Anh đào muôn thuở

Hoa anh đào Ảnh Lê Xuân Sơn
Hoa anh đào Ảnh Lê Xuân Sơn
TP - Tháng tư, hoa anh đào tràn ngập nước Nhật. Văn học nghệ thuật Nhật Bản cũng đầy những tác phẩm ngập tràn hoa anh đào. Đẹp và ám ảnh.

Những ngày nửa đầu tháng 4, rất nhiều người Việt mua tua di lịch đi Nhật Bản để được ngắm hoa anh đào. Tôi đi cùng một đoàn khách của Vietravel trong một tua như thế.

Tối ngày 2/4, ngồi đợi chuyến bay chatter của Vietravel (tức là chuyến bay mà công ty thuê nguyên một chiếc máy bay để chở các đoàn khách của mình) đi tỉnh Fukushima, trong khoảng gần hai tiếng đồng hồ từ hơn 10 giờ đến gần 12 giờ rưỡi đêm, tôi nghe liên tiếp lời gọi khách lên có lẽ phải đến 4 – 5 chuyến bay của Vietnam Airlines, VietJet…  đến các thành phố của Nhật Bản.

 Không biết duyên may thế nào mà ngay trước chuyến đi, tôi được mời chấm cuộc thi Đại sứ thiện chí Hoa anh đào dành cho các cô gái Việt biết tiếng Nhật đang sống tại Hà Nội. Một phần thi là viết 400 chữ cảm tưởng về Hoa anh đào. Tôi đã chăm chú đọc ngót 100 bài cảm tưởng như vậy và thu nhận được từ đó rất nhiều thông tin và cảm xúc về loài hoa mà nói đến người ta nghĩ ngay về đất nước Nhật Bản. Các cô gái nhắc nhiều đến một bộ phim hoạt hình Nhật có tên “5 centimet trên giây”. Nhiều đến mức tôi phải tò mò lêm mạng tra cứu về bộ phim này. Phim sản xuất năm 2007, đoạt giải phim hoạt hình xuất sắc nhất Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương 2007. Phim kể mề mối tình trẻ con giữa Tōno Takaki và Shinohara Akari, những người phải rời xa nhau khi mới hết tiểu học nhưng không bao giờ quên nhau. Họ luôn nhớ về nhau với nỗi niềm giằng xé cho đến khi hiểu rằng tất cả đã là quá khứ  và phải hướng về  phía trước.

Anh đào muôn thuở ảnh 1 Hoa anh đào thu hút đông đảo bạn trẻ

Có đến mấy cô gái trích dẫn những đoạn lời trong phim thế này: “5cm/s là vận tốc rơi của cánh hoa anh đào cũng chính là vận tốc chúng ta lặng lẽ lướt qua nhau…”; “Nếu vận tốc rơi của cánh hoa anh đào không phải là 5cm/s thì có lẽ nó sẽ không đẹp đến thế. Và nếu khoảng cách giữa anh và em là 5 cm thì có lẽ đến với nhau chỉ cần một bước chứ không phải cả cuộc đời. Hoa anh đào vẫn rơi”; “Anh có biết, vận tốc của cánh hoa anh đào rơi là 5cm/s không? Vậy em phải sống với vận tốc nào thì em mới có thể gặp được anh…”

Đó là một sản phẩm của văn hoá đại chúng (Popular Culture). Nó cũng đủ để trong tim ta ngân lên vài nốt xao xuyến dịu dàng kiểu thị dân, như người ta thường nói. Đó cũng là mỹ cảm, tuy có khác cái mỹ cảm như khi nhìn cảnh kết của phim “47 lãng nhân” (47 ronin), cảnh mà 46 samurai sau khi hoàn thành sứ mệnh trả thù cho chủ và tiêu diệt cái ác, bị Hoàng đế phán quyết phải chết đã trải thảm ngồi ngay ngắn dưới những tán hoa anh đào khoan thai nhưng dứt khoát thọc lưỡi dao vào bụng mình. Trên đầu họ là cuồn cuộn những vầng mây hoa màu hồng phấn và mau mau những cánh anh đào rơi.

 Để chuẩn bị  cảm hứng cho chuyến đi đến với  loài hoa đặc biệt này, tôi đến với văn học nghệ thuật nhiều loại của Nhật Bản, từ những truyện teen trên mạng đến những tác phẩm tầng cao - những chuyên luận, đặc biệt là thơ haiku, thể thơ Nhật Bản hàm súc đến mức chỉ còn có 3 câu, 17 âm tiết.

Vậy nên trên đường đến hồ Senbako ở tỉnh Ibaraki nơi có những rặng anh đào đẹp, tôi lại ngân nga thầm trong đầu những câu thơ của bậc thầy haiku Matsuo Basho làm từ khoảng 350 trăm trước khi ông trên đường đến núi Yoshino để ngắm hoa anh đào:  Năm dặm mỗi ngày/Ta đi tìm em đấy /Hoa đào yêu dấu ơi!

 Hồ Senbaco nằm trong một công viên lớn. Trên bờ hồ là rặng anh đào, khi chúng tôi đến trên cây đã trổ đầy hoa trắng. Thấy bảo anh đào khi mới nở thường có màu trắng, sau chuyển dần sang màu hồng. Có lẽ thế, nhưng tôi ngờ rằng có loại anh đào hoa trắng, có loại hoa mới nở ra đã màu hồng, cũng như hoa đào của ta có  màu đỏ, màu hồng phai tuỳ loại khác nhau. Thấy bảo người ta thống kê được tổng cộng đến 200 loại anh đào ở Nhật Bản. Ở hồ Senbaco hôm ấy chưa thấy cây anh đào nào hoa màu hồng cả. Anh đào bên hồ là một cảnh tượng rất đẹp. Nhìn cành hoa anh đào rủ ngang mặt hồ, lại nhớ ngày xưa, một bậc thầy haiku khác là Yona  Buson  (1716 -  1784) viết: Một cành hoa đào đơn sơ/ Của buổi sáng đẹp trời /Trang điểm một hồ sâu.

Và qua một bãi cỏ, chúng tôi thích thú nhìn thấy mấy cây anh đào hoa trắng đặc biệt, trắng như có ánh sáng bên trong phát ra. Trong ánh nắng chiều rực lên như nắng quái, cái trắng đó càng thêm ám ảnh. Basho cũng từng viết: Lấp lánh hoa trên ngọn cây /Vào một đêm trăng sáng. Đêm trăng thôi còn vậy huống chi dưới ánh mặt trời. Vẻ đẹp của hoa anh đào, một nhà thơ lớn khác của Nhật là Issa liên tưởng đến vẻ đẹp của những nàng tiên: Hoa đào ban đêm/Như từ trời xuống / Những người con gái tiên.

Người Nhật có vài truyền thuyết về nguồn gốc hoa anh đào. Có truyện nói rằng loại hoa này sinh ra từ lưỡi kiếm của samurai nên người ta hay ví cốt cách của samurai như hoa anh đào. Thích hơn cả là truyền thuyết loại hoa này bắt nguồn từ một nữ thần. Chuyện kể rằng cái tên sakura của hoa anh đào trong tiếng Nhật có gốc từ chữ “Sakuya” trong  tên của nữ thần Konohana Sakuya Hime, được nhắc đến trong cuốn  lịch sử “Cổ sự Ký”.  Nữ thần nhan sắc tuyệt trần này là con của thần núi Ohoyamatsumi.  Nàng đã đem gieo những hạt giống cây anh đào đầu tiên lên núi Phú Sĩ, ngọn núi thần của Nhật Bản, và từ đó loài hoa này nảy nở lan ra khắp đất nước này.

Đến Nhật Bản, ta có thể bắt gặp hoa anh đào ở khắp nơi. Và ở nơi nào cũng đẹp. Ngay giữa Tokyo, giữa những nhà cao tầng, lòng ta mềm lại khi thấy một cây anh đào sum xuê hoa đứng ở một góc đường, càng tuyệt hơn khi gặp một con phố mà hai rặng anh đào hai bên đường giao cành, giao tán với nhau dệt nên thảm hoa ngay trên đầu người đi bộ. Nhưng đẹp nhất là anh đào giữa thiên nhiên. Hôm đến Phú Sĩ, tôi không có may mắn gặp điểm dừng chân có hoa anh đào để ngắm ngọn núi thiêng này qua nó như đã thấy trên các bức tranh cổ Nhật Bản. Nhưng hôm đến Công viên thiên nhiên Hanamiyama ở tỉnh Fukushima giống  như thiên đường đầy màu sắc của các loại hoa trong làng và nhất là trên núi, tôi mới thấy cái tài tình của Basho xưa kia khi ông ngắm núi Yoshino ở tỉnh Nara và viết bài thơ: Uống hết mây / Nó phun ra hoa anh đào / Núi Yoshino. Trên dãy núi ở Hanamiyama đó, anh đào nở rộ, nhìn xa như cả núi đang được những búng mây trắng, mây hồng bao phủ. Anh đào là vậy, nó nở hoa rộ, tất cả cùng đua nhau. Tôi đọc trên mạng và nhớ một câu văn như thế này: “Mùa xuân ở Tokyo rất đẹp, hoa anh đào nở bồng như thuỷ triều”.

Anh đào muôn thuở ảnh 2 Thiếu nữ Nhật dưới hoa anh đào

Hôm ở Hanamiyama đó, tôi tách đoàn đi một lối riêng sâu một đoạn vào trong làng. Nhìn thấy một thiếu nữ ngồi nhắm mắt mơ màng dưới một gốc anh đào, bất chợt lại nhớ đến một câu chuyện trên mạng không hiểu sao không đề tên truyện và tác giả. Chuyện kể về mối tình của một đôi trai gái quen nhau vì ngồi ở hai gốc anh đào cạnh nhau trong vườn trường. Rồi chàng trai đó lâm bệnh trọng phải đi nước ngoài phẫu thuật. Họ ước hẹn dù ca mổ có thế nào thì chậm nhất mười năm sau cũng phải gặp lại. Cô gái nói sẽ đợi 10 năm. Và 10 năm sau đó, bác gác trường thỉnh thoảng thấy cô gái vẫn đến ngồi vô định dưới gốc anh đào chờ dù ca mổ của chàng trai không thành. Hành động của cô gái thu hút sự chú ý của một chàng trai khác. Và ở năm thứ 10, cô gái rời gốc anh đào của mình sang bên gốc anh đào người yêu xưa ngồi để lần cuối xem dòng chữ anh khắc để lại rồi ra đi với vẻ mặt thanh thản, nói với bác gác trường sẽ không trở lại nữa, chàng trai mới đến gốc cây để xem dòng chữ. Anh đọc thấy câu người khác để lại từ 10 năm trước: “Chúc em một đời bình an”.

Giống một ngôn tình tuổi teen, nhưng đã thu hút tôi đọc từ đầu đến cuối vì nó được viết bằng hành văn kiểu như thế này: “Xuân về, mùa hoa anh đào lại nở. Sức sống lại trở về từ phương Nam ấm áp. Mùa mưa rào dường như không muốn bỏ lỡ cơ hội phá hủy những bông hoa bé nhỏ vừa hé nụ trên cành cao. Chỉ cần một cơn mưa ngang qua, con đường lại phủ đầy cánh hoa anh đào (…) Một lần cô uống say, anh từng thẳng thắn mà hỏi cô trái tim cô đang chứa đựng điều gì. Cô chỉ mỉm cười thật khẽ và bảo, là hoa anh đào. Khi ấy anh nhận ra, hóa ra anh đã say thật rồi”.

Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn với du khách Việt bởi văn hóa đặc sắc, phong cảnh tươi đẹp, ẩm thực phong phú. Vietravel cho biết  bên cạnh cung đường vàng qua các điểm nổi tiếng như Tokyo, Osaka, Kyoto thu hút du khách nhiều năm qua thì nay Cty khai thác rất nhiều tour bay thẳng đến Nhật như Ibaraki, Fukushima... ngắm anh đào. Vào mùa hè có thêm điểm đến Hokkaido ngắm hoa oải hương. Mùa thu khách thích đến Nhật ngắm lá đỏ. Tần suất đưa đoàn của Cty sang Nhật hiện nay trung bình mỗi ngày có 1 - 2 đoàn đi.

(Đọc kỳ tới trên Tiền Phong số 105, ra thứ 2, ngày 15/4) 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.