'Băm nát' rừng Sóc Sơn, dân lo xử ít để ‘lọt’ thì nhiều

TPO - Huyện Sóc Sơn sẽ ban hành kế hoạch cưỡng chế đối với 68 công trình xâm phạm đất rừng trên địa bàn 9 xã. Trong khi đó, nhiều người dân lo ngại liệu có xử lý nổi gần 1.000 công trình trong đó nhiều công trình "khủng" vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng hay chỉ thanh tra rồi để đó?
Dân lo đập nhỏ bỏ to?

Có mặt tại 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven các hồ lớn của huyện Sóc Sơn như hồ Đồng Quan, Đồng Đò, Hàm Lợn…, theo ghi nhận của phóng viên hàng trăm công trình xây dựng vi phạm, “băm nát” đất rừng vẫn nằm bất động sau kết luận thanh tra toàn diện của Hà Nội mới đây.

Sau khi có thông báo kết luận của Thanh tra, UBND xã Minh Phú đã mời một số hộ dân tại thôn Lâm Trường làm việc với nội dung xử lý công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp. Đây là 18 hộ dân, trong số hàng loạt hộ dân tại thôn Lâm Trường đã xây dựng, sửa chữa công trình trên đất rừng trong hai năm 2017-2018.
“Chúng tôi đã được Chủ tịch UBND xã Minh Phú đề nghị tự tháo dỡ công trình trước ngày 30/4. Đề nghị trên đã khiến nhiều hộ dân bức xúc, phản ứng vì cho rằng trên địa bàn thôn Lâm Trường có cả trăm công trình khủng vi phạm đất rừng, đặc biệt có nhiều công trình xây dựng trong 2 năm 2017-2018, có cùng nguồn gốc đất nhưng chính quyền không yêu cầu tháo dỡ trong đợt này", ông X.L, một trong số 18 chủ công trình nhận "lệnh" phải tháo dỡ cho biết.
'Băm nát' rừng Sóc Sơn, dân lo xử ít để ‘lọt’ thì nhiều ảnh 1 Khu biệt thự Hoàng Lê Gia Garden tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, một trong hàng loạt công trình "khủng" được Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ có sai phạm nghiêm trọng hiện vẫn nằm bất động chưa bị xử lý.
Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, trên địa bàn hai xã Minh Phú và Minh Trí có khoảng 45 công trình phải phá dỡ ngay. Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều công trình sai phạm "khủng" nằm ở thôn Lâm Trường, ven khu vực hồ Đồng Quan, Đồng Đò, Hàm Lợn… được xây dựng trong giai đoạn 2017-2018, nhưng lại không bị yêu cầu phá dỡ đợt này.
Ghi nhận cho thấy, trên địa bàn thôn Lâm Trường có loạt công trình biệt thự nguy nga, trong đó có những công trình mới xây và đang hoàn thiện nhưng lại không nằm trong danh sách “cưỡng chế ngay”. Cụ thể, ngay trên cùng tuyến đường chạy vào sâu trong rừng ở thôn Lâm Trường, một số gia đình được yêu cầu phá dỡ ngay lập tức. Thế nhưng nhiều biệt thự mới tinh, vừa được xây dựng xong (chỉ cách nhà bị yêu cầu phá dỡ vài bước chân) lại thoát “án tử” đợt này một cách ngoạn mục.

Tại khu vực hồ Hồng Quan, Đồng Đò, Hàm Lợn có những tổ hợp còn hoành tráng hơn ở thôn Lâm Trường hàng chục lần, điển hình trong đó là Hoàng Lê Gia Garden. Sai phạm của công trình này đã được Sở Xây dựng làm rõ từ trước khi Thanh tra TP vào cuộc. Đến nay, tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden vẫn tồn tại.
Có đập bỏ gần 1.000 công trình vi phạm?

Theo các hộ dân phản ánh, thực tế trong thời gian 2017-2018, trên địa bàn khu vực thôn Lâm Trường còn có rất nhiều công trình xây dựng, trong đó có nhiều công trình xây dựng kiên cố,  nguy nga khác xây dựng chứ không chỉ riêng 18 công trình được đưa vào trong danh sách “đen” để cưỡng chế đợt này.

"Sai phạm thì phải được xử lý, nhưng 18 hộ dân này đã có đơn đề nghị UBND huyện Sóc Sơn tổ chức buổi đối thoại với người dân để có được sự xử lý công bằng, đúng pháp luật. Chứ tránh tình trạng xử ít để lọt thì nhiều”, bà Nguyễn Hồng Th. bức xúc nói.
'Băm nát' rừng Sóc Sơn, dân lo xử ít để ‘lọt’ thì nhiều ảnh 2 Công trình đồ sộ ở Lâm Trường mà người dân phản ánh xây dựng trong thời gian 2017-2018 nhưng lại không nằm trong danh sách phải cưỡng chế đợt này.
Trước đó, Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn có gần 1.000 trường hợp vi phạm đất rừng, riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí có tới 659 trường hợp vi phạm (trong đó xã Minh Phú có tới 164 trường hợp vi phạm-PV). Tuy nhiên Thanh tra TP Hà Nội chỉ kiến nghị cưỡng chế ngay đối với các công trình có vi phạm xây dựng trong giai đoạn 2017-2018, đối với các công trình vi phạm từ giai đoạn 2006-2016, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị ra soát hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng đất đai đúng mục đích. Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn cho hay, hiện TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo huyện Sóc Sơn thực hiện một số nội dung sau khi có kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn. Theo ông Phương, trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn sẽ có 68 công trình sai phạm phải xử lý bằng biện pháp cưỡng chế. Văn bản của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ việc xử lý phải báo cáo về UBND TP Hà Nội trước ngày 15/5.
Đề cập việc gần 1.000 công trình vi phạm có phá dỡ hay không (ngoài 68 công trình cưỡng chế-PV), ông Phương cho hay: “Văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ là phải rà soát sau đó báo cáo cụ thể các phương án. Trước đây, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nói là phải rà soát. Còn trước mắt phải xử lý xong 68 công trình đã. Phá dỡ xong ngần đấy cũng không đơn giản”, vị này nói.
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.