng/kg, lên tối đa 15.210 đồng/kg.

Doanh nghiệp cũng được sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi 2.042 đồng/lít xăng E5RON92 (kỳ trước chi 2.801 đồng/lít). Xăng RON95 giảm chi quỹ xuống 1.304 đồng/lít (kỳ trước chi 2.061 đồng/lít) trong khi dầu diesel và dầu hỏa dừng trích quỹ (kỳ trước chi lần lượt 1.343 đồng/lít và 1.065 đồng/lít). Dầu mazut được trích sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 362 đồng/kg (kỳ trước chi 1.640 đồng/kg).

Bộ Công Thương cho hay, theo Công văn số 3867/BTC-QLG của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu quý II/2019 với xăng là 10%. Thuế áp dụng với dầu diesel 0,28%; dầu hỏa 0,11% và dầu mazut là 3,21%.

Với việc tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu đồng thời vẫn tiếp tục xả mạnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thông tin từ các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho hay, đến nay sau 2 kỳ điều hành giá liên tiếp, hầu hết các doanh nghiệp đang bị âm quỹ hàng chục tỷ đồng. Đến nay, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn còn dư quỹ với mức không đáng kể. Cá biệt có doanh nghiệp âm quỹ tới 400 tỷ đồng.

DN kêu mệt vì phải bù đắp quỹ

Theo đại diện doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, việc xả quỹ lớn để giữ giá xăng dầu là “gánh nặng” đối với hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay khi họ phải vay ngân hàng hoặc dùng vốn tự có để bù đắp. Ngay như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị nắm khoảng 48% thị phần xăng dầu, đến trước thời điểm 17 giờ ngày 2/4, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex chỉ còn khoảng 9,6 tỷ đồng. So với 655 tỷ đồng cách đây 15 ngày, việc xả mạnh Quỹ Bình ổn giá đã ngốn rất nhanh số tiền tích cóp từ việc đóng tiền vào quỹ của người dân trong suốt nhiều tháng trước đó.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ở phía Nam khẳng định qua điện thoại với PV Tiền Phong: Chúng tôi “rất mệt mỏi” do phải bù đắp thêm tiền và tìm nguồn vay để chi sử dụng cho Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, việc điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương thời gian qua cho thấy sự lúng túng. Ông Long phân tích, giá xăng điều chỉnh tăng sẽ được ghi nhận và tác động ngay vào CPI của tháng đó. Còn giá điện tăng thì có độ trễ do sang tháng sau các hộ dùng điện mới thanh toán. Vì thế, việc tăng giá điện từ 20/3 phần lớn ghi nhận vào CPI tháng 4 trở đi, trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng nên sẽ tạo áp lực lên giá dầu ở kỳ điều hành đầu tháng 4.

“Công tác điều chỉnh giá luôn phải chừa lại dư địa đủ để xoay xở trong năm. Khi quỹ còn ít, khó tránh khỏi tình huống giá xăng dầu sau khi bị kìm quá mạnh buộc phải bung ra, tăng sốc”, ông Long cảnh báo.

Tại kỳ điều hành 18/3, thay vì tăng giá bán lẻ với mặt hàng xăng, Bộ Công Thương quyết định xả mạnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức tăng thêm 801 đồng/lít xăng E5 RON 92, lên mức 2.801 đồng mỗi lít. Xăng RON 95 có mức xả quỹ 2.061 đồng, tăng 811 đồng so với kỳ điều hành trước đó và dầu mazut xả quỹ 1.640 đồng/lít.

Được biết, tỷ trọng xăng từ nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn) để tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở quý II/2019 là 23,2% từ nguồn nhập khẩu và 76,7% từ nguồn sản xuất trong nước. Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở xăng E5RON92 theo quyết định của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.725 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.